Thành phố Hồ Chí Minh cùng với 7 tỉnh thành: Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Bình Phước, Tiền Giang và Long An được định hướng trở thành “bát giác kim cương” phát triển mạnh về kinh tế - xã hội, góp phần thúc đẩy sự thịnh vượng của Việt Nam vươn ra tầm khu vực.
Sự lớn mạnh của TPHCM không chỉ là bước tiến thịnh vượng của các tập đoàn mà còn là sự phát triển của hàng trăm nghìn doanh nghiệp vừa và nhỏ trên khắp địa bàn thành phố. Đúng với trọng tâm kế hoạch về một vùng đất “đầu tàu” đầy năng động và đột phá, vành đai công nghiệp phía Nam Hồ Chí Minh thuộc khu vực Bình Chánh, Bình Tân và Tân Phú với hàng chục ngàn công xưởng của các doanh nghiệp trong nước đã đóng góp không nhỏ vào tiến trình phát triển bền vững của thành phố, đồng thời tạo nên sự kết nối về kinh tế với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
Theo nhận định của các chuyên gia, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp sẽ cùng nhau kết nối, đan xen tự nhiên trên quy luật phát triển cung cầu của thị trường, tạo ra sự bổ khuyết hài hòa và hợp lý. Sự kết nối này sẽ thông qua những đầu mối chính nằm ở khu vực phía Nam thành phố, trong đó bao gồm kết nối chuyển giao công nghệ, mô hình sản xuất, các nguồn cung ứng, kết nối hậu cần và giao thông…
Đặc biệt, khu vực Bình Chánh với sự phát triển của hạ tầng giao thông liên vùng, trung tâm hậu cần (logistic) ở ga Tân Kiên kết nối miền Tây trên tuyến tàu cao tốc và tuyến Metro 3A trong tương lai cũng sẽ mở ra những đầu mối kinh tế quan trọng. Dự kiến trong thời gian tới, sẽ có hàng nghìn xí nghiệp, nhà máy, các trung tâm nghiên cứu, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam mọc lên dày đặc tại vùng đất giàu tiềm năng này.
Sự vận động và chuyển dịch tại vành đai công nghiệp phía Nam nói chung và Bình Chánh nói riêng sẽ thu hút vốn đầu tư lớn cùng nguồn nhân lực chất lượng cao để phục vụ vận hành và phát triển. Đội ngũ công nhân có tay nghề, kỹ sư, các chuyên gia kỹ thuật, đội ngũ lãnh đạo, giám sát từ trong và ngoài nước sẽ quy tụ về đây, góp phần tạo nên diện mạo mới cho một vùng kinh tế sôi động và sáng tạo bậc nhất cả nước.
Cùng sự phát triển bùng nổ về công thương là việc đầu tư vào phát triển đồng bộ về hạ tầng xã hội ví dụ như khu nhà ở cho nhân viên văn phòng, công nhân, kỹ sư, chuyên gia đóng vai trò quan trọng. Bên cạnh đó là hệ thống trường học, trường dạy nghề, các phương tiện, nghỉ ngơi, giải trí, mua sắm, y tế, sức khỏe… và tất cả các tiện ích công cộng phục vụ cho đời sống hằng ngày. Hạ tầng xã hội đồng bộ với vành đai kinh tế mới sẽ tạo nên lực hút đội ngũ nhân lực trình độ cao tìm đến phát triển sản xuất cũng như các loại hình thương mại dịch vụ.
Tại TPHCM, nhu cầu về nhà ở hợp lý hiện rất lớn nhưng trong giai đoạn 2016-2019, chỉ có khoảng 14 dự án nhà ở xã hội với quy mô 10.255 căn hộ được đưa vào sử dụng, trong khi nhu cầu thực tế theo thống kê gấp 10 lần - khoảng 134.000 căn.
Với tốc độ phát triển kinh tế của TPHCM cùng sự dịch chuyển nguồn nhân lực từ các tỉnh đổ về đã khiến nhà ở xã hội trở thành cơn khát của rất nhiều người. Sự “An cư lạc nghiệp” của người lao động đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy liên kết vùng, tạo động lực phát triển cho vành đai sản xuất công nghiệp ở phía Nam thành phố, nhất là các trung tâm sản xuất lớn như Bình Tân, Bình Chánh.
Tuy nhiên thực tế cho thấy, đến thời điểm hiện tại, các quỹ đất dành cho nhà ở xã hội tại TPHCM đang khan hiếm. Không những thế, giữa lúc nền kinh tế chịu nhiều ảnh hưởng không tốt lại càng khó tìm được doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư vốn lớn cho hạ tầng xã hội, hạ tầng giao thông đồng bộ để phát triển đô thị nhà ở xã hội kiểu mẫu, phục vụ cho nhu cầu an cư của người lao động, góp phần tạo nên sự phát triển bền vững của khu Nam Sài Gòn.