Tình hình cung cấp điện mùa khô năm 2011 tiếp tục căng thẳng do thủy điện thiếu nước, nhiệt điện hư hỏng hoặc đang “vào mùa” sửa chữa bảo trì. Để cải thiện tình hình thiếu điện, ngoài nỗ lực của ngành điện, giải pháp tiên quyết hiện nay là toàn dân tăng cường tiết kiệm điện.
Thiếu hụt sản lượng điện đến 2 triệu kWh/ngày
Theo Tổng Giám đốc Điện lực TPHCM (EVN HCMC) Lê Văn Phước, tình hình sử dụng điện thực tế trên địa bàn trong 2 tháng đầu năm 2011 phụ tải tiếp tục tăng. Trong khi đó, nguồn điện toàn hệ thống đang gặp khó khăn trong mùa khô năm nay. Cụ thể, sau đợt xả nước tưới tiêu vụ đông-xuân 2011, đến nay mực nước các hồ thủy điện phía Bắc như Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang… chỉ cao hơn mực nước chết từ 3 - 9m. Tại phía Nam, mực nước các hồ thủy điện Trị An, Thác Mơ… thấp hơn nhiều so với mức nước dâng bình thường. Tính chung cả nước, ước tổng lượng nước thiếu để tích đầy các hồ thủy điện là 12 tỷ m³, sản lượng thủy điện thiếu hụt tương đương do không tích được đầy các hồ khoảng 3 tỷ kWh.
Như vậy, thảm cảnh thủy điện thiếu nước dẫn đến thiếu một lượng điện lớn để phục vụ trong mùa khô 2011 đã hiện rõ trước mắt. Hiện tại, sự kỳ vọng duy nhất là trông nhờ vào nguồn cung nhiệt điện với công suất chiếm khoảng 60% trong toàn hệ thống, song chẳng mấy sáng sủa.
Thông tin mới nhất từ EVN cho thấy, hàng loạt nhà máy nhiệt điện than mới đưa vào vận hành tại miền Bắc như nhiệt điện Hải Phòng 1, Quảng Ninh 1, sau một số sự cố xử lý kéo dài trong năm 2010 vẫn chưa đảm bảo vận hành ổn định. Mặt khác, tình hình cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia tiếp tục gặp thêm yếu tố bất lợi từ sự cố Nhà máy điện Phú Mỹ 3 (720MW) và một số nhà máy nhiệt điện khác đang đến thời kỳ sửa chữa, bảo trì làm sụt giảm hàng tỷ kWh.
Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng phụ tải năm 2011 tiếp tục tăng cao, dự kiến sản lượng điện cả nước sẽ đạt 117,6 tỷ kWh, trong đó sản lượng điện 6 tháng mùa khô 2011 sẽ đạt khoảng 56,14 tỷ kWh, tăng 18,3% (8,69 tỷ kWh) so với cùng kỳ năm 2010. Với khả năng hiện có, trong điều kiện thuận lợi nhất thì từ giữa tháng 3 đến tháng 6 trong mùa khô năm nay sản lượng điện trên toàn hệ thống vẫn thiếu khoảng 1,7 tỷ kWh, tương ứng với tỷ lệ thiếu hụt sản lượng điện bình quân so với sản lượng điện theo nhu cầu của hệ thống điện quốc gia là 4,22%.
Riêng tình hình cấp điện trên địa bàn TPHCM trong các tháng mùa khô 2011, Phó Tổng giám đốc EVN HCMC Phạm Quốc Bảo cho biết, hiện EVN HCMC đã dự kiến phương án cấp điện cơ sở với sản lượng điện nhận là 17,13 tỷ kWh (tăng 10,7% so với cùng kỳ) và phương án cao là 17,45 tỷ kWh (tăng 12,7%). Với sản lượng tiêu thụ chiếm khoảng 17% tổng sản lượng toàn quốc thì trong các tháng mùa khô 2011, TPHCM sẽ thiếu khoảng từ 1 - 3,1 triệu kWh/ngày. Tuy nhiên, do Tập đoàn Điện lực Việt Nam ưu tiên cho khu vực TPHCM nên sản lượng điện thiếu hụt hàng ngày sẽ chỉ khoảng từ 0,35 – 2 triệu kWh/ngày với nhu cầu trung bình khoảng 48 - 53 triệu kWh/ngày. Tương ứng tỷ lệ thiếu hụt sản lượng điện bình quân so với sản lượng điện theo nhu cầu của TPHCM là 2,82%.
