* Phát triển các khu kinh tế ven biển: Dàn trải, kém hiệu quả
(SGGP). – Ngày 27-8, báo Tuổi Trẻ, Trường Đại học Tài chính Kế toán đã tổ chức Hội thảo khoa học “Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, mô hình tăng trưởng kinh tế TPHCM theo hướng cạnh tranh đến năm 2020”. Tại hội thảo, hầu hết các chuyên gia kinh tế đều cho rằng, muốn thực hiện được nội dung trên phải có sự thay đổi mạnh mẽ về cơ chế chính sách trong thu hút đầu tư, đào tạo, cách thực hiện các chủ trương chính sách, tầm nhìn và phương thức cạnh tranh cũng như liên kết…
TPHCM phải thu hút đầu tư và phát triển mạnh các ngành công nghiệp và dịch vụ chất lượng cao như tài chính ngân hàng, công nghệ thông tin… với chất lượng có thể cạnh tranh được với các nước trong khu vực. Ngoài ra, nhiều đại biểu cũng đặc biệt quan tâm đến mô hình “siêu đô thị” của thành phố và cho rằng cần có một cơ chế thích hợp để vận hành. TPHCM sẽ tự bứt phá được nếu có cơ chế thích hợp.
Ngày 27-8, tại Khu kinh tế mở Chu Lai, tỉnh Quảng Nam, Bộ Kế hoạch - Đầu tư phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam đã tổ chức Hội thảo về cơ chế, chính sách phát triển các khu kinh tế ven biển Việt Nam với sự tham gia của các chuyên gia kinh tế và 18 địa phương đã và đang xây dựng các khu kinh tế ven biển. Tại đây, các chuyên gia kinh tế cho rằng các khu kinh tế ven biển xây dựng theo kiểu “đồng khởi” nhưng… kém hiệu quả. Sau gần 10 năm xây dựng, các khu kinh tế này vẫn đang trong giai đoạn… thí điểm.
Theo PGS-TS Lê Xuân Bá, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, ở Việt Nam quá trình nhân rộng mô hình khu kinh tế nói chung và khu kinh tế ven biển nói riêng dường như diễn ra quá nhanh. Năm 2003, khi Khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam) ra đời thì 3 năm sau đó đã có thêm 7 khu kinh tế tương tự như thế ra đời.
“Đến nay, số lượng khu kinh tế ven biển đã lên tới 15 khu (trong đó tập trung 10 khu kinh tế ở duyên hải miền Trung), hệ quả là cách làm này tạo ra sự dàn trải đầu tư, phân tán nguồn lực và gây ra tình trạng cạnh tranh giành vốn quyết liệt giữa các địa phương có khu kinh tế ven biển.
Ông Bùi Tất Thắng, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, nhận định: “Về mặt ý tưởng, chúng tôi cho rằng không nên cứ phải đi theo lối hoàn toàn sáng tạo ra mô hình mới của ta, mà hoàn toàn có thể và rất nên lựa chọn và áp dụng các mô hình sẵn có của thế giới”.
NG.KHOA - NG.KHÔI - Đ.THỦY