TPHCM đứng đầu về kiểm soát giết mổ gia súc sạch

Bà Nguyễn Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), cho biết, những địa phương đang tổ chức tốt hoạt động giết mổ động vật tập trung và quy mô công nghiệp, dễ dàng kiểm soát an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc khi cần là TPHCM, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Long An, Thừa Thiên Huế, Bà Rịa - Vũng Tàu…

Ngày 3-6 tại Hà Nội, Bộ NN-PTNT tổ chức hội nghị kiểm soát giết mổ động vật, triển khai Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 14-1-2023 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo báo cáo của Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), đến tháng 5-2023, cả nước đã có tổng cộng 463 cơ sở giết mổ động vật tập trung, nhưng vẫn còn tới 24.654 cơ sở nhỏ lẻ. Tất cả các cơ sở tập trung đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm, có nhân viên thú y kiểm soát hoạt động giết mổ theo quy định.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đề nghị, tiến tới chấm dứt các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, thủ công, các địa phương phải vào cuộc tích cực, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.

Để thực hiện hiệu quả công tác kiểm soát giết mổ tại các nhà máy giết mổ động vật tập trung với dây chuyền công nghiệp, giảm thời gian, nhân sự kiểm soát giết mổ, đại diện Sở NN-PTNT TPHCM đã đề xuất Cục Thú y điều chỉnh quy trình kiểm tra sau giết mổ đối với heo tại các cơ sở giết mổ động vật tập trung với dây chuyền công nghiệp, nên giao cơ quan thú y chủ động theo dõi nguồn heo đưa vào cơ sở giết mổ, ưu tiên kiểm tra thân thịt, còn việc kiểm tra đầu, phủ tạng chỉ thực hiện khi có dấu hiệu nghi ngờ bệnh lý liên quan.

Hệ thống giết mổ thịt mát quy mô công nghiệp của Công ty cổ phần Masan MeatLife tại tỉnh Hà Nam

Hệ thống giết mổ thịt mát quy mô công nghiệp của Công ty cổ phần Masan MeatLife tại tỉnh Hà Nam

Tin cùng chuyên mục