Tiết kiệm 10% sẽ không cắt điện luân phiên?
Theo các báo cáo và dự báo phân bổ về sản lượng và công suất, trong các tháng mùa khô 2011, khu vực TPHCM sẽ thiếu hụt cả sản lượng và công suất cực đại (thời điểm 10 giờ, 15 giờ hoặc 19 giờ trong ngày) so với khả năng cung cấp của hệ thống. Mức thiếu hụt sản lượng trong khoảng từ 0,65% - 3,81% (từ 0,35 - 2 triệu kWh/ngày), nhưng mức thiếu hụt công suất cực đại khá cao từ 6,12% - 9,58% (từ 150 - 250MW). Điều này cho thấy việc thiếu hụt công suất cực đại như trên vào giờ cao điểm sẽ dẫn đến khó khăn trong việc đảm bảo cung cấp điện.
Theo lý giải của EVN HCMC, nếu lượng công suất thiếu hụt trong các tháng mùa khô (từ 150 - 250MW) được dịch chuyển sử dụng vào giờ thấp điểm, công suất tiêu thụ trong ngày của khu vực TP sẽ không vượt quá công suất phân bổ, từ đó sẽ không bị cắt giảm công suất vào giờ cao điểm. Ngoài ra, trong cơ cấu phụ tải hiện nay của TP, thành phần phụ tải tiêu dùng dân cư chiếm 39,8% sản lượng điện tiêu thụ, tương đương khoảng gần 20 triệu kWh/ngày. Nếu vận động các hộ dân sử dụng điện tiết kiệm 10% thì sản lượng hàng ngày của TP sẽ giảm được khoảng 2 triệu kWh/ngày, tương đương mức thiếu hụt sản lượng ngày tối đa so với phân bổ của EVN và khi đó TPHCM cũng không phải tiết giảm sản lượng điện, đồng nghĩa với việc không cúp điện do thiếu sản lượng.
Ông Lê Văn Phước, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực TPHCM (EVN HCMC), cho biết đến nay TPHCM chưa phải cắt điện. Tình trạng cắt điện trong thời gian qua là phục vụ công tác duy tu, bảo trì lưới điện định kỳ. Tuy nhiên, dự báo nhu cầu sản lượng điện tiêu thụ bình quân trong tháng 3 là gần 48,4 triệu kWh/ngày. Trong khi đó, mức phân bổ của EVN khoảng 46,9 triệu kWh, vẫn còn hụt khoảng 1,5 triệu kWh/ngày so với nhu cầu (mức thiếu hụt tương đương 3,1%).
Dự báo mức thiếu hụt điện có thể tăng lên 2 triệu kWh/ngày trong các tháng 4 và 5. Đến tháng 6, mức thiếu hụt đỡ hơn, còn thiếu khoảng 350.000 kWh/ngày. EVN HCMC cho biết đang xây dựng các kịch bản để điều hành và phân phối điện trong điều kiện sản lượng điện bị thiếu hụt ở mức: 2%, 4%, 6%, 8% và 10%. Theo EVN HCMC, về nguyên tắc việc cấp điện sẽ được ưu tiên cho các cơ quan quan trọng của Nhà nước, bệnh viện, đèn tín hiệu giao thông. Đối với đối tượng sản xuất và sinh hoạt, việc tiết giảm điện được thực hiện công bằng, minh bạch và được thông báo trước. Trường hợp thiếu nguồn nghiêm trọng sẽ cúp điện không quá 2 lần/ngày, 4 lần/tuần đối với một khách hàng.
Để tháo gỡ khó khăn về cung ứng điện, Bộ Công thương yêu cầu EVN huy động tối đa các nguồn phát điện, kể cả các nguồn điện có giá thành cao (chạy dầu DO, FO) để đáp ứng nhu cầu. Huy động phát điện tối đa các nhà máy điện, trưng dụng các tổ máy nhiệt điện mới còn đang trong thời gian thử nghiệm hoặc nghiệm thu để tăng cường nguồn phát điện cho hệ thống; điều chỉnh lịch bảo dưỡng, sửa chữa, tiếp tục hoãn sửa chữa các tổ máy nếu điều kiện kỹ thuật cho phép. Duy trì vận hành, kết hợp với tăng cường giám sát tình trạng thiết bị; các tập đoàn than, dầu khí, điện, chủ đầu tư các dự án nguồn điện mới tập trung đẩy nhanh tiến độ để kịp hòa lưới trong mùa khô này. Các đơn vị điện lực phải thực hiện nghiêm túc kế hoạch cung cấp điện. Nếu thiếu điện, việc tiết giảm điện phải được thực hiện theo kế hoạch do UBND tỉnh, thành phố phê duyệt.
