Theo The Diplomat, trong suốt quá trình tranh cử, Tổng thống đắc cử Philippines Rodrigo Duterte chưa cho thấy những chính sách rõ ràng. Nhiều người cho rằng, những cam kết mà ông Duterte đưa ra rất chung chung như trấn áp tội phạm với nỗ lực gấp 2 lần so với khi còn là thị trưởng Davao hay đầy mơ hồ khi nói về các mối đe dọa an ninh từ các nhóm phiến quân ở miền Nam Philippines, tranh chấp với Trung Quốc ở biển Đông...
Tuy nhiên, kể từ khi đắc cử vào đầu tháng 5, các kế hoạch của ông Duterte cho nhiệm kỳ tổng thống 6 năm đã trở nên rõ nét. Được xem là vị tổng thống Philippines đầu tiên đến từ miền Nam Philippines (ông là thị trưởng Davao trong nhiều thập niên), ông Duterte đang thể hiện rõ mong muốn kết thúc xung đột kéo dài với quân nổi dậy ở miền Nam. Việc phân cấp quyền lực chính trị và kinh tế ở Indonesia kể từ năm 1998 là một nguồn cảm hứng cho ông Duterte. Trước khi chế độ Suharto kết thúc, Indonesia là một trong những quốc gia quyền lực tập trung ở trung ương. Nhưng giờ đây, đất nước vạn đảo theo mô hình liên bang, phân quyền đang cho thấy sự hiệu quả trong đời sống chính trị và thúc đẩy khả năng cạnh tranh kinh tế tại Indonesia. Một bài báo trên Wall Street Journal cho biết, ông Duterte có ý định thay đổi hiến pháp để biến Philippines thành một quốc gia liên bang và đề xuất một cuộc trưng cầu dân ý về thay đổi hiến pháp vào năm 2019.
Ông Duterte cũng sẽ tiếp tục thực hiện nhiều chính sách kinh tế của chính quyền Tổng thống sắp mãn nhiệm Benigno Aquino, một việc làm mà giới quan sát cho là cần thiết để trấn an các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tuy nhiên, tham vọng của Tổng thống mới đắc cử của Philippines là xoay chuyển nền kinh tế của Philippines, mang lại sự phát triển lớn mạnh hơn. Ông Duterte cam kết sử dụng quyền lực của mình không chỉ để thúc đẩy sự tăng trưởng, mở rộng nền kinh tế mà còn giảm bất bình đẳng thu nhập tại Philippines. Theo Ernesto Pernia, cố vấn kinh tế của ông Duterte, một chiến lược như vậy bao gồm tập trung đầu tư ở phía Nam và những khu vực xa Manila. Chính phủ Philippines có kế hoạch tạo ra các vùng kinh tế đặc biệt mới để thu hút đầu tư như Metro Manila và Luzon. Ngoài ra, Philippines cũng sẽ phát triển nền kinh tế phụ thuộc nhiều hơn vào xuất khẩu nông nghiệp và sản xuất chứ không phải tiêu thụ hàng hóa bởi một nền kinh tế phụ thuộc vào tiêu thụ không thể tạo đủ việc làm.
Cuối cùng, Tổng thống Duterte cũng đã đưa ra các chính sách rõ ràng về biển Đông. Trong chiến dịch tranh cử, ông Duterte cho rằng, ông sẽ phá vỡ cách tiếp cận về vấn đề biển Đông của chính quyền Tổng thống Aquino và tăng cường sức mạnh quân sự. Tuy nhiên, có rất ít bằng chứng cho thấy ông Duterte sẽ phá bỏ hoàn toàn các chính sách của ông Aquino. Ông Duterte khẳng định sẽ không dựa vào Mỹ để đảm bảo an ninh lâu dài và chính phủ trực tiếp đàm phán với Bắc Kinh về các khu vực tranh chấp, nhưng sẽ không từ bỏ chủ quyền với bãi cạn Scarborough. Ngoài ra, ông Duterte cũng đã không rút lại hồ sơ kiện Trung Quốc của Philippines ra Tòa trọng tài thường trực (PCA) của Liên hiệp quốc ở La Hay như một số nhà phân tích từng dự đoán. Giới quan sát nhận định, ông Duterte là người thực dụng trong vấn đề tranh chấp ở biển Đông.
ĐỖ CAO