TPHCM không tăng giá bán hàng bình ổn trong 2 tháng tết

UBND TPHCM vừa có văn bản chấp thuận đề xuất của Sở Công thương về kế hoạch cung ứng các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu Tết Bính Thân trên địa bàn TPHCM.
TPHCM không tăng giá bán hàng bình ổn trong 2 tháng tết

(SGGP).- UBND TPHCM vừa có văn bản chấp thuận đề xuất của Sở Công thương về kế hoạch cung ứng các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu Tết Bính Thân trên địa bàn TPHCM.

Theo kế hoạch, lượng hàng hóa thiết yếu chuẩn bị tăng từ 15% - 20% so với mùa tết năm ngoái. Tổng giá trị hàng hóa các DN chuẩn bị sản xuất, dự trữ cung ứng cho 2 tháng trước và sau Tết Bính Thân là 16.208,8 tỷ đồng, tăng 462 tỷ đồng (2,9%) so với nguồn vốn chuẩn bị của Tết Ất Mùi 2015. Trong đó, nguồn hàng bình ổn thị trường (BOTT) đạt gần 7.000 tỷ đồng, tập trung vào các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu. Riêng tháng cao điểm phục vụ Tết Bính Thân, tổng giá trị hàng hóa của các DN chuẩn bị hơn 9.000 tỷ đồng, trong đó hàng BOTT đạt gần 4.000 tỷ đồng.

Lượng hoa tươi cung ứng cho thị trường tết trên địa bàn TP dự kiến tăng khoảng 5% - 10%, tập trung chủ yếu vào các loại cao cấp, trong đó 4 chợ chuyên doanh hoa lớn là chợ Hồ Thị Kỷ, Đầm Sen và 2 chợ đầu mối Bình Điền, Thủ Đức chiếm khoảng 80% thị phần. Hoa tết năm nay có nhiều chủng loại phong phú, giá bán dự báo tương đương giá Tết Ất Mùi 2015. Đối với các mặt hàng bia, nước giải khát, dự báo nhu cầu tiêu thụ khoảng 40 triệu lít bia và 45 triệu lít nước giải khát/tháng tết, tăng từ 30% - 50% so với tháng thường. Các mặt hàng bánh, mứt, kẹo dự báo tiêu thụ khoảng 18.000 tấn, sản lượng cung ứng tăng từ 10%- 20%.

Dây chuyền cân và đóng gói mặt hàng lạp xưởng tại Công ty Vissan cung ứng thị trường tết Ảnh: CAO THĂNG

Sở Công thương đã phối hợp Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM làm việc với các ngân hàng thương mại và DN, tạo điều kiện cho các DN chuẩn bị nguồn hàng hóa cung ứng tết với gói tín dụng khoảng 45.000 tỷ đồng, trong đó Ngân hàng TMCP Sacombank triển khai gói hỗ trợ 1.500 tỷ đồng cho các tiểu thương chợ truyền thống vay.

Nhằm ổn định thị trường, giá cả hàng hóa phục vụ Tết Bính Thân, các DN trong Chương trình BOTT cam kết không điều chỉnh giá bán các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu (như thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, rau củ quả, thực phẩm chế biến, gạo, đường...) trong 2 tháng tết. Bên cạnh việc giữ giá ổn định, các DN sẽ phối hợp với hệ thống phân phối xây dựng kế hoạch khuyến mãi, giảm giá sâu đồng loạt các mặt hàng bình ổn các ngày cận tết. Cụ thể, giá trứng gia cầm sẽ giảm từ 1.000-2.000 đồng/chục 2 ngày trước tết; giá thịt gia súc giảm 5%-10% 1 tháng trước tết; giá thịt gia cầm giảm 10% vào 3 ngày cận tết; đường, dầu ăn, thực phẩm chế biến giảm 5%-7% vào 2 tuần trước tết; rau củ quả, thủy hải sản giảm 15%-20%. Trong tháng cận tết, các DN khác trên địa bàn TPHCM cũng đã đăng ký thực hiện hơn 1.500 đợt khuyến mãi, tập trung các mặt hàng như nước giải khát, bánh, kẹo, mứt, quần áo... Tổng giá trị khuyến mãi khoảng 800 tỷ đồng.

