TPHCM: Đầu mối kết nối, tiêu thụ hàng nông sản

Vào cuộc mạnh mẽ
TPHCM: Đầu mối kết nối, tiêu thụ hàng nông sản

Thời gian qua, tại TPHCM đã tổ chức nhiều cuộc họp với các tỉnh, thành có thế mạnh cung ứng hàng nông sản và doanh nghiệp (DN), tìm biện pháp kết nối, đưa hàng hóa vào tiêu thụ tại các hệ thống phân phối của TPHCM. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành công thương TP nhằm hỗ trợ các địa phương tìm đầu ra ổn định cho hàng nông sản, giúp nông dân thoát khỏi tình trạng “được mùa, mất giá”, thực hiện tốt các nội dung trong Chương trình hợp tác thương mại giữa TPHCM với các tỉnh, thành. 

Người tiêu dùng TPHCM mua củ hành tím tại siêu thị Big C hỗ trợ nông dân. Ảnh: Hồ Nguyên

Vào cuộc mạnh mẽ

TPHCM là trung tâm kinh tế lớn của cả nước. Với dân số gần 10 triệu người, TPHCM không chỉ là địa phương có mức tiêu dùng lớn nhất nước, mà còn đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc kết nối, trung chuyển hàng hóa đến với nhiều vùng miền trên toàn quốc. Thực tế cho thấy, trong nhiều thời điểm hàng hóa, đặc biệt là hàng nông sản bị khủng hoảng thừa do cung vượt cầu, TPHCM “ra tay” kịp thời cứu nguy cho nhà nông sản.

Biểu hiện rõ nhất, từ đầu tháng 3-2015 kéo dài đến nay, các sở, ngành chức năng của TP đã liên tiếp tổ chức những buổi làm việc, kết nối với các lãnh đạo tỉnh, thành và DN của các địa phương với các chợ đầu mối, hệ thống siêu thị và chợ loại 1 để tiêu thụ dưa hấu ở miền Trung, hành tây Đà Lạt, củ hành tím Sóc Trăng. Gần đây nhất là cuộc họp giữa các sở, ngành, DN TP với lãnh đạo tỉnh Hải Dương để bàn biện pháp tiêu thụ vải thiều tại TPHCM.

Trên thực tế, hiệu quả mang lại không chỉ từ các cuộc họp, các đợt kết nối “mini” của các sở, ngành mà còn có sự chung tay, góp sức đầy năng động, với tinh thần trách nhiệm cao của các hệ thống phân phối tại TP như Co.opMart, Big C, Lotte Mart… Cụ thể, thời gian qua, hệ thống siêu thị Big C đã triển khai chương trình bán hành giá vốn, không lãi tại 30 siêu thị trên toàn quốc nhằm hỗ trợ nông dân, trong đó có 20 tấn củ hành tím Sóc Trăng, với giá bán 12.000 đồng/kg ở miền Nam; 13.000 đồng/kg ở miền Bắc và miền Trung. Song song đó, Big C đã chủ động kết nối với nông dân trồng hành tây Đà Lạt đang gặp khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm thu hoạch, được mùa nhưng rớt giá do một số yếu tố khách quan ngoài mong muốn. Hiện đã có khoảng 100 tấn hành tây Đà Lạt được bán ra với giá thống nhất trên toàn quốc là 2.900 đồng/kg. Để đạt được các con số nêu trên, Big C còn tăng cường tuyên truyền quảng bá trực quan tại siêu thị nhằm thông tin rộng rãi và khuyến khích người tiêu dùng trên toàn quốc chung tay hỗ trợ các hộ nông dân, đồng thời lên kế hoạch hỗ trợ các hộ nông dân  Sóc Trăng và Đà Lạt sau chương trình này.

Trong mùa thu hoạch dưa hấu vừa qua, hệ thống Co.opMart cũng tổ chức đội ngũ thu mua tại vườn, với mức giá mua bình quân cao hơn so với giá thu mua của thương lái, đảm bảo nhà nông có lãi. Ngay sau đó, Co.opMart cũng là đơn vị vào cuộc khá sớm trong việc thu mua củ hành tím cho bà con ở Vĩnh Châu, Sóc Trăng. Theo tính toán, sau một thời gian thực hiện, Co.opMart đã tiêu thụ hàng trăm tấn nông sản cho các tỉnh.

