(SGGP). – Ngày 20-12, sau khi tham quan, tìm hiểu nhà đầu tư xây dựng và sản xuất tại Khu nông nghiệp công nghệ cao TPHCM tại huyện Củ Chi (AHTP), Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và các bộ liên quan có buổi làm việc với lãnh đạo ban quản lý về việc đào tạo nguồn nhân lực, liên kết nghiên cứu, ứng dụng và nhân rộng ra ngoài.
Theo ông Trần Phước Dũng, Trưởng ban quản lý AHTP, nhà đầu tư vào đây không chỉ ứng dụng công nghệ cao để sản xuất giống cây các loại mà còn chuyển giao công nghệ, quy trình cho người dân địa phương để tạo ra vùng sản xuất có lượng hàng hóa lớn hơn. AHTP thành lập Trung tâm Nghiên cứu và phát triển công nghệ cao và Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao để liên kết, hợp tác với các viện, trường trong và ngoài nước nhằm huấn luyện, đào tạo và chuyển giao. Đây là nhiệm vụ và mục tiêu để AHTP phát huy tác dụng trong việc chuyển đổi nền nông nghiệp truyền thống sang nền nông nghiệp công nghệ cao.
Sau hơn 2 năm, AHTP đã chuyển giao 15 mô hình cho hơn 20 cá nhân, tổ chức ở TPHCM và vùng lân cận. Tổ chức 9 khóa đào tạo, tập huấn về kỹ năng trồng và chăm sóc các loại cây trồng ứng dụng công nghệ cao với 582 học viên tham gia. AHTP ký hợp đồng ươm tạo 7 doanh nghiệp và hỗ trợ 9 doanh nghiệp tham gia giai đoạn tiền ươm tạo. Các nhà đầu tư hoàn thiện 16 quy trình và chuyển giao 13 mô hình trồng các loại nấm, dinh dưỡng cây trồng. Đến nay, AHTP đã cung cấp ra thị trường 54 tấn hạt giống F1 các loại chất lượng cao như bầu, bí, ớt, dưa leo, mướp, bí đao… 13/14 nhà đầu tư đã được TP cấp giấy chứng nhận và đã xây dựng gần như khép kín 56ha quy hoạch. Tổng vốn đầu tư vào AHTP trên 600 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước là 152 tỷ đồng. Từ nay đến 2015 TPHCM sẽ đầu tư thêm khu nông nghiệp công nghệ cao tại Củ Chi, Bình Chánh và Cần Giờ để mở rộng sang lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản là hạt nhân làm động lực chuyển đổi, nâng diện tích mở rộng lên 378 ha.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, TPHCM là địa phương đi đầu về xây dựng khu nông nghiệp công nghệ cao khi từ năm 2000, TP đã có ý tưởng này và phải gần 10 năm sau mới chính thức đi vào hoạt động. Những kinh nghiệm của TP về cách triển khai, vốn đầu tư ban đầu, thiết kế khu… sẽ là bài học cho các tỉnh khi xây dựng khu nông nghiệp công nghệ cao như Hậu Giang, đặc biệt là về việc chuẩn bị nguồn nhân lực. Khu nông nghiệp công nghệ cao TPHCM cần mở rộng làm đầu tàu cho cả khu vực Đông Nam bộ và Tây Nam bộ. Những việc làm được trong thời gian qua là đúng hướng, cần phát huy, riêng việc liên kết hợp tác với viện, trường, doanh nghiệp cần có những nhà đối tác chiến lược để có sự gắn kết sâu hơn.
Đ.C.P.