Theo các DN, năm nay công tác chuẩn bị hàng tết diễn ra khá thuận lợi do thời tiết ổn định, dịch bệnh trên cây trồng và vật nuôi đang được kiểm soát khá tốt nên nguồn hàng cung ứng cho thị trường rất dồi dào, phong phú, sẽ không xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa và tăng giá bất thường. Hiện các sở ngành đang triển khai nhiều biện pháp, tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, tập trung phát triển điểm bán để đảm bảo việc cung ứng hàng hóa tết được thông suốt và ổn định.

Về việc triển khai thực hiện kế hoạch tết đạt hiệu quả cao nhất, Sở Công thương phối hợp các sở - ngành trong tổ thực hiện Chương trình BOTT, xác định vai trò, trách nhiệm, phân công cụ thể từng cấp, từng đơn vị thành viên nhằm triển khai đồng bộ, thực hiện quyết liệt chỉ đạo của Bộ Công thương, UBND TPHCM về thực hiện kế hoạch tết là nhiệm vụ trọng tâm của các đơn vị từ nay đến Tết Bính Thân. Cụ thể, Sở Công thương chủ trì phối hợp các sở - ngành trong Tổ thực hiện CTBOTT, nắm chắc tình hình diễn biến thị trường, rà soát cân đối cung cầu, hỗ trợ và thực hiện các biện pháp ổn định thị trường theo quy định pháp luật. Phối hợp và tạo điều kiện cho DN đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại thị trường nội địa, tổ chức các chương trình bán hàng tết, dự trữ hàng BOTT kết hợp hưởng ứng Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND quận - huyện và đơn vị liên quan, theo dõi tình hình giá cả thị trường, chú trọng công tác quản lý giá đối với các mặt hàng BOTT, kịp thời điều chỉnh giá phù hợp tình hình thị trường, đảm bảo tính định hướng, dẫn dắt giá cả hàng hóa trên thị trường. Tổ chức kiểm tra, xử lý các trường hợp biến động giá, tiếp tục phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường TPHCM trong công tác quản lý giá. Phối hợp với UBND quận - huyện và sở - ngành, đơn vị có liên quan, kiểm tra và xử lý kiên quyết vi phạm về niêm yết giá, bán đúng giá niêm yết tại các điểm bán lẻ, chợ, siêu thị, chợ đầu mối, nơi mua bán tập trung, các điểm bán hàng BOTT, nghiêm khắc xử phạt vi phạm về giá.

Sở NN-PTNT phối hợp Sở Công thương, giới thiệu, hỗ trợ các HTX, hộ sản xuất nông nghiệp tiếp cận, đưa hàng hóa vào kênh phân phối chợ truyền thống, đưa hàng Việt về nông thôn, chuẩn bị nguồn hàng và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu cung ứng cho vùng sâu, vùng xa, nơi bị thiên tai bão lụt.

Sở Giao thông - Vận tải có trách nhiệm giải quyết, cấp giấy phép lưu thông 24/24 cho xe tải DN tham gia Chương trình BOTT để cung ứng hàng hóa kịp thời đến các điểm bán. Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp các sở, ngành thực hiện cung cấp thông tin về chủ trương chính sách của Nhà nước, tình hình diễn biến thị trường, giá cả hàng hóa, kế hoạch cung ứng hàng tết, địa chỉ điểm bán BOTT... tạo sự đồng thuận và hưởng ứng của nhân dân cùng chính quyền TP, xử lý kịp thời các thông tin sai lệch gây tâm lý bất ổn cho người tiêu dùng.

THÚY HẢI

Tin cùng chuyên mục