TPHCM: Sắp tổng kiểm tra toàn diện thị trường hàng hóa

* Sở Thương mại TPHCM: đánh giá cao vai trò Báo SGGP trên “mặt trận” chống hàng giả và gian lận thương mại
TPHCM: Sắp tổng kiểm tra toàn diện thị trường hàng hóa

* Sở Thương mại TPHCM: đánh giá cao vai trò Báo SGGP trên “mặt trận” chống hàng giả và gian lận thương mại

TPHCM: Sắp tổng kiểm tra toàn diện thị trường hàng hóa ảnh 1

Ông Trương Trung Việt - Phó Giám đốc Sở Thương mại TPHCM. Ảnh: A.T.

Đó là quan điểm của lãnh đạo Sở Thương mại và Chi cục Quản lý Thị trường TPHCM khi trao đổi với chúng tôi về việc xử lý bức xúc của người dân xung quanh tệ nạn hàng giả, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại.

Theo ông Trương Trung Việt - Phó Giám đốc Sở Thương mại TPHCM, lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo Sở Thương mại lập kế hoạch kiểm tra đồng loạt các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng và những khu vực kinh doanh cá thể.

Mục tiêu kiểm tra này nhằm phát hiện và xử lý “không khoan nhượng” các trường hợp buôn bán hàng nhập lậu, kinh doanh hàng giả, hàng nhái và hàng vi phạm sở hữu trí tuệ. đây cũng là một biện pháp ngăn chặn triệt để các hành vi gian lận thương mại có xu hướng gia tăng ở giai đoạn cận Tết Nguyên đán.

Hiện tại, sức mua tại TPHCM đã tăng từ 20% đến 30% so với cùng kỳ năm trước, hoạt động thương mại tăng 26% với nhiều chủng loại hàng hóa lưu hành trên thị trường đa dạng và phong phú. Chính trong giai đoạn này, thực tế cho thấy nhiều đối tượng đã đưa ra kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng lừa dối người tiêu dùng, gây mất uy tín cho nhà kinh doanh chân chính. Đây là việc làm rất sai trái và cần bị xử lý thích đáng.

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Thế Thông – Phó Giám đốc Sở Thương mại TPHCM kiêm Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TPHCM (QLTT TP) bổ sung thêm: “trong đợt kiểm tra này, ngoài những mục tiêu trên, chúng tôi đặt ra trọng tâm bảo vệ người dân xung quanh vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm và pháo lậu, pháo hoa, pháo biến tướng… đưa từ thị trường Trung Quốc sang. Chúng tôi sẽ kiểm tra liên tục và ngay cả trong đêm giao thừa vẫn xử lý triệt để”.

Điều đáng lưu ý là cả hai lãnh đạo của Sở Thương mại TPHCM đều đánh giá rất cao vai trò của Báo SGGP trên “mặt trận” chống hàng giả và gian lận thương mại. Theo ông Nguyễn Thế Thông, trường hợp sai phạm nghiêm trọng tương tự vụ Siêu thị Hà Nội (địa chỉ 187 Cống Quỳnh, quận 1) ngang nhiên kinh doanh hàng nhái, vi phạm sở hữu trí tuệ (Báo SGGP đã phản ánh vào ngày 13-12-2007) đã “lọt vào tầm nhắm xử lý” của lực lượng QLTT TPHCM. “Chúng tôi mong CLB Chống hàng giả và Bảo vệ người tiêu dùng Báo SGGP tiếp tục phối hợp chặt chẽ với QLTT TPHCM, cung cấp thêm những địa điểm kinh doanh sai trái để chúng tôi phạt thật nghiêm khắc theo quy định luật pháp” – Chi cục trưởng Chi cục QLTT TPHCM nhấn mạnh.

