Sở Công thương TPHCM vừa báo cáo Cục Công nghiệp địa phương về đánh giá kết quả thực hiện 5 năm 2011- 2015, xây dựng Kế hoạch phát triển ngành công nghiệp và thương mại 5 năm 2016 - 2020. Theo đó nhiệm vụ, chỉ tiêu đặt ra trong giai đoạn mới là khá cao, do vậy để thực hiện hiệu quả, ngành công thương phải nỗ lực nhiều hơn.
Sản xuất đèn LED tại Công ty cổ phần bóng đèn Điện Quang. Ảnh: CAO THĂNG
Cơ bản hoàn thành chỉ tiêu giai đoạn 2011-2015
TPHCM triển khai kế hoạch 5 năm (2011 - 2015) lĩnh vực công thương trong bối cảnh trong nước lạm phát tăng, lãi suất tăng cao (năm 2011), giá nguyên vật liệu đầu vào tăng, thị trường tiêu thụ khó khăn (năm 2012)... Các nước lớn có vị trí quan trọng trong quan hệ thương mại với nước ta (Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, EU) tăng trưởng chậm (năm 2013), ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) trong nước và đời sống người dân.
Để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo môi trường hoạt động ổn định cho DN, TP đã chủ động thực hiện quyết liệt các giải pháp như kết nối ngân hàng-DN, DN - DN, DN - thị trường, tháo gỡ khó khăn cho DN, triển khai các chương trình bình ổn thị trường, chương trình xúc tiến thương mại, chương trình hợp tác phát triển ngành công thương TP với các tỉnh, thành, nhờ vậy, kết quả đạt được rất đáng khích lệ. Quy mô sản xuất công nghiệp TP vẫn tiếp tục được mở rộng, tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng giai đoạn 2011 - 2015 ước tăng bình quân 7,4%/năm. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng bình quân 6,4%/năm. Đặc biệt, 4 ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học công nghệ, giá trị gia tăng cao (cơ khí, điện tử - công nghệ thông tin, hóa dược - cao su, chế biến tinh lương thực thực phẩm) chiếm tỷ trọng cao, khoảng 60%.
Kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2011 - 2015 ước đạt 154,4 tỷ USD, tăng bình quân 9,24%/năm, cao hơn mức tăng của giai đoạn 2006 - 2010 (tăng 8,1%/năm). Tăng trưởng xuất khẩu đạt khá vào năm 2011 (tăng 19,1%), tuy nhiên, thị trường xuất khẩu bắt đầu gặp khó khăn từ năm 2012. Riêng năm 2014, TP là địa phương đầu tiên trong cả nước đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 32 tỷ USD.
Về thị trường nội địa, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ giai đoạn 2011 - 2015 ước đạt 2.947.088 tỷ đồng, tăng bình quân 14,4%/năm (theo giá thực tế). Tuy thấp hơn giai đoạn 2006 - 2010 (tăng 25,2%) nhưng hoạt động thương mại, dịch vụ cùng với sự phát triển của hệ thống phân phối bán buôn, bán lẻ rộng khắp đã thúc đẩy lưu thông hàng hóa, góp phần kích thích sản xuất; việc triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu đã tạo hiệu ứng lan tỏa, chất lượng hàng hóa đảm bảo và giá cả ổn định, góp phần bình ổn thị trường. Doanh thu thương mại - dịch vụ vẫn tiếp tục tăng trong điều kiện kinh tế khó khăn, nhờ đó thị trường trong nước giữ được vai trò “điểm tựa” duy trì và phục hồi sản xuất, góp phần quan trọng vào tăng trưởng GDP và ổn định kinh tế vĩ mô của TP.
