TP Hồ Chí Minh - Tăng trưởng trong khó khăn

TP Hồ Chí Minh - Tăng trưởng trong khó khăn

Sáng 24-3, Thường trực UBND TPHCM họp kiểm điểm tình hình kinh tế - xã hội TP quý 1-2011, đề ra nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm quý 2. Trong quý 1, tuy gặp một số khó khăn nhưng TP vẫn đảm bảo tốc độ tăng trưởng. Tuy vậy, kinh tế - xã hội TP sẽ tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn, thách thức hơn trong thời gian tới, nên tại cuộc họp này, nhiều kiến nghị đã chuyển đến Thường trực UBND TP...

GDP tăng gần gấp 2 lần cả nước

Sản xuất công nghiệp ở TPHCM tiếp tục tăng trưởng trong quý 1-2011. Ảnh: CAO THĂNG
Sản xuất công nghiệp ở TPHCM tiếp tục tăng trưởng trong quý 1-2011. Ảnh: CAO THĂNG

Theo báo cáo của UBND TPHCM, tổng sản phẩm nội địa (GDP) quý 1-2011 trên địa bàn TP ước đạt 85.504 tỷ đồng, tăng 10,3%, tăng gần gấp 2 lần cả nước (quý 1 cả nước tăng 5,5%). Cụ thể khu vực dịch vụ tăng 10%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 10,9%, khu vực nông nghiệp tăng 4,2%.

Bí thư Đảng ủy khối công nghiệp Trung ương đóng tại TPHCM lý giải: Sở dĩ hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong quý 1 đạt được những con số khá đẹp là nhờ các hợp đồng đã ký kết trước đó, có sự dự trữ nguồn nguyên liệu… Từ tháng 4 trở đi, hoạt động của doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn hơn do mặt bằng giá mới. Theo Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn, bước sang tháng 3, giá sản phẩm nông nghiệp đã tăng theo giá thị trường…

Các doanh nghiệp chủ lực của TP tiếp tục “kêu” về vấn đề lãi suất ngân hàng, tỷ giá USD quá cao… Các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá kiến nghị tính toán lại giá những mặt hàng tham gia bình ổn do các nhà cung cấp tăng giá sản phẩm “Chúng tôi chỉ cầm cự mức giá cũ cho các mặt hàng tham gia bình ổn đến hết tháng 3-2011” - ông Nguyễn Văn Trực, Tổng giám đốc Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn, nói.

Đại diện Đảng ủy khối công nghiệp Trung ương đóng tại TPHCM đề nghị TP cần quan tâm, hỗ trợ cho doanh nghiệp được thuận lợi trong việc mua ngoại tệ để nhập nguyên liệu. Đặc biệt, tăng cường quản lý thị trường vì hàng nhái, hàng lậu đang tràn vào thị trường với giá rẻ nên doanh nghiệp trong nước khó cạnh tranh nổi. Đồng thời, đề nghị cho doanh nghiệp vừa và nhỏ đang sản xuất những mặt hàng chủ lực được tiếp cận với nguồn vốn vay kích cầu của TP. Bà Nguyễn Thị Hạnh, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, đề xuất TP cho đơn vị này được vay vốn kích cầu để phát triển mạng lưới bán buôn, bán lẻ vì nhu cầu đầu tư cho hoạt động này đến 700 tỷ đồng/năm.

Dừng những dự án chưa cần thiết

Ghi nhận các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân cho biết sẽ tiếp tục tháo gỡ. Đầu tháng 4, TPHCM sẽ làm việc với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, các bộ - ngành chức năng Trung ương để cùng tháo gỡ các vấn đề lãi suất, nguồn ngoại tệ… cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch, trong tình hình này, hơn ai hết, chính các doanh nghiệp phải tự rà soát lại chương trình, mục tiêu, giải pháp của đơn vị mình để điều chỉnh phù hợp với tình hình mới; xây dựng kế hoạch vốn vay phù hợp. Đặc biệt, các sở ngành, quận huyện dồn sức và vốn cho dự án sắp hoàn thành, dừng lại những dự án chưa cần thiết. “Vấn đề này không nói chung chung nữa, các đơn vị phải báo cáo cụ thể bằng văn bản từng dự án với thường trực UBND TP. Chương trình bình ổn giá phải làm hết sức để kiềm chế lạm phát”, Chủ tịch Lê Hoàng Quân chỉ đạo.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Trung Tín yêu cầu ngành công nghiệp TP đánh giá lại tốc độ tăng trưởng, tốc độ đầu tư - đặc biệt đối với 4 ngành công nghiệp chủ lực - trước tình hình biến động giá nguyên liệu đầu vào, tỷ giá USD, lãi suất cao, để dự báo sát tình hình trong những tháng tiếp theo. Phải đánh giá tổng thể sát với tình hình mới đề ra bước đi phù hợp, đúng đắn. Đối với vấn đề tiết kiệm điện, phải xem đây là pháp lệnh để triển khai xuống tận hộ dân, doanh nghiệp. Ngành điện tiếp tục hỗ trợ vốn để các cơ quan, đơn vị từng bước thay đổi máy móc, thiết bị tiết kiệm điện. “Phải thực hiện quyết liệt tiết kiệm điện trong năm 2011” - Phó Chủ tịch Nguyễn Trung Tín nhấn mạnh. Những doanh nghiệp nào chưa tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi kích cầu của TP thì lập lại phương án trình cơ quan chức năng để được hỗ trợ vốn vay nhằm đổi mới trang thiết bị máy móc, tạo ra những dòng sản phẩm cạnh tranh được và cũng đáp ứng nhu cầu chuyển dịch kinh tế của TP.

Đặc biệt, tại cuộc họp này, báo cáo của UBND TPHCM cho biết, tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn TPHCM tăng cao so với cùng kỳ. Cụ thể, đã xảy ra đến 292 vụ tai nạn giao thông đường bộ, tăng 22,17%; trong đó 248 người chết, tăng 24%; 164 người bị thương, tăng 90,6%. Nguyên nhân chủ yếu là do lưu thông không đúng làn đường quy định, vi phạm tốc độ… Có một vụ tai nạn giao thông đường sắt làm chết 1 người.


VÂN ANH

Tin cùng chuyên mục