
Nếu như cách đây 10 năm, TPHCM chỉ có khoảng 10 máy chạy thận nhân tạo phục vụ vài chục bệnh nhân bị suy thận mãn, thì đến nay toàn TP đã có tới gần 300 máy và số bệnh nhân đã trên 1.000 người. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, số bệnh nhân thực tế còn cao hơn nhiều và có xu hướng ngày càng tăng. Hiện các kỹ thuật điều trị suy thận mãn cũng được áp dụng tích cực nhưng xem ra chỉ vẫn là giải pháp hỗ trợ bệnh nhân sống chung với… bệnh.
Cao huyết áp, tiểu đường: coi chừng suy thận mãn
Là một trong những bệnh viện (BV) có nhiều kinh nghiệm trong điều trị thận - niệu, mỗi ngày BV Bình Dân tiếp nhận hàng chục lượt bệnh nhân đến khám và điều trị các bệnh lý liên quan đến thận. Trong đó, chiếm một phần không nhỏ bệnh nhân rơi vào các giai đoạn của suy thận mãn.

Chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Chợ Rẫy.
Theo các bác sĩ chuyên khoa Thận - niệu, có nhiều nguyên nhân dẫn đến suy thận nhưng các trường hợp phổ biến là mắc bệnh lý về viêm cầu thận. Hiện ngoài số bệnh nhân thường trú tại TPHCM, BV Bình Dân còn tiếp nhận một lượng không nhỏ bệnh nhân từ các tỉnh thành khác.
Tại BV Nhân dân Gia Định, khoa Thận - tiết niệu cũng luôn đầy ắp bệnh nhân liên quan đến suy thận. Theo TS-BS Nguyễn Thế Thành, Trưởng khoa, đa số bệnh nhân bị bệnh cầu thận kèm theo các bệnh lý khác như tim mạch, cao huyết áp, tiểu đường. Ngoài số bệnh nhân đang suy thận giai đoạn đầu hoặc viêm cầu thận phải điều trị nội trú, BV Nhân dân Gia Định đã có hẳn một khoa Chạy thận nhân tạo phục vụ 65-70 bệnh nhân.
Số bệnh nhân suy thận được khám và điều trị tại BV Chợ Rẫy cũng không ít. TS-BS Trần Ngọc Sinh, Trưởng khoa Tiết niệu, cho biết ngoài số bệnh nhân suy thận thể nhẹ điều trị nội trú và một lượng điều trị ngoại trú, hiện trong khoa Chạy thận nhân tạo và các cơ sở khác của BV liên tục phục vụ cho gần 500 bệnh nhân bị suy thận nặng, chủ yếu ở giai đoạn cuối. đó là chưa kể trung bình 30-40 bệnh nhân suy thận phải cấp cứu/ngày. Theo TS-BS Trần Ngọc Sinh, nhiều nguyên nhân dẫn đến suy thận và nếu không có những biện pháp điều trị kịp thời, có thể bị suy thận mãn giai đoạn cuối. BS Nguyễn Đức Lộc, Trưởng khoa Thận và lọc thận BV Đa khoa An Sinh, cũng cho rằng suy thận xuất phát từ nhiều bệnh lý khác nhau nhưng cao huyết áp, tiểu đường và các bệnh lý về cầu thận vẫn là những nguy cơ chính dẫn đến suy thận mãn.
Cần hành lang pháp lý để tạo nguồn thận hiến tặng
Theo các bác sĩ chuyên khoa thận- tiết niệu, suy thận được chia làm 4 giai đoạn và khi chuyển sang giai đoạn cuối (chức năng lọc và thải chất độc của thận không còn hoạt động) thì chỉ còn cách áp dụng các biện pháp thay thế hỗ trợ tích cực khác, chủ yếu chạy thận nhân tạo. Đây được xem là biện pháp tích cực và áp dụng phổ biến hiện nay. Theo Sở Y tế TPHCM, hiện toàn TPHCM có khoảng 300 máy chạy thận nhân tạo phục vụ liên tục cho trên 1.000 bệnh nhân nhưng vẫn chưa đáp ứng hết được nhu cầu.
Vì vậy, hầu hết các trung tâm, khoa chạy thận nhân tạo của các BV đều mở hết công suất phục vụ 4-5 ca/ngày. BV Chợ Rẫy chỉ có 45 máy nhưng phục vụ trung bình 180-200 bệnh nhân/ngày. BV đa khoa An Sinh có 35 máy chạy thận nhân tạo cũng phải chia làm 4 ca, chạy từ 5 giờ đến 23 giờ mới cơ bản đáp ứng nhu cầu của bệnh nhân. “Hiện mỗi bệnh nhân suy thận phải chạy thận nhân tạo 3 lần/tuần, mỗi lần 4 giờ. Với lượng bệnh nhân như hiện nay, hầu như các máy chạy thận phải hoạt động liên tục” - BS Nguyễn Đức Lộc cho biết.
Bên cạnh chạy thận nhân tạo, hiện một số BV cũng đã áp dụng phương pháp thẩm phân phúc mạc (mổ ổ bụng và đặt ống dẫn giữa lá tạng và lá thành của màng bụng để đưa dịch vào trao đổi điện giải, lọc bỏ chất độc) trong điều trị suy thận mãn. Theo các chuyên gia y tế, phương pháp này khá thích hợp cho suy thận mãn giai đoạn đầu. Ưu điểm là thực hiện đơn giản, người bệnh có thể thay lọc ở nhà, không cần đến BV và hỗ trợ của máy móc. Song nhược điểm là dễ nhiễm trùng, màng bụng sau 4-5 năm có thể bị xơ chai và buộc chuyển sang chạy thận nhân tạo hoặc ghép thận.
Tuy nhiên, phương pháp tối ưu được các chuyên gia y tế khuyến nghị cho điều trị suy thận mãn giai đoạn cuối vẫn là ghép thận. Nhưng khó khăn nhất hiện nay là không có nguồn thận. Cách đây 8 năm, BV Nhân dân Gia Định đã tiến hành ghép thận và thực hiện thành công cho 4 ca, nhưng từ năm 2003 đã tạm ngưng vì không tìm được nguồn thận hiến- tặng. Trong khi đó, từ năm 1992 đến nay, BV Chợ Rẫy cũng đã tiến hành ghép thận cho hơn 134 trường hợp và đã thành công do hầu hết những người cho thận đều là thân nhân bệnh nhân, ít bị thải ghép. Theo TS-BS Trần Ngọc Sinh, Trưởng khoa Tiết niệu, số bệnh nhân được chỉ định và có nhu cầu ghép thận trong những năm gần đây tăng cao nhưng nguồn thận để ghép không có, chỉ có những trường hợp thân nhân bệnh nhân hiến tặng.
Từ thực tế nói trên, các chuyên gia y tế cho rằng, hiện Luật Hiến, ghép mô tạng đã ban hành và có hiệu lực, nhưng vẫn chưa có những hành lang pháp lý cụ thể. Vì vậy, cần tạo điều kiện để việc hiến, tặng mô tạng được thuận lợi hơn, nhất là tạo được nguồn thận để ghép cho bệnh nhân suy thận mãn giai đoạn cuối.
Tường Lâm