Tổng thống Morsi tháo “ngòi nổ” Ai Cập

Xoa dịu tạm thời
Tổng thống Morsi tháo “ngòi nổ” Ai Cập

Ngày 9-12, trong một động thái nhằm giải tỏa căng thẳng đang diễn ra tại Ai Cập, Tổng thống Mohammed Morsi tuyên bố bãi bỏ sắc lệnh mở rộng quyền lực. Sau tuyên bố này, liệu chính trường Ai Cập có thôi dậy sóng?

Cảnh sát Ai Cập lập hàng rào ngăn người biểu tình tràn vào phủ Tổng thống tại Cairo.

Cảnh sát Ai Cập lập hàng rào ngăn người biểu tình tràn vào phủ Tổng thống tại Cairo.

Xoa dịu tạm thời

Tổng thống Morsi còn chấp thuận đề xuất của các lực lượng chính trị về việc thành lập một ủy ban sửa đổi dự thảo hiến pháp, bao gồm các cựu ứng cử viên tổng thống và lãnh đạo các đảng phái chính trị khác nhau. Ủy ban Đối thoại quốc gia Ai Cập khẳng định, sắc lệnh gia tăng quyền lực của Tổng thống Morsi được bãi bỏ nhưng việc bỏ phiếu dự thảo hiến pháp vẫn tiến hành theo đúng lịch trình vào ngày 15-12. Selim al-Awa, cố vấn của ông Morsi, cho biết với tình hình hiện nay, nếu dự thảo hiến pháp hiện có bị bác bỏ sẽ có một bản hiến pháp mới được các quan chức do nhân dân bầu chọn thảo ra chứ không phải những người do quốc hội chỉ định.

Hãng AP nhận định, động thái của Tổng thống Morsi chỉ là giải pháp xoa dịu tạm thời lòng dân. Ông Morsi chưa thật sự làm thỏa mãn những yêu cầu phong trào đối lập. Hai vấn đề then chốt của các cuộc biểu tình kéo dài nhiều ngày qua chống ông Morsi là sắc lệnh và cuộc trưng cầu dân ý về dự thảo sửa đổi hiến pháp. Sắc lệnh ban hành ngày 22-11 khiến ông Morsi bị chỉ trích là kẻ độc tài muốn thâu tóm quyền lực khi không cho phép các cơ quan tư pháp xem xét hay hủy bỏ các quyết định do ông đưa ra.

Phe đối lập bao gồm những người cấp tiến, thế tục và những người ủng hộ chế độ cũ cho rằng dự thảo hiến pháp được thúc đẩy bởi những người Hồi giáo ủng hộ Tổng thống Morsi, không có sự tham gia của các lực lượng đối lập. Nhóm này đòi hỏi trưng cầu dân ý bị hủy bỏ và một dự thảo hiến pháp mới được hình thành với sự tham dự của các đảng phái. Hàng loạt cuộc đụng độ xảy ra sau sự phát động của phe đối lập khiến 7 người thiệt mạng và hơn 640 người bị thương.

Nguy cơ tái khủng hoảng

Bất chấp việc hủy bỏ sắc lệnh, những tác động của nó trên đường phố Cairo vẫn chưa chấm dứt khi phe đối lập kêu gọi người dân xuống đường phản đối dự thảo hiến pháp. Trong những cuộc phỏng vấn của hãng tin AFP, đa số người biểu tình ủng hộ phe đối lập cho rằng họ vẫn không hài lòng trước tuyên bố mới của Tổng thống Morsi. Trước dinh thự của ông Morsi tại tỉnh Sharqiya, những người biểu tình đã dùng gạch, đá và bom xăng tấn công cảnh sát, làm 7 người bị thương, trong đó có 6 cảnh sát, buộc cảnh sát phải tăng cường lực lượng, điều động xe bọc thép và bắn đạn hơi cay để giải tán đám đông.

Trước đó, chiều ngày 8-12, hơn 40 đại diện các lực lượng chính trị và chuyên gia pháp lý Ai Cập tham gia cuộc “đối thoại dân tộc” kéo dài gần 9 giờ, theo lời kêu gọi của Tổng thống Morsi. Tuy nhiên, phần lớn các lực lượng chính trị đối lập đã tẩy chay cuộc đối thoại. Mặt trận Cứu quốc, với nòng cốt là các nhà lãnh đạo đối lập nổi bật như các cựu ứng cử viên Tổng thống Mohamed ElBaradei, Hamdeen Sabbahi không tham dự cuộc họp này.

Cũng theo hãng tin AP, tình trạng đối đầu giữa Tổng thống Morsi và phe đối lập chỉ gây bất lợi cho cả hai và có nguy cơ đẩy quốc gia với hơn 90 triệu dân rơi trở lại vòng xoáy khủng hoảng. Kết quả cuộc thăm dò dư luận qua điện thoại do Trung tâm nghiên cứu dư luận của Ai Cập Baseera tiến hành cho biết, tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Morsi đã sụt giảm mạnh, xuống còn 57% từ mức 79% sau 100 ngày đầu nhậm chức. Tỷ lệ không ủng hộ đã tăng từ 15% trong cuộc thăm dò dư luận cách đây hai tháng lên mức 33%.

Thanh Hằng (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục