Sáng 23-5, Tổng thống Mỹ Barack Obama, bắt đầu chuyến công du 6 ngày tới 4 nước châu Âu (Ireland, Anh, Pháp và Ba Lan). Chuyến đi được đánh giá là rất quan trọng, giúp Tổng thống Obama tiếp tục khẳng định mối liên minh nền tảng của Mỹ trên thế giới.
Trọng tâm ở nước Anh
Theo lịch trình, thủ đô Dublin của Ireland, quê tổ của mẹ Tổng thống Obama, sẽ là chặng dừng chân đầu tiên trong chuyến công du được giới quan sát cho là nhằm tái kết nối các đồng minh châu Âu để hậu thuẫn Washington giải quyết các vấn đề an ninh và kinh tế thế giới.
Phân nửa thời gian chuyến đi diễn ra ở Anh. Dự kiến, trong 3 ngày lưu lại xứ sở sương mù, người đứng đầu Nhà Trắng sẽ có bài phát biểu trước cả hai nghị viện tại tòa nhà quốc hội Westminster. Đây là sự kiện rất hiếm hoi vì tòa nhà này thường là nơi dành riêng cho người đứng đầu ngai vàng nước Anh. Bài diễn văn trước Quốc hội Anh sẽ nhấn mạnh sự cam kết bền vững của Mỹ với châu Âu, cũng như xác định an ninh và thịnh vượng đối với châu Âu cũng quan trọng như đối với Mỹ.
Còn theo giới quan sát, chương trình nghị sự trong các cuộc đàm phán sau đó của Tổng thống Obama với Thủ tướng Anh Cameron tại số 10 phố Downing chủ yếu là củng cố sự ủng hộ của London đối với cuộc chiến ở Libya cũng như việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan vào mùa hè năm nay. Đây là những vấn đề mà ông sẽ phải đối mặt tại Hội nghị thượng đỉnh 8 nước công nghiệp (G8).
Tìm tiếng nói chung
Sau Anh, chặng dừng chân tiếp theo của người đứng đầu Nhà Trắng sẽ là Pháp – nơi Tổng thống Mỹ tham dự G8 để bàn về vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế toàn cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và cả vấn đề nhân sự mới cho Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Theo Reuters, điều mà Mỹ cùng các nước châu Âu phải bàn tới trong cuộc họp này chính là sự phát triển vượt bậc của châu Á với khả năng không bao lâu sẽ vượt Mỹ, châu Âu.
Trong cuộc họp với lãnh đạo các nước đồng minh Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), ông Obama sẽ kêu gọi các đồng minh cũ giúp đỡ thúc đẩy cái gọi là “phong trào thay đổi dân chủ” đối với thế giới Arab ở khu vực Trung Đông. Tổng thống Obama sẽ bảo đảm liên minh quân sự NATO được hiện đại hóa phù hợp với những thách thức của thế kỷ 21, đồng thời khẳng định sự sống còn trong mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương thông qua các định chế của châu Âu.
Trong khi người ta vẫn chưa rõ khi nào IMF đưa ra quyết định nhân sự mới thì Tổng thống Mỹ được cho là sẽ tìm kiếm và thỏa hiệp với Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy về người kế nhiệm ông Strauss-Kahn trở thành Tổng Giám đốc IMF. Hiện Bộ trưởng Tài chính Pháp Christine Lagarde, cánh tay thân cận của Tổng thống Pháp, được nhận định là một trong những ứng viên sáng giá.
Chặng dừng chân cuối cùng của Tổng thống Obama là Ba Lan – một trong những nơi Mỹ đặt lá chắn cho Hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu. Tại đây, ông Obama sẽ thảo luận về các đề xuất cho kế hoạch lá chắn tên lửa Mỹ.
Chuyến thăm châu Âu lần thứ 8 với cương vị là Tổng thống Mỹ của ông Barack Obama diễn ra trong bối cảnh nước Mỹ vừa công bố chính sách ngoại giao mới với thế giới Hồi giáo. Bình luận của hãng tin AP cho rằng, với thành công của tình báo Mỹ trong chiến dịch đột kích tiêu diệt trùm khủng bố Osama Bin Laden tại Pakistan, Tổng thống Mỹ hy vọng sẽ tìm được tiếng nói chung với các nhà lãnh đạo châu Âu trong vấn đề đối phó với các thế lực Hồi giáo cực đoan.
Chuyến công du cũng được coi là cách để Washington thắt chặt mối quan hệ đồng minh với những quốc gia châu Âu từng gắn bó từ thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ 2, tìm sự đồng thuận trong cách đối phó với những thế lực chống đối xuất phát từ các quốc gia ở khu vực đang được coi là nóng nhất địa cầu hiện nay: Trung Đông - Bắc Phi.
HẠNH CHI