Nhiều giải pháp cho giai đoạn mới
Theo nhận định của Sở Công thương, kinh tế thế giới giai đoạn 2016 - 2020 được dự báo sẽ lấy lại đà tăng trưởng nhờ sự phục hồi của hầu hết các nền kinh tế lớn (bao gồm Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc…) và của các lĩnh vực chủ yếu kinh tế thế giới như thương mại, đầu tư. Trong giai đoạn này, nước ta tiếp tục hội nhập sâu, rộng vào kinh tế thế giới, khu vực, với việc tham gia Hiệp định đối tác chiến lược kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), Cộng đồng ASEAN, ký kết và thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA), thực hiện lộ trình cam kết WTO, AFTA…
Để thích ứng với tình hình mới, ngành công thương TP xác định sẽ triển khai đồng bộ 4 giải pháp sau:
Một là, tiếp tục bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, tăng cường kiểm soát thị trường, kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Thực hiện các Chương trình bình ổn thị trường để đảm bảo cân đối cung - cầu các mặt hàng thiết yếu, nhất là trong các dịp lễ, tết. Theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường trong và ngoài nước, kịp thời áp dụng các biện pháp điều tiết cung - cầu hàng hóa, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá. Hoàn thiện quy hoạch phát triển hệ thống phân phối (hệ thống chuyên doanh theo ngành hàng, kinh doanh tổng hợp; phát triển theo địa bàn thành thị, nông thôn; kết hợp các phương thức kinh doanh: trung tâm thương mại hiện đại có quy mô lớn, các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, các loại chợ đầu mối, chợ bán buôn, bán lẻ…). Trong đó, TP đặc biệt chú trọng hệ thống kinh doanh thực phẩm nhằm giảm bớt các chi phí trung gian từ nơi sản xuất đến tận tay người tiêu dùng, nhằm làm giảm áp lực lạm phát ở thị trường trong nước. Tạo điều kiện và hỗ trợ các thành phần kinh tế trong nước phát triển hệ thống phân phối, thúc đẩy hình thành những DN phân phối lớn của TP với các cơ sở kinh doanh hiện đại, giữ được vai trò dẫn dắt thị trường, vươn lên trong cạnh tranh.
Hai là hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, phục hồi tăng trưởng ngành công thương TP, hỗ trợ tái cơ cấu hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn TP, chuyển dần từ gia công, lắp ráp là chủ yếu sang chế tạo và chế tác, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của từng DN cũng như kinh tế TP. Đẩy mạnh phát triển 4 ngành công nghiệp trọng yếu. Thúc đẩy các ngành công nghiệp hỗ trợ, tập trung xây dựng các cụm, nhóm công nghiệp phụ trợ các ngành cơ khí, điện tử, may mặc; tận dụng nguồn lực, công nghệ, vật tư, thiết bị máy móc sản xuất trong nước đạt tiêu chuẩn, giảm nhập siêu. Triển khai Đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn TP giai đoạn 2015 - 2020.
Ba là đẩy nhanh việc cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh theo chiều sâu để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi. Tăng cường tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật, chính sách, các quy hoạch, chiến lược phát triển của từng ngành, lĩnh vực, sản phẩm và địa bàn. Khuyến khích các DN tham gia phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ vào quá trình sản xuất. TP sẽ phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng để giảm chi phí sản xuất kinh doanh, thu hút đầu tư, thu hẹp khoảng cách phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh. Gắn phát triển kết cấu hạ tầng trong nước với mạng lưới hạ tầng trong các liên kết khu vực.
Bốn là đa dạng hóa và mở rộng các hình thức xúc tiến thương mại. Đẩy mạnh công tác tiếp thị một cách thường xuyên thông qua việc tham gia các kỳ hội chợ, triển lãm tại nước đối tác, tiếp thị qua mạng internet, đặt văn phòng dại diện. Tập trung nguồn lực xúc tiến thương mại vào các thị trường lớn và các thị trường mang tính đột phá. Xây dựng các chính sách khuyến khích phát triển các loại hình thương mại văn minh, hiện đại. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để phát triển thương mại điện tử và áp dụng các mô hình phân phối, giao dịch hiện đại vào hoạt động thương mại nhằm phát triển nhanh thị trường. Chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu theo hướng hàng hoá có giá trị gia tăng cao, giảm dần tỷ trọng hàng thô và sơ chế. Xây dựng chiến lược phát triển các loại hình dịch vụ logistics, thu hút đầu tư vào kinh doanh dịch vụ logistics, giảm chi phí logistics để góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động xuất nhập khẩu…
* Các chỉ tiêu phát triển giai đoạn 2016 - 2020
- Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp tăng bình quân 7,0%/năm.
- Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đến năm 2020 đạt khoảng 1,5 triệu tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân 15% - 17%/năm.
- Tốc độ tăng trưởng bình quân kim ngạch xuất khẩu đạt 7-9%/năm.
KIM CHUNG