Qua 6 năm triển khai đề án “Tăng cường trang thiết bị phục vụ cơ giới hóa ngành chăn nuôi bò sữa (2011-2016) nhằm nâng cao chất lượng đàn bò sữa TPHCM, có 951 hộ nông dân đăng ký tham gia và được hỗ trợ 50% kinh phí đầu tư.
Đó là những hộ nuôi bò sữa ở 4 huyện trọng điểm về bò sữa là Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh và quận 12. Bao gồm: 660 máy vắt sữa đơn, 84 thiết bị rửa máy vắt sữa, 1.573 bình nhôm chứa sữa loại 20 lít/bình, 79 máy băm thái cỏ có trục cuốn, 106 hệ thống phun mưa làm mát chuồng trại cho diện tích 150m2 và thiết bị theo dõi nhiệt độ, ẩm độ chuồng nuôi…
Nuôi bò sữa ở huyện Củ Chi
Với chủ trương này, TPHCM hỗ trợ 50% chi phí về trang bị máy vắt sữa, thiết bị rửa máy vắt sữa, bình nhôm chứa sữa, máy băm thái cỏ, máy cắt cỏ cầm tay, máy trộn thức ăn TMR, hệ thống làm mát chuồng trại, hệ thống tưới phun mưa tự động đồng cỏ thâm canh, máy phun thuốc sát trùng chuồng trại, cho những hộ chăn nuôi bò sữa có quy mô đàn từ 15 con trở lên.
Đây là cách giúp người chăn nuôi bò sữa thành phố mạnh dạn đưa cơ giới hóa vào các khâu trong chăn nuôi để tiết kiệm chi phí sản xuất, công lao động, nâng cao năng suất, hiệu quả, đáp ứng theo nền chăn nuôi đô thị vốn khan hiếm lao động trong sản xuất nông nghiệp. Nhờ đó, người chăn nuôi bò sữa thành phố ngày càng đi vào chuyên nghiệp hóa, giúp khai thác hiệu quả tiềm năng giống bò cao sản, nâng cao năng suất, cải thiện chất lượng sữa, giảm chi phí nhân công và nâng cao hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi bò sữa.
Thực tế cho thấy, những hộ trang bị máy vắt sữa đã tiết kiệm được 1 công lao động, giảm nhẹ sức lao động cho công nhân, bình quân tiết kiệm 4 triệu đồng/công/tháng; rút ngắn thời gian vắt sữa từ 10 - 12 phút/con/lần vắt nếu làm bằng tay xuống còn 5 - 7 phút/con/lần vắt, do vậy tiết kiệm được nhiều thời gian. Ngoài ra còn nâng cao sản lượng sữa bình quân 0,5kg sữa/con/ngày (tăng 3% so với không sử dụng máy vắt sữa), do máy hoạt động phù hợp với sinh lý và thời gian tiết sữa của bò.
Điều quan trọng hơn, hạn chế khả năng lây nhiễm vi sinh từ tay người vắt hoặc môi trường xâm nhập vào thùng chứa sữa; hạn chế được vấn đề nhiễm vi sinh trong sữa vì thời gian vắt sữa rút ngắn, đảm bảo thời gian giao sữa đúng quy định của nhà thu mua sữa, giảm tạp trùng trong sữa, tăng chất lượng sữa, giá bán sữa cao hơn so với vắt sữa bằng tay. Bên cạnh đó, còn giúp cho nông hộ chủ động trong việc quản lý quy trình khai thác sữa, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đặc biệt, nhiệt độ tại TPHCM thường ở mức cao hơn 27oC là một trong những tác nhân bất lợi, gây stress nhiệt trên đàn bò sữa cao sản, khiến năng suất sữa TPHCM chưa cao.
Chính vì thế, việc hỗ trợ nông hộ trang bị hệ thống làm mát chuồng trại giúp cải thiện tiểu khí hậu chuồng nuôi, giảm nhiệt độ bên trong chuồng từ 30C - 50C so với ngoài trời, giảm stress nhiệt cho đàn bò sữa, giúp bò ăn ngon miệng, giảm khí thải, hạn chế được bệnh viêm vú, nhất là viêm vú tiềm ẩn và bệnh chân móng trên bò do quạt làm khô chuồng giúp giảm chi phí thuốc thú y, tăng sản lượng và chất lượng sữa. Ngoài ra, khi mở quạt vào chiều tối còn có tác dụng xua đuổi ruồi muỗi là vật trung gian truyền bệnh.
Việc áp dụng cơ giới hóa cho thấy hiệu quả nhất định, do đó các nông hộ chăn nuôi bò sữa thành phố nên mạnh dạn đăng ký tham gia đề án giai đoạn từ năm 2017 - 2020 để được nhà nước hỗ trợ. Mọi thắc mắc nông dân chăn nuôi bò sữa có thể liên hệ Trung tâm Khuyến nông TPHCM, số 43 Đinh Tiên Hoàng, phường Đa Kao, quận 1. Điện thoại: 08.38221131.
Th.S LIỄU KIỀU