TPHCM liên kết 30 tỉnh, thành đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ hàng nông sản

Công bố đợt 2 danh sách 38 điểm bán hàng VietGAP
TPHCM liên kết 30 tỉnh, thành đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ hàng nông sản

* Công bố đợt 2 danh sách 38 điểm bán hàng VietGAP

Ngày 23-12, tại TPHCM đã diễn ra Hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa giữa TPHCM và các tỉnh, thành năm 2015. Chương trình do Sở Công thương TPHCM tổ chức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Văn Khoa và Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải đồng chủ trì hội nghị. Sau gần 3 giờ làm việc, đã có 273 thỏa thuận hợp tác, bao tiêu sản phẩm giữa nhà sản xuất và nhà phân phối được ký kết.

Phong phú đặc sản vùng miền

Khuôn viên nhà hàng Đông Hồ 2 trong buổi sáng 23-12 chật kín, với sự tham gia của 1.200 người. Ngoài lãnh đạo của 30 sở công thương và gần 200 DN sản xuất các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam bộ, còn có 40 hệ thống phân phối, hàng trăm nhà hàng, khách sạn, các thương nhân chợ đầu mối và chợ truyền thống, cùng các DN chủ lực của TPHCM thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau.

Đại biểu tìm hiểu các sản phẩm trưng bày  Ảnh: CAO THĂNG

So với những hội nghị kết nối của những năm trước, năm 2015 Sở Công thương đã tổ chức khác hơn. Đó là song song với phần hội nghị đánh giá kết quả sau 4 năm triển khai chương trình kết nối, một hội chợ có quy mô hơn 200 gian hàng giới thiệu sản phẩm, đồng thời là nơi để nhà sản xuất và phân phối gặp gỡ, tìm hiểu sản phẩm và bàn bạc để đi đến ký kết thoả thuận hợp tác và bao tiêu sản phẩm, được thực hiện rất bài bản. Các DN phân phối của TPHCM như Co.opmart, Satra… giới thiệu các mặt hàng đạt chuẩn VietGAP tiêu biểu, cung cấp các thông tin về quy trình sản xuất và đóng gói để các nhà cung cấp từ các tỉnh, thành có thể hình dung công đoạn sản xuất các sản phẩm này, từ đó tạo thêm nguồn cung về thực phẩm sạch cho thị trường TP. Bên cạnh đó, các DN hàng đầu về thực phẩm của TP như Vissan, Phạm Tôn, San Hà, Ba Huân, Saigon Food, NutiFood, Vĩnh Thành Đạt… cũng trưng bày các mặt hàng chủ lực để tìm kiếm đối tác tiêu thụ.

Các DN và HTX các tỉnh mang đến chương trình rất nhiều sản phẩm mới lạ, độc đáo và là đặc sản của từng tỉnh, thành như nho, táo và các loại rong biển của Bình Thuận, bưởi da xanh, quýt hồng Lai Vung, khóm Cầu Đúc, xoài Cao Lãnh, nhãn Indo, dưa hấu vàng Cần Thơ, ổi Đồng Nai, cua gạch và cua thịt Cà Mau, các loại đặc sản khô như cá lóc, tôm khô, cá sặt, cá diêu hồng… Đặc biệt, sản phẩm làm đẹp tự nhiên từ tinh dầu dừa, các sản phẩm đặc sản như kẹo dừa Bến Tre, kẹo chuối và Công ty Sản xuất kinh doanh tổng hợp Đông Á (Bến Tre) đã thu hút sự quan tâm của phụ nữ do có nhiều vitamin E, callogen, khoáng chất và hoàn toàn không sử dụng hóa chất. “Người mua, kẻ bán” tại khu vực hội chợ rất tấp nập.

Trong thời gian chưa đầy 3 giờ thực hiện kết nối, ban tổ chức nhận được 273 bản thỏa thuận hợp tác bao tiêu giữa nhà sản xuất và phân phối được ký kết. Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Phó tổng giám đốc Saigon Co.op cho biết, trước mắt đối với các loại trái cây đặc sản, Saigon Co.op sẽ bao tiêu nguyên vườn trái cây cho nông dân. Để đưa hàng vào siêu thị, Saigon Co.op luôn đặt yêu cầu phải đảm bảo quy trình sản xuất đạt chất lượng, cải tiến bao bì mẫu mã, kết hợp với việc ứng dụng khoa học kỹ thuật cao vào sản xuất và công nghệ sau thu hoạch. Theo đó, Saigon Co.op cũng đồng hành với nhiều HTX, DN từ việc ứng vốn cho các HTX như Anh Đào, Công ty Chăn nuôi Bình Minh, hỗ trợ thanh toán nhanh, tạm ứng tiền vào trước đợt cao điểm tết cho các HTX của TPHCM như Ngã Ba Giồng, Phú Lộc, Phước An, Nhuận Đức, đến việc đầu tư dây chuyền sơ chế rau cho một số tổ hợp tác để họ yên tâm sản xuất. Tính đến nay, đã có hơn 100 nhà cung cấp từ 24 tỉnh, thành cả nước đã và đang tham gia cung ứng hàng hóa cho Saigon Co.op.