Nhằm tìm ra giải pháp tối ưu để “cứu” TP khỏi tình trạng cắt điện do thiếu sản lượng, trong buổi họp chiều qua (9-3) giữa Thường trực Thành ủy, UBND TPHCM và EVN HCMC cùng các sở ban ngành, Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải đã chỉ đạo: Bằng mọi biện pháp, EVN HCMC phải đảm bảo đủ điện cho sản xuất kinh doanh, dịch vụ - du lịch và sinh hoạt của người dân trên địa bàn. Trong đó, tăng cường đẩy mạnh các giải pháp tiết kiệm điện. Trước mắt, các đơn vị công sở phải thực hiện tiết kiệm 10% điện tiêu thụ… Đề cập đến các giải pháp tiết kiệm điện, ông Lê Văn Phước kiến nghị cắt giảm 50% lượng đèn chiếu sáng đối với đèn quảng cáo, dân lập; các cơ quan công sở thực hiện tiết kiệm 10% lượng điện sử dụng; vận động khách hàng có máy phát sử dụng hỗ trợ phát điện diesel vào giờ cao điểm hàng ngày; hộ gia đình tiết kiệm 10% sản lượng tiêu thụ… Đối với các doanh nghiệp sản xuất thì nên dịch chuyển thời gian sản xuất hợp lý, tránh thời gian cao điểm hoặc hoán đổi ngày thường sang thứ bảy và chủ nhật. “Nếu vận động được đối tượng dùng điện sinh hoạt (chiếm gần 40% điện tiêu thụ toàn TP) tiết kiệm được 10% thì đủ bù đắp lượng điện thiếu hụt, khi đó TPHCM không phải tiết giảm sản lượng điện” - ông Phước cho biết.
Theo dự thảo của UBND TPHCM và tờ trình của Giám đốc Sở Công thương TPHCM Nguyễn Văn Lai ký trước đó về phê duyệt kế hoạch cung ứng điện mùa khô năm 2011 trên địa bàn, Tổng Công ty Điện lực TPHCM (EVN HCMC) triển khai nhanh các kế hoạch để ứng phó với tình hình có thể xảy ra hình huống thiếu điện sắp tới như sau: EVN HCMC lập kế hoạch cung cấp điện theo sản lượng và mức công suất lớn nhất mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã phân bổ và cung cấp điện trong trường hợp thiếu 2% - 10% sản lượng, công suất theo từng tháng từng ngày trong tuần. Đồng thời, thỏa hiệp và huy động các máy phát điện khách hàng để tự cung cấp điện trong trường hợp phải cắt giảm điện. Triển khai thường xuyên các cuộc vận động tiết kiệm điện để giảm sản lượng phải tiết giảm. Làm việc với Công ty Chiếu sáng công cộng, hệ thống chiếu sáng dân lập, các công ty quảng cáo để tiết giảm điện. Vận hành lưới điện linh hoạt đảm bảo việc cắt giảm điện không ảnh hưởng đến việc cung cấp điện an toàn, liên tục cho khách hàng quan trọng, các chốt đèn tín hiệu giao thông. Đảm bảo kết hợp việc cắt giảm điện với công tác sửa chữa, bảo trì, cải tạo nâng cấp lưới điện nhằm tận dụng tối đa thời gian cắt điện để sửa chữa lưới điện. Tăng cường các biện pháp giám sát lưới điện, đặc biệt là công suất và sản lượng từng đơn vị để có biện pháp chỉ đạo kịp thời. Đối với các khách hàng quan trọng, chuẩn bị các phương án cung cấp điện (nguồn điện ưu tiên, máy phát điện) trong trường hợp phải cắt điện khu vực này. Đặc biệt, tăng cường vận động, thỏa thuận với khách hàng chuyển giờ sản xuất, hạn chế việc sản xuất vào các giờ cao điểm, dịch chuyển ngày sản xuất sang các ngày thứ bảy và chủ nhật để đảm bảo công suất lớn nhất không vượt quá công suất phân bổ. |
Lạc Phong - Lương Thiện