“Chúng ta tiến gần năm mới với một nền kinh tế mạnh hơn so với hồi đầu năm nay. Tôi tin tưởng vững chắc rằng năm 2014 có thể là một năm đột phá cho nước Mỹ”. Ngày 21-12, Tổng thống Obama đã mở đầu bài phát biểu tại cuộc họp báo bằng những thông tin tích cực từ nền kinh tế Mỹ. Cụ thể trong quý 3 vừa qua, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ đã tăng trưởng 4,1% - mức cao nhất trong vòng 2 năm qua.
Năm 2014 khởi đầu tốt đẹp hơn
Theo ông Obama, Bộ luật thuế nay công bằng hơn, tình hình tài chính vững chắc hơn, với mức thâm hụt ngân sách hiện chưa bằng một nửa thời điểm ông nhậm chức (tháng 1-2009). Lần đầu tiên trong gần 2 thập kỷ, lượng dầu của Mỹ sản xuất trong nước cao hơn lượng dầu nhập khẩu, đồng nghĩa với việc chiến lược năng lượng mới đã giúp chi phí năng lượng thấp hơn. Liên quan đến việc triển khai đạo luật ObamaCare, Tổng thống Obama khẳng định mặc dù còn một số vấn đề với trang mạng HealthCare.gov, song có hơn 1 triệu người đã đăng ký bảo hiểm y tế mới trong vài tháng qua.
Giới phân tích cho rằng “sự thành công giới hạn” trong năm 2013 có nguyên nhân chủ yếu là do các bế tắc đảng phái tại Quốc hội cũng như một số sai lầm của cá nhân tổng thống. Cuộc đấu đá quyền lực không khoan nhượng kéo dài giữa đảng Cộng hòa nắm đa số ghế tại Hạ viện với phe Dân chủ khống chế Thượng viện đã dẫn tới hệ quả là Quốc hội khóa 113 hiện nay của Mỹ bị đánh giá là hoạt động kém hiệu quả nhất trong lịch sử. Kể từ khi đi vào hoạt động sau cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11 năm ngoái đến nay, Quốc hội khóa 113 của Mỹ mới chỉ thông qua và đưa được 55 đạo luật vào thực thi, ít hơn 7 đạo luật so với cùng kỳ của Quốc hội khóa 112. Số lượng đạo luật được thông qua trong một năm này là ít chưa từng có trong lịch sử ngành lập pháp Mỹ. Hiệu quả hoạt động thấp đã làm uy tín của Quốc hội khóa 113 giảm xuống mức thấp chưa từng có, khi ở thời điểm hiện nay, chỉ còn 9% người dân ủng hộ.
Tuy nhiên, bày tỏ quan điểm về vấn đề này, Tổng thống Obama nói ông không coi 2013 là năm tồi tệ nhất trong nhiệm kỳ Tổng thống của mình. Ông nhấn mạnh thỏa thuận ngân sách gần đây với việc lưỡng viện Quốc hội Mỹ thông qua ngân sách tài khóa 2014 và 2015 là bằng chứng cho thấy hai đảng có thể hợp tác nhiều hơn nữa.
NSA cần cải tổ nhưng vẫn duy trì chương trình do thám Theo Tổng thống Obama, cùng với việc tăng cường sức mạnh trong nước, Mỹ cũng đang đứng lên bảo vệ các lợi ích của mình trên thế giới. Năm 2013 đã cho thấy rằng, với nền ngoại giao tinh tường và có nguyên tắc, Mỹ có thể theo đuổi những con đường mới hướng tới một thế giới an toàn hơn, một tương lai mà Iran không chế tạo vũ khí hạt nhân và các kho vũ khí hóa học của Syria được phá hủy.
Trong nỗ lực nhằm cân bằng những dư luận trái chiều xung quanh chương trình do thám của Cơ quan An ninh quốc gia (NSA) của Mỹ, Tổng thống Obama tuyên bố sẽ kiểm tra một số yếu tố liên quan đến NSA, song khẳng định không thể đơn phương giải thể hệ thống do thám này.
Liên quan chương trình do thám của các cơ quan tình báo nước ngoài, báo New York Time cho biết “người đưa tin Snowden” vừa tiết lộ, NSA đã có một thương vụ mật trị giá 10 triệu USD với RSA - một trong những công ty có ảnh hưởng nhất trong ngành công nghiệp bảo mật máy tính trên thế giới. Những tiết lộ này cùng với mối nghi ngại trước đó đã khiến giới công nghệ “sốc” trước tính “hai mặt” của các công ty bảo mật. Sự việc sẽ không chỉ gây tổn hại cho uy tín của RSA, mà thậm chí còn bào mòn niềm tin dành cho các công ty bảo mật nói chung. Một khi các sản phẩm công nghệ của Mỹ đánh mất điều này sẽ là cơ hội cho các sản phẩm đến từ các quốc gia khác, kể cả những nước cũng từng dính líu đến tai tiếng gián điệp, nổi lên.
HẠNH CHI (tổng hợp)