Trong tuần qua, Đoàn kiểm tra liên ngành TPHCM đã kiểm tra chất lượng nón bảo hiểm (NBH) tại 9 cơ sở sản xuất. Kết quả, lực lượng chức năng đã tiêu hủy 95kg móc khóa dây quai nón kém chất lượng và 500 NBH không đạt tiêu chuẩn chất lượng. Qua kiểm tra 25 cửa hàng, cơ sở sản xuất, Đoàn kiểm tra cũng phát hiện 3 cơ sở có 379 NBH giả mạo nhãn hiệu Honda, 3 công ty chưa công bố phù hợp tiêu chuẩn nhưng đã sản xuất tiêu thụ gần 20.000 NBH. Ngoài ra, lực lượng QLTT TPHCM đã tạm giữ số tang vật 59.353 NBH vi phạm như: Sản xuất kinh doanh không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, hàng hóa không chứng từ; không ghi nhãn hiệu hàng hóa; không dán tem hợp chuẩn hoặc tem CS, không công bố tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, không đăng ký kiểm định chất lượng; hàng giả… Điểm đáng lưu ý là một số doanh nghiệp sản xuất NBH mặc dù có dán tem hợp chuẩn CS, có chứng nhận công bố phù hợp tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) nhưng thực tế chưa đi thử nghiệm trước khi đưa ra thị trường!

TƯỜNG MINH - ANH TRINH

Ý kiến người trong cuộc:

TS Nguyễn Hữu Bình - Phó tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex)
Phải cần người dân góp sức

TPHCM: Sắp tổng kiểm tra toàn diện thị trường hàng hóa ảnh 2

Hàng giả, hàng nhái là tệ nạn gây ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp, làm mất niềm tin người sử dụng, dẫn đến tổn hại cho nhà sản xuất. Đây là tệ nạn không chỉ riêng ở Việt Nam mà là vấn nạn chung của quốc tế. Trong ngành dệt may, để đối phó với vấn nạn trên thì vô cùng khó bởi thị trường dệt may rất mênh mông.

Chúng tôi nghĩ rằng Nhà nước cần có biện pháp chế tài thật mạnh. Khi phát hiện đơn vị nào sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái thì không chỉ áp dụng mức phạt hành chính, mà phải có hình thức nặng hơn nữa như “không cho phép đơn vị sai phạm tiếp tục kinh doanh”. Có như vậy mới hy vọng mang lại tác dụng. Theo tôi, cần có chương trình phối hợp giữa nhà sản xuất, cơ quan Nhà nước và các đơn vị truyền thông báo chí. Chúng ta phải làm thế nào cho người dân hiểu được đâu là hàng giả, hàng kém chất lượng để người dân giúp sức với cơ quan chức năng chống lại tệ nạn nói trên.

Ông Trần Cung Thương - Phụ trách kinh doanh Công ty GAS Thành Tài (TTAGAS)
Nhà nước nên giảm thủ tục để xử lý vi phạm nhanh chóng

TPHCM: Sắp tổng kiểm tra toàn diện thị trường hàng hóa ảnh 3

Hơn 10 năm qua, nạn gas giả, sang chiết trái phép vẫn tồn tại, thậm chí “phát triển” ngày càng mạnh mẽ (chỉ tính riêng tại TPHCM trong quý 1-2007, số lượng bình gas giả bị bắt giữ gần 2.360 bình, bằng 40% so với năm 2006) là do mức phạt quá thấp không đủ răn đe, nhiều văn bản quy định bất cập, không theo kịp diễn biến thị trường. Theo chúng tôi, để hạn chế tình trạng này đòi hỏi phải có nỗ lực từ nhiều phía.

Đối với các công ty kinh doanh gas, mọi người phải tự bảo vệ thương hiệu của mình bằng biện pháp tuyên truyền cho người tiêu dùng nhận biết sản phẩm chính hãng. Về phía người tiêu dùng khi mua hoặc đổi các bình gas cần tránh mua sản phẩm nguồn gốc không rõ ràng và  nên yêu cầu đại lý cân kiểm tra trọng lượng bình gas. Về phía cơ quan chức năng, chúng tôi kiến nghị tiết giảm thủ tục kiểm nghiệm hàng giả để việc ngăn chặn và xử lý vi phạm được nhanh chóng và hữu hiệu hơn.

Tin cùng chuyên mục