Với tỷ trọng chiếm khoảng 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, xuất khẩu của TPHCM luôn chiếm một vị trí quan trọng. Tuy nhiên, tỷ trọng này đang có xu hướng giảm dần. Do vậy, để thực hiện tốt Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị về phát triển TPHCM, nhiều ý kiến cho rằng, TPHCM cần phải chủ động xây dựng chiến lược theo hướng xuất khẩu hàng công nghệ cao; nâng cao khả năng cạnh tranh xuất khẩu bằng những sản phẩm chất lượng, sạch, an toàn, thân thiện với môi trường… PV Báo SGGP đã trao đổi với Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Nam Hải xung quanh vấn đề này.
- Phóng viên: Thứ trưởng nhìn nhận thế nào về vai trò của TPHCM trong hoạt động xuất khẩu so với cả nước?
Thứ trưởng NGUYỄN NAM HẢI: Chính phủ xác định đẩy mạnh xuất khẩu là một trong những giải pháp quan trọng ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và là nhiệm vụ cơ bản trong những năm tới để phấn đấu cân bằng cán cân thương mại; bảo đảm cho nền kinh tế phát triển ổn định và bền vững, thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Những năm qua, lĩnh vực xuất khẩu đã đạt được kết quả ấn tượng, trở thành một điểm sáng trong bức tranh nền kinh tế. Kim ngạch xuất khẩu liên tục tăng trưởng, hàng năm luôn đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP của cả nước, giải quyết việc làm cho hàng triệu lao động.
Đóng góp vào thành tích đó, TPHCM luôn là trung tâm xuất khẩu quan trọng. Với thuận lợi về vị trí địa lý, nguồn nhân lực có chất lượng cao, trung tâm khoa học – kỹ thuật, thương mại tài chính của cả nước và đặc biệt có hệ thống cảng biển khá phát triển, TPHCM liên tục là địa phương có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất cả nước và đóng góp tỷ trọng cao nhất vào thành tích xuất khẩu chung của cả nước.
- Một số chuyên gia cảnh báo TPHCM cần chủ động xây dựng chiến lược xuất khẩu theo hướng tăng sức cạnh tranh của sản phẩm và xuất khẩu hàng công nghệ cao. Quan điểm của ông về vấn đề này và Bộ Công thương có những giải pháp gì hỗ trợ TPHCM?
Đúng như ý kiến của các chuyên gia, TPHCM cần chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu một cách hợp lý theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tập trung nâng nhanh tỷ trọng các sản phẩm xuất khẩu có giá trị gia tăng cao, sản phẩm chế biến sâu, sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, thân thiện với môi trường trong cơ cấu hàng xuất khẩu để có mô hình tăng trưởng bền vững và tăng sức cạnh tranh của các sản phẩm.
Ngày 28-12-2011, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011 – 2020, định hướng đến năm 2030 và Bộ Công thương đã trình Chính phủ ký Quyết định số 950 25-7-2012 phê duyệt chương trình hành động. Theo đó, các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố sẽ xây dựng kế hoạch hành động thực hiện chiến lược theo chức năng, thẩm quyền, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế của ngành, địa phương. Đây là cơ sở quan trọng để TPHCM chủ động phát huy tiềm năng thế mạnh của mình, xây dựng chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011 – 2020, định hướng đến năm 2030, trong đó có nêu mục tiêu, định hướng phát triển xuất khẩu theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa có hàm lượng công nghệ và chất xám cao; nâng cao khả năng cạnh tranh xuất khẩu bằng cách tạo ra sản phẩm chất lượng, sạch, an toàn, thân thiện với môi trường; đồng thời đề ra các giải pháp thực hiện. Bộ Công thương đã có công văn hướng dẫn UBND các địa phương, trong đó có TPHCM xây dựng kế hoạch hành động của thành phố và phối hợp với Bộ Công thương cùng các bộ, ngành liên quan triển khai thực hiện các nhóm giải pháp này để phát triển sản xuất và đẩy mạnh xuất khẩu.
- Thứ trưởng nhìn nhận như thế nào về vai trò của ngành công nghiệp hỗ trợ để nâng cao giá trị gia tăng của hàng xuất khẩu?
Nếu công nghiệp hỗ trợ không phát triển sẽ không thể nâng cao tỷ lệ giá trị nội địa của hàng xuất khẩu. Ngành công nghiệp hỗ trợ là thành tố cốt lõi của ngành công nghiệp nói chung, cung cấp linh kiện, phụ tùng, nguyên phụ liệu cho các ngành sản xuất và tiêu dùng. Phát triển công nghiệp hỗ trợ là yếu tố quan trọng không chỉ để phát triển công nghệ cao trong các ngành kinh tế - kỹ thuật nói chung, nâng cao hàm lượng giá trị nội địa của hàng hóa xuất khẩu mà còn để thay thế dần các sản phẩm nhập khẩu. Ngoài việc tăng sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp chính, còn góp phần đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài và tạo thêm nhiều cơ hội làm việc cho người lao động.
Do đó, phát triển công nghiệp hỗ trợ là khâu đột phá để phát triển nhanh và bền vững các ngành công nghiệp chủ lực của Việt Nam trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Xác định được tầm quan trọng và vai trò chiến lược của ngành công nghiệp hỗ trợ, Chính phủ đã có nhiều chính sách ưu tiên phát triển nhằm đổi mới, nâng cao công nghệ, chất lượng sản phẩm của Việt Nam.
Cụ thể trong thời gian qua, Bộ Công nghiệp cũ (nay là Bộ Công thương) đã phê duyệt quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020 và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 12 về chính sách phát triển một số ngành công nghiệp hỗ trợ. Nhà nước luôn khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ như khuyến khích phát triển thị trường, hạ tầng cơ sở, về khoa học và công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, về thuế và vấn đề tiếp cận vốn tín dụng đầu tư phát triển.
Hiện tại, phát triển công nghiệp phụ trợ là một trong 4 lĩnh vực vốn ưu tiên của Chính phủ, lãi suất trần tối đa là 13%. Do vậy, TPHCM cần tận dụng tối đa các chính sách ưu đãi của Nhà nước; rà soát và bổ sung các chính sách khuyến khích phát triển, thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp hỗ trợ nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu đối với các ngành như ngành cơ khí chế tạo, điện tử - tin học, sản xuất lắp ráp ô tô, dệt may, da giày…
Đồng thời, các doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM cần chủ động hơn trong việc đầu tư, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để có thể phát triển công nghiệp hỗ trợ do tính chất của ngành đòi hỏi công nghệ cao, chất lượng lao động cao nhưng rủi ro cũng không ít.
- Cảm ơn Thứ trưởng!
Ngọc Quang