Chiều 7-2, Thường trực Thành ủy TPHCM đã có buổi làm việc giải quyết kiến nghị của các quận ủy, huyện ủy về một số nội dung liên quan đến công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em và xây dựng, phát triển, quản lý trường mầm non trên địa bàn TP.
Xây trường theo nhu cầu thực tế
Mở đầu buổi làm việc, bà Thái Thị Bích Liên, Phó Chánh Văn phòng Thành ủy TPHCM, cho biết TP hiện có 417 trường mầm non công lập (MNCL), nuôi dạy 156.212 cháu từ 18 tháng đến 5 tuổi. Tuy nhiên, theo Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Lê Hồng Sơn, một trong những nhiệm vụ đang được TP quan tâm thực hiện là xây trường mầm non trên địa bàn 11 phường, xã chưa có trường MNCL. Báo cáo của Sở Kế hoạch - Đầu tư TPHCM cho thấy, tính đến đầu năm 2014 đã có 118 dự án xây mới trường mầm non được phê duyệt với tổng mức đầu tư lên đến 4.392 tỷ đồng. Đây là một trong những nỗ lực lớn của TP trong việc đảm bảo đủ chỗ học cho trẻ em trên địa bàn TPHCM.
Nhìn nhận lại thực tế xây dựng trường mầm non nhiều năm qua, ông Thái Văn Rê, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư TP, cho biết: “Giai đoạn 2000-2008, TP tập trung nhiều vào việc xây dựng các trường cấp 1, 2, 3. Riêng đối với bậc mầm non, chỉ trong khoảng 3 năm trở lại đây mới được tập trung đẩy mạnh. Vấn đề vốn hiện nay không phải là trở ngại, chỉ cần đẩy nhanh thời gian phê duyệt, các dự án sẽ sớm được triển khai”.
Tuy nhiên, theo Bí thư Quận ủy quận Tân Phú Huỳnh Văn Hạnh, nếu cứng nhắc thực hiện theo quy định mỗi phường có một trường MNCL sẽ không tìm đâu ra quỹ đất sạch đáp ứng yêu cầu. “Giải pháp được chúng tôi đưa ra là xây trường MNCL ở phường này dành cho con em các hộ dân của phường kia. Nếu không thực hiện như thế, vốn và đất sạch chờ nhau nhiều khi mất 2 năm chưa triển khai được” – ông Huỳnh Văn Hạnh bày tỏ.
Đồng quan điểm trên, ông Lê Trọng Hiếu, Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận 7, cho biết quận 7 hiện có 20 trường MNCL trên tổng số 10 phường, bình quân 2 trường MNCL trên 1 phường. Thống kê về mặt số liệu là lý tưởng, nhưng trên thực tế nhiều trường trong số đó có quy mô dưới 5 lớp, không thể đáp ứng nổi nhu cầu trước tốc độ gia tăng dân số quá nhanh. Do đó, các đại biểu kiến nghị không nên áp dụng cứng nhắc quy định 1 trường MNCL trên địa bàn mỗi phường, xã mà nên dựa vào nhu cầu gửi trẻ thực tế ở mỗi địa phương để xác định quy mô trường, lớp.
Năm 2015: phủ kín trường học cho trẻ từ 12 tháng tuổi
Trước câu hỏi về mạng lưới trường học cho trẻ 6-18 tháng tuổi, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Lê Hồng Sơn bày tỏ, nếu thực hiện ngay và đại trà việc giữ trẻ 6-12 tháng tuổi, nguồn lực của TPHCM không cho phép. Ngay tại các trường sư phạm hiện nay cũng chưa có giáo trình đào tạo nuôi dạy trẻ 6-12 tháng tuổi. Do đó, giải pháp được Sở GD-ĐT TP đưa ra là áp dụng thí điểm việc mở lớp giữ trẻ 6-12 tháng tuổi trên địa bàn một số quận, huyện ngoại thành, sau đó mới áp dụng đại trà trên toàn TP. Bên cạnh đó, Sở GD-ĐT cũng đã có buổi làm việc với các trường sư phạm về việc biên soạn giáo trình chăm sóc trẻ ở lứa tuổi đặc thù này. Ước tính từ nay đến năm 2015, TP còn thiếu khoảng 5.000 giáo viên mầm non. Để giải quyết khó khăn đó, Sở GD-ĐT kiến nghị TP miễn, giảm 50% học phí cho sinh viên ở các trường sư phạm ngoài công lập, hỗ trợ thêm tiền lương trong 5 năm đầu cho giáo viên mầm non mới tốt nghiệp, hỗ trợ nhóm giáo viên chăm sóc trẻ 6-12 tháng tuổi để bổ sung lực lượng.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải nhấn mạnh: “Việc chăm sóc, giáo dục trẻ em là nhiệm vụ chung của toàn xã hội. Từ nay đến cuối năm 2015, TP đặt mục tiêu phủ kín điều kiện chăm lo cho trẻ từ 12 tháng tuổi, ưu tiên các chính sách xây dựng đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất”. Để đạt được mục tiêu đó, Thường trực Thành ủy TPHCM giao nhiệm vụ cho Sở GD-ĐT xây dựng đề án chăm lo cho trẻ 6-12 tháng tuổi, chủ động liên kết với các trường sư phạm, trường trung cấp xây dựng kế hoạch đào tạo giáo viên mầm non, bổ sung tối thiểu 2.000 giáo viên mầm non vào năm 2015. Sở cần chủ động phối hợp Hội Liên hiệp Phụ nữ, UBND quận, huyện mở các lớp đào tạo nghiệp vụ mầm non ngắn hạn, tổ chức các chuyên đề về chăm sóc, giáo dục trẻ nhỏ cho các nhóm lớp, người đang tổ chức giữ trẻ. TP cũng chỉ đạo 24 quận, huyện gấp rút triển khai việc thống kê lại nhu cầu đất đai, vốn và nhu cầu gửi trẻ của người dân trên địa bàn. “TP quyết tâm đảm bảo đủ chỗ học cho trẻ mầm non, không phân biệt trẻ trong diện thường trú hay nhập cư KT3” - Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải khẳng định.
THU TÂM