TP Hồ Chí Minh: Cảnh giác với bão lụt

60 năm trước (Nhâm Thìn 1952), khu vực Đông Nam bộ, trong đó có TPHCM bị ngập lụt nặng nề do ảnh hưởng của mưa bão nên người dân sau đó đã có câu nói cửa miệng: “Năm Thìn bão lụt” để nói về trận lụt lịch sử này ở khu vực mà nhiều người vẫn hay cho rằng là nơi “miễn nhiễm” với các cơn bão!
TP Hồ Chí Minh: Cảnh giác với bão lụt

60 năm trước (Nhâm Thìn 1952), khu vực Đông Nam bộ, trong đó có TPHCM bị ngập lụt nặng nề do ảnh hưởng của mưa bão nên người dân sau đó đã có câu nói cửa miệng: “Năm Thìn bão lụt” để nói về trận lụt lịch sử này ở khu vực mà nhiều người vẫn hay cho rằng là nơi “miễn nhiễm” với các cơn bão!

Đưa lúa vào nhà máy xay xát chế biến gạo xuất khẩu tại Long An. Ảnh: THANH TÂM

Đưa lúa vào nhà máy xay xát chế biến gạo xuất khẩu tại Long An. Ảnh: THANH TÂM

Cần nhận thức đúng

Phát biểu tại buổi triển khai kế hoạch phòng chống lụt bão (PCLB) và cháy rừng TPHCM năm 2012, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Minh Trí, Trưởng ban Chỉ huy PCLB TP, cho rằng, hiện nay ở TPHCM, khá nhiều người tỏ ra chủ quan, xem thường khi nghe đến bão lụt. Người dân nghĩ rằng bão lũ chỉ có ở nơi khác chứ không phải ở TPHCM. Vì vậy, nhà cửa và các công trình hạ tầng chưa sẵn sàng ứng phó khi bão lũ xảy ra. Năm 1997 khi cơn bão Linda đổ bộ và tàn phá nặng nề các tỉnh ven biển đồng bằng sông Cửu Long cũng chỉ “quét” sơ qua huyện biển Cần Giờ - nơi có mật độ dân số và xây dựng thấp nhất TP. Vùng nội thành vẫn bình yên. Nhưng từ đó trở đi, TPHCM nói riêng và khu vực Nam bộ nói chung không còn là vùng miễn nhiễm với bão lũ. Năm 2006 và 2007 người dân xã đảo Thạnh An huyện Cần Giờ đã phải di dời vào đất liền để tránh bão.

Diễn biến bão ở biển Đông trong hơn một thập niên qua cho thấy ngày càng di chuyển dần xuống phía Nam, nhất là vào thời điểm cuối năm nên không thể chủ quan trong việc phòng chống ở TPHCM. Nếu bão lụt xảy ra tác hại sẽ rất lớn và không thể lường hết khi TPHCM là địa phương đông dân nhất với khoảng 10 triệu người và kết cấu hạ tầng dày đặc. Vì vậy, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Minh Trí cho rằng, nếu muốn làm tốt việc này phải có nhận thức đúng về tầm quan trọng của việc phòng chống thiên tai.

Thực tế luôn bất lợi

Việc Ban Chỉ huy PCLB TPHCM đưa ra các phương án ứng phó là điều tích cực trong việc chủ động phòng chống. Các địa phương cần có kế hoạch triển khai. Nhưng giữa lý thuyết, kể cả diễn tập, với thực tế xảy ra khác xa theo hướng bất lợi, phức tạp hơn nhiều. Do đó, ý thức phòng chống là điều phải quán triệt. Nếu không có nhận thức đúng, có phương án phối hợp giữa các ban ngành, đoàn thể và lực lượng sẽ lúng túng khi triển khai một khi thiên tai xuất hiện. Có nhiều việc để chuẩn bị, nhưng yêu cầu đầu tiên là phải kiện toàn bộ ban chỉ huy PCLB các cấp, các ngành; trong đó cần cập nhật rõ họ tên người đứng đầu, có kế hoạch cụ thể về dự báo tình huống và chuẩn bị các phương tiện và phải xác định trách nhiệm tại chỗ khi sự việc xảy ra.

Việc xem xét lại các trang thiết bị tại chỗ nên làm thường xuyên và luôn trong tư thế phải sẵn sàng. Kiểm tra thực tế không ít nơi cho thấy, dù có bình xịt, máy bơm nhưng do không được bảo trì nên khi sự cố xảy ra không thể sử dụng. So với cả nước, về năng lực bộ máy, TP có thể dẫn đầu, nhưng theo ông Lê Minh Trí, với thực tế của TP vẫn chưa đạt yêu cầu bảo vệ người dân. Thiết bị có thể đáp ứng, nhưng hạ tầng lại không đồng bộ là những bất cập ở TPHCM.

Tiềm lực về con người và thiết bị TP còn rất lớn, nhất là lực lượng chuyên nghiệp và thiết bị hiện đại của quân đội trên địa bàn TP như lực lượng Bộ Tư lệnh TPHCM và Quân khu 7. TP sẵn sàng đầu tư phương tiện và thiết bị nếu cần thiết để bảo vệ tính mạng và tài sản của dân, nhưng trước hết cần phối hợp với các lực lượng để rà soát, khai thác hết tiềm lực về con người và thiết bị của các đơn vị tránh việc đầu tư lãng phí. Ban Chỉ huy PCLB TP cần có phương án cụ thể phối hợp sử dụng các phương tiện khi sự cố xảy ra và căn cứ vào đó triển khai.

Theo Ban Chỉ huy PCLB và Tìm kiếm cứu nạn TPHCM, vẫn còn nhiều bờ bao yếu, nhỏ, xuống cấp; chân bờ bao sát bờ rạch, cao trình thấp, các công trình đầu tư chưa đồng bộ nên đã gây ra bể bờ bao, tràn bờ khi triều cường dâng cao, nhất là quận 12, Thủ Đức, Bình Thạnh, huyện Hóc Môn, Củ Chi. Việc triển khai công trình PCLB ở một số nơi còn chậm, chưa chủ động tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ nên chưa phát huy tác dụng ngăn triều vào các đợt triều cường.

Một số dự án thoát nước, xóa, giảm ngập chưa đạt tiến độ đề ra do bất cập trong quản lý, điều hành của các ban quản lý dự án, năng lực thi công của nhà thầu và vướng mắc trong việc bồi thường giải tỏa, di dời công trình ngầm. Tình trạng san lấp, lấn chiếm trái phép, xả rác xuống kênh rạch thoát nước vẫn chưa được ngăn chặn hiệu quả. Một số vị trí kênh rạch, cửa xả bị nhà dân lấn chiếm không thể lắp van nên nước theo cửa xả vào gây ngập…

CÔNG PHIÊN

Tin cùng chuyên mục