Sẽ nhân rộng mô hình  kết nối của TPHCM

Bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công thương, người chủ công thực hiện chương trình cho biết, mục đích của việc kết nối hàng hóa nhằm tạo điều kiện thuận lợi để nhà sản xuất tiếp cận trực tiếp hệ thống phân phối, từ đó tìm đầu ra cho sản phẩm, giúp DN ổn định phát triển sản xuất. Thông qua chương trình, các hệ thống phân phối của TP cũng sẽ cung cấp đầy đủ thông tin cần thiết cho các DN, HTX khi đưa hàng hóa vào siêu thị, cần phải đáp ứng những tiêu chuẩn gì… Qua 4 năm tổ chức, hội nghị kết nối đã quy tụ ngày càng nhiều DN tỉnh, thành tham gia trưng bày, giới thiệu các đặc sản vùng miền, sản phẩm hàng hóa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) với mẫu mã, chủng loại ngày càng phong phú. Tổng số hợp đồng nguyên tắc ký kết sau 4 năm thực hiện chương trình kết nối cung cầu là 1.238 hợp đồng.

Đại diện của một số sở công thương và DN các tỉnh nhìn nhận, chương trình được tổ chức ngày càng quy mô và chuyên nghiệp, hiệu quả cao và có sức lan tỏa ngày càng lớn, thể hiện rõ qua từng năm. Năm 2015, TPHCM nâng cấp chương trình kết nối cung - cầu hàng hóa bằng chất lượng hàng hóa, sản phẩm. TP sẽ đẩy mạnh việc ký kết cung ứng các mặt hàng nông sản, lương thực, thực phẩm tươi sống chế biến đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, HACCP, đạt chứng nhận ATVSTP giữa nhà sản xuất và kinh doanh, tạo nguồn hàng đạt chuẩn ATVSTP đưa vào các hệ thông phân phối của TP, các chợ, nhà hàng, khách sạn, đồng thời giới thiệu hàng hóa trong chuỗi ATTP, các điểm bán hàng đạt chuẩn để người tiêu dùng dễ dàng chọn lựa. Do vậy, nếu các tỉnh không kịp thời nắm bắt xu hướng này để chuyển hướng sản xuất theo nhu cầu thị trường, sẽ bị tụt hậu.

Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Văn Khoa, để chương trình đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững TPHCM và các tỉnh, thành cần tập trung khai thác được hết thế mạnh của mỗi địa phương, đẩy mạnh công tác trao đổi kinh nghiệm, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao năng lực quản lý của đội ngũ cán bộ quản lý ngành thương mại và ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Đẩy mạnh công tác kết nối cung - cầu hàng hóa, liên kết sản xuất, khép kín từ cung cấp cây - con giống, thức ăn chăn nuôi đến tiêu thụ sản phẩm, đào tạo nhân lực, khoa học kỹ thuật... giúp các DN, HTX, hộ chăn nuôi, nhà phân phối hệ thống tiêu thụ sản phẩm các tỉnh, thành tăng năng suất, đảm bảo chất lượng hàng hóa, ổn định giá cả, đảm bảo đầu ra cho các mặt hàng nông thủy sản thiết yếu, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế các địa phương.

Tham dự chương trình, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, cho rằng, lâu nay chúng ta đã thực hiện nhiều chương trình hợp tác, kết nối sản xuất và kinh doanh nhưng hiệu quả mới chỉ dừng trên giấy hoặc cam kết miệng. Riêng tại TPHCM, đã có nhiều sáng kiến trong việc thiết kế các không gian trao đổi hàng hóa, gặp gỡ và tìm hiểu giữa DN rất thiết thực. Ngoài các bản thỏa thuận, giữa các DN đã cam kết vượt bậc trong việc cung ứng, đảm bảo chất lượng hàng hóa, còn các nhà phân phối cũng rất thật tình khi chỉ ra mặt được, mặt chưa được của từng sản phẩm trên tinh thần cầu thị. Bộ sẽ kiến nghị với Chính phủ, yêu cầu các tỉnh, thành học hỏi cách làm từ TPHCM, từ đó nhân rộng mô hình kết nối cung cầu hàng hóa trên cả nước, tạo điều kiện tốt nhất cho DN trong việc tìm đầu ra cho hàng Việt.

Tại Hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa giữa TPHCM và các tỉnh, thành năm 2015, Sở Công thương TPHCM đã công bố đợt 2 danh sách 38 điểm bán hàng thực phẩm đạt chuẩn VietGAP và ATVSTP. Theo đó, có 4 đơn vị tham gia, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) đăng ký 29 điểm kinh doanh và bán các sản phẩm sữa đạt chuẩn FSSC 22.000; Công ty TNHH Phạm Tôn, 6 địa điểm phân phối các sản phẩm thịt gia cầm, thị gà đạt chuẩn VietGap; Công ty CP Đầu tư TMDV Nữ Hoàng (Queen Land) 2 địa điểm phân phối các sản phẩm rau củ quả, thịt gia súc gia cầm đạt chuẩn VietGap và Công ty CP Thành Thiên Lộc đăng ký 1 điểm bán sản phẩm nước mắm Phú Quốc hiệu Ông Kỳ đạt chuẩn HACCP.

THÚY HẢI - HẠNH NHUNG

Tin cùng chuyên mục