TP Đà Lạt: Ì ạch chỉnh trang đô thị

TP Đà Lạt: Ì ạch chỉnh trang đô thị

Chưa bao giờ nguồn vốn xây dựng cơ bản (XDCB) ở Đà Lạt được bố trí nhiều như năm nay, nhưng cũng chưa bao giờ các dự án, công trình xây dựng lại bị chậm trễ khiến nhiều tỷ đồng vốn phải “dài cổ” chờ công trình.

“Treo”... vốn

TP Đà Lạt: Ì ạch chỉnh trang đô thị ảnh 1

Công viên Ánh Sáng khởi công từ năm 2005 đến nay vẫn đang dang dở, hàng chục tỷ đồng vốn đang chờ. Ảnh: Y.V

Theo kế hoạch, nguồn vốn XDCB mà tỉnh Lâm Đồng giao cho TP Đà Lạt năm 2007 là 145,6 tỷ đồng tập trung cho các công trình chỉnh trang đô thị và tái định cư (TĐC) như: Công viên Ánh Sáng, vườn hoa thành phố (công viên hoa), Quảng trường Trung tâm; khu TĐC Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Công Trứ, khu quy hoạch Trần Quang Khải… Do triển khai quá chậm nên hầu hết các dự án đều đang trong tình trạng “vốn treo”. Điển hình là các công trình: quảng trường Trung tâm sau hơn 2 năm triển khai vẫn chưa chính thức khởi công – hiện mới chỉ thực hiện các bước làm hồ sơ thu hồi đất, tính toán phương án đền bù nên mới giải ngân được 357 triệu đồng trong số 3 tỷ đồng, sớm lắm phải sang năm 2008 mới khởi công.

Dự án mở rộng vườn hoa TP giai đoạn 2 có tổng vốn bố trí là 11 tỷ đồng nhưng đến nay mới giải ngân được 454 triệu đồng, chiếm 4,13% kế hoạch. Dự án công viên Ánh Sáng trong 6 tháng đầu năm khối lượng xây lắp mới đạt 868 triệu đồng, giải ngân được 253 triệu đồng, đạt 0,74% kế hoạch. Ngoài ra, các công trình khu TĐC như Trần Quang Khải, Nguyễn Đình Chiểu đạt chưa quá 25% kế hoạch.     

Trong nguồn vốn đầu tư XDCB năm 2007, vốn từ thu xổ số kiến thiết chiếm đến 89,65 tỷ đồng và phần lớn các dự án bị “treo vốn” thuộc nhóm này. Có nhiều nguyên nhân như: vướng đền bù, giải tỏa, TĐC; thủ tục hành chính rườm rà, năng lực của ban QLDA hạn chế; công tác truyên truyền pháp luật về đất đai đến người dân chưa tốt. Từ năm 1993 đến nay, Nhà nước đã ban hành nhiều quy định về đất đai nhưng do liên tục sửa đổi nên việc áp dụng vào thực tiễn gặp khó khăn, quyền lợi của người sử dụng đất còn chưa rõ ràng; việc áp dụng Luật Đất đai bất cập ở khâu tính toán đền bù, giá thị trường còn rất chung chung. Không ít nhà thầu than phiền về thủ tục hành chính còn phiền hà và cán bộ chưa thực sự nhiệt huyết với công việc. 
 
Hài hòa lợi ích

Có một nguyên nhân sâu xa cần phải được mổ xẻ cặn kẽ, đó là công tác quy hoạch đang rất bất cập. Trước nay, Đà Lạt từng nổi tiếng là đô thị có quy hoạch, quản lý chặt chẽ bằng quy hoạch ngay từ mới ra đời, nhưng những dự án quy hoạch trong 7-8 năm qua lại chưa đạt đến tầm nhìn cần thiết – thường  phải sớm tự chỉnh sửa quy hoạch hoặc xáo trộn, ảnh hưởng đến cuộc sống an cư của nhiều hộ dân. Thay vì mở rộng ra ngoại ô, có dự án như khu dân cư Mạc Đĩnh Chi lại quy hoạch trên diện tích chật chội ngay tại chỗ, là nơi mà giá trị đất đã tăng cao nhưng áp giá đền bù thấp, dẫn đến khiếu kiện làm tiến độ bị đình trệ. Hoặc khu ấp Ánh Sáng ở ngay gần chợ Đà Lạt trước nay là nơi sinh sống, buôn bán của hơn 400 hộ dân qua nhiều thế hệ nhưng nay giải tỏa làm công viên với số tiền đền bù ít ỏi từ ngân sách địa phương vốn đã rất eo hẹp thì người dân có nguy cơ trắng tay, cuộc sống bấp bênh khi bị thu hồi nhà, đất. Các khu TĐC cũng chưa có nên ách tắc về tiến độ - không giải ngân được cũng là điều dễ hiểu.

Rõ ràng, việc triển khai các dự án chỉnh trang đô thị ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân đang là vấn đề không nhỏ của quá trình phát triển đô thị Đà Lạt. Nên chăng, cần giãn dân, quy hoạch các dự án KT-XH và khu TĐC ra khỏi khu trung tâm để vừa giúp khai thông nhanh các nguồn vốn đầu tư, vừa tránh tình trạng quá tải như các TP lớn hiện nay đang gặp phải do tập trung vào khu trung tâm gây ách tắc giao thông. Mặt khác, khi thu hồi đất, giải tỏa dân cần lựa chọn các dự án đầu tư có hiệu quả cao về KT-XH, nhất là du lịch – dịch vụ – thương mại để giải quyết việc làm. Có như thế mới làm tăng hiệu quả của đất đai, có nguồn lực tài chính để chi trả đền bù thỏa đáng cho người dân, đồng thời tạo điều kiện cho người dân trong khu vực bị giải tỏa ổn định, nâng cao mức sống.

Y Văn

Tin cùng chuyên mục