TPHCM: Kết nối sản xuất và tiêu thụ hàng nông sản

Tiếp nối thành công Hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TPHCM và các tỉnh, thành miền Đông và miền Tây Nam bộ vừa qua, ngày 29-11 tới đây, tại Hội trường Thành ủy TPHCM sẽ diễn ra Hội nghị kết nối sản xuất và tiêu thụ hàng nông sản trên địa bàn TPHCM năm 2013 do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Sở Công thương TPHCM tổ chức. Dự kiến sẽ có 350 đại biểu là lãnh đạo TP và DN thuộc nhiều thành phần tham gia hội nghị.
TPHCM: Kết nối sản xuất và tiêu thụ hàng nông sản

Tiếp nối thành công Hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TPHCM và các tỉnh, thành miền Đông và miền Tây Nam bộ vừa qua, ngày 29-11 tới đây, tại Hội trường Thành ủy TPHCM sẽ diễn ra Hội nghị kết nối sản xuất và tiêu thụ hàng nông sản trên địa bàn TPHCM năm 2013 do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Sở Công thương TPHCM tổ chức. Dự kiến sẽ có 350 đại biểu là lãnh đạo TP và DN thuộc nhiều thành phần tham gia hội nghị.

Khuyến khích sản xuất

Theo bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, mục đích của hội nghị nhằm quảng bá, ký kết và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp sản xuất đạt chuẩn VietGAP tại các kênh phân phối trên địa bàn TP. Hội nghị tạo điều kiện hỗ trợ các HTX, đơn vị sản xuất có dịp tiếp xúc, trao đổi với các hệ thống phân phối như các siêu thị, chợ đầu mối, bếp ăn công nghiệp… về yêu cầu, cách thức đưa hàng hóa vào các kênh phân phối này, từ đó đẩy mạnh liên kết đầu tư trong sản xuất, cung ứng và tiêu thụ hàng nông sản, tạo đầu ra ổn định thông qua ký kết các hợp đồng tiêu thụ sản phẩm giữa các bên.

Theo lý giải của bà Lê Ngọc Đào, sở dĩ TPHCM chú trọng việc phát triển sản xuất và phân phối các sản phẩm đạt chuẩn VietGAP vì đây là xu hướng tất yếu trong tiêu dùng. Khi cuộc sống của người dân tăng lên thì nhu cầu sử dụng các sản phẩm sạch, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng ngày càng được chú trọng. Tuy nhiên, do giá thành sản xuất rau VietGAP còn cao hơn so với sản xuất bình thường từ 5% đến 10%, đặc biệt là sản phẩm chưa được tiêu thụ rộng rãi trên các kênh phân phối truyền thống như chợ bán lẻ, chợ đầu mối, mới chỉ giới hạn trong các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, nên các nhà sản xuất còn gặp nhiều khó khăn.

TPHCM: Kết nối sản xuất và tiêu thụ hàng nông sản ảnh 1

Từ nhiều năm qua, các DN của TPHCM đã đẩy mạnh việc hợp tác đầu tư để phát triển nguồn hàng cung ứng cho thị trường TP. (Ảnh chọn mua thực phẩm tươi sống tại siêu thị Big C).

Để hỗ trợ các DN, HTX, ngoài việc tổ chức hội nghị kết nối, sắp tới TPHCM sẽ triển khai đồng bộ nhiều biện pháp như xây dựng thí điểm mô hình chợ an toàn, trong đó ngành hàng rau củ quả sẽ được ưu tiên để thực hiện; tổ chức các cửa hàng chuyên bán và giới thiệu các sản phẩm VietGAP, đồng thời tăng cường ký kết các hợp đồng nguyên tắc giữa các nhà phân phối và sản xuất. Tại các siêu thị, sẽ bố trí các quầy kệ, có khu vực riêng để bày bán rau củ quả VietGAP. Điều quan trọng là TPHCM sẽ tăng cường việc quảng bá, thông tin cho hàng VietGAP… Với cách làm này, hy vọng trong thời gian không xa, TPHCM sẽ phát triển được chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng, phục vụ tốt nhất nhu cầu tiêu dùng của người dân TP.

Tạo đầu ra ổn định

Trở lại với Hội nghị kết nối sản xuất và tiêu dùng hàng nông sản, theo kế hoạch bên cạnh số lượng đại biểu khách mời, sẽ có 88 đại biểu đến từ các DN sản xuất, HTX nông nghiệp, làng nghề của TP; đại diện các hệ thống thu mua gồm các siêu thị, TTTM, cửa hàng tiện lợi, chợ đầu mối, chợ cấp I, nhà hàng khách sạn, bếp ăn công nghiệp là 140 đại biểu; tổ trưởng các Tổ hợp tác, xã viên tiêu biểu của các HTX, tiểu thương chợ đầu mối, trưởng ngành hàng chợ truyền thống cấp I là 55 người.

Dựa trên các đợt đi khảo sát thực tế tại các vùng sản xuất, tiếp xúc trực tiếp với các đơn vị cung ứng, các bên thực hiện kết nối tiêu thụ, thông qua hợp đồng ký kết tại hội nghị chính thức. Nội dung hợp đồng sẽ có chủng loại sản phẩm, sản lượng, thời gian cung cấp và thời hạn thanh toán... Dự kiến sẽ có 7 đợt ký kết tại hội nghị.

Một hoạt động không thể thiếu trong hội nghị chính là triển lãm sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của TPHCM, với quy mô 20 gian hàng của 20 đơn vị tham gia triển lãm. Hiện vật trưng bày tại triển lãm được bố trí thành các khu vực như nấm (bao gồm: thành phẩm nấm linh chi, bào ngư, nấm rơm, nấm mèo, phượng hoàng, hoàng kim, nấm mỡ…; mô hình trình diễn nghề trồng nấm bào ngư, mô hình trồng nấm linh chi (từ khâu sản xuất phôi, cấy meo đến thành phẩm) theo quy trình VietGAP; khu vực sản phẩm rau, củ quả đạt tiêu chuẩn VietGAP (như dưa leo, khổ hoa, bầu, bí đao, khổ qua (giống mới), dưa leo bi, cà tím rau trồng trong chậu theo hướng rau hữu cơ…); khu vực sản phẩm thịt gà, trứng gia cầm … được sản xuất theo quy trình VietGAP; khu vực triển lãm các sản phẩm nông nghiệp khác (như hoa lan các loại, cá dứa, tôm thẻ chân trắng của Cần Giờ và sản phẩm bánh tráng xuất khẩu).

Cùng với việc ký kết các hợp đồng, trưng bày và giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp, hội nghị sẽ giúp các bên đưa ra cách nhìn tổng thể về hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như cung cầu các mặt hàng nông sản theo chuẩn VietGAP. Điều quan trọng, qua hội nghị, các DN, HTX sẽ đưa ra những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, từ đó lãnh đạo TP sẽ đưa ra những chính sách sát thực hơn, tạo điều kiện cho sản xuất, kinh doanh phát triển theo đúng định hướng.

Hiện tại, nhu cầu tiêu thụ rau tại các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi khoảng 217,53 tấn/ngày gồm: 118,9 tấn/ngày rau thường và 98,63 tấn/ngày rau VietGAP. Các đơn vị cung ứng của TP chiếm 38% tổng sản lượng cung ứng (trong đó, 46% đối với tổng sản lượng cung ứng rau thường và 29% đối với tổng sản lượng cung ứng rau VietGAP) phần còn lại do các đơn vị từ các tỉnh miền Tây và miền Đông Nam bộ nhập về.

HẢI HÀ - HÀN DŨNG

Tin cùng chuyên mục