Và bàn chuyện đường dài

Bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, nhìn nhận, việc phối hợp, tổ chức các cuộc gặp giữa TPHCM với các tỉnh, thành có thế mạnh sản xuất hàng nông sản trong thời gian qua là điều cần thiết, nhất là khi thị trường có dấu hiệu cung vượt cầu. Nhưng về lâu dài, cần có giải pháp tiêu thụ nông sản bài bản hơn để loại bỏ dần cảnh được mùa mất giá. Nói cách khác, việc xử lý đầu ra cho nông sản hãy còn lúng túng, thụ động.

Nhìn lại đợt “giải cứu” củ hành tím vừa qua, bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Công ty Quản lý và kinh doanh chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, cho biết chợ Thủ Đức thu mua 50 - 70 tấn củ hành tím/đêm, giá bình quân 13.000 - 15.000 đồng/kg. Chợ đầu mối muốn tăng khả năng tiêu thụ nhưng lại phụ thuộc vào sức mua của thị trường. Để tiêu thụ nhiều củ hành tím điều cần thiết nhất hiện nay là giá cả đầu vào phải ổn định và sản lượng đảm bảo thì mới bán hàng được. Tương tự, tại cuộc họp bàn biện pháp xúc tiến, đẩy mạnh tiêu thụ trái vải thiều trong thời gian tới trên địa bàn TPHCM, các hệ thống siêu thị khẳng định sẽ luôn ưu tiên chọn những mặt hàng nông sản Việt Nam theo từng mùa vụ để tổ chức nhiều chương trình truyền thông, bố trí quầy kệ tại nơi dễ nhìn, dễ thấy nhằm tạo điều kiện tốt nhất để đẩy mạnh lượng hàng tiêu thụ, đảm bảo thu nhập tốt nhất cho các nhà vườn.

Tuy nhiên, để tăng sức cạnh tranh cho trái vải thiều, các hệ thống phân phối lưu ý, tỉnh Hải Dương cần bố trí những DN có năng lực thu mua và cung ứng hàng hóa với số lượng lớn nhằm tránh mua qua trung gian như những mùa vải trước. Đồng thời, tổ chức các phương tiện vận chuyển hữu dụng để đảm bảo trái vải đưa vào TP vẫn tươi ngon, chất lượng cao. Xây dựng thương hiệu vải thiều cho các vùng chuyên canh, thông qua việc đóng gói và có địa chỉ rõ ràng, cụ thể cũng là điều cần làm để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm trong mùa vụ năm nay.

Qua một số ý kiến cho thấy, để tạo sự bền vững trong tiêu thụ hàng nông sản, điều quan trọng là các bên cần có sự cam kết về chất lượng, số lượng, giá cả hàng hóa. Tránh tình trạng “bẻ kèo” khi giá thị trường có dấu hiệu tăng, bỏ mặc đối tác. Về phía TPHCM, từ nay đến cuối năm, Sở Công thương sẽ tiếp tục tổ chức nhiều đợt kết nối hàng hóa giữa nhà sản xuất và nhà phân phối, thông qua các hợp đồng ghi nhớ giữa các đối tác. Mặt khác, TP sẽ tổ chức các đoàn DN đi thực tế, khảo sát nguồn hàng và khả năng cung cầu tại mỗi vùng nguyên liệu.

Để hợp tác thành công, bà Lê Ngọc Đào lưu ý, DN TPHCM không thể đi mua gom hàng hóa của người dân trên mỗi cánh đồng. Do vậy, tại mỗi địa phương cần có các DN đầu mối đứng ra mua hàng để có thể đáp ứng được các đơn hàng có số lượng lớn và giá cả ổn định. Điều quan trọng, cơ quan nhà nước vẫn phải đóng vai trò là “bà đỡ” để kết nối giữa DN với DN, giữa DN với nhà sản xuất.

THÁI NGUYỆT

Tin cùng chuyên mục