TPHCM: Số ca bệnh tay chân miệng giảm gần 50%

Từ đầu năm đến hết tháng 9-2011, TPHCM là nơi có số ca mắc và tử vong do bệnh tay chân miệng (TCM) cao nhất trong cả nước với tổng số hơn 11.000 ca mắc và 29 ca tử vong. Tuy nhiên, thời gian gần đây số ca mắc TCM tại TPHCM đã có chiều hướng giảm. Bên lề hội nghị tăng cường biện pháp phòng chống bệnh TCM, PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với TS-BS Trần Phủ Mạnh Siêu, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) TPHCM.

- PV: Ông có thể cho biết, thời gian qua TPHCM đã nỗ lực như thế nào để đối phó với bệnh TCM?

TS-BS TRẦN PHỦ MẠNH SIÊU: Ngay từ khi dịch bệnh có dấu hiệu gia tăng, TTYTDP TPHCM, Sở Y tế, UBND TP liên tục có những cuộc họp để nghe báo cáo tình hình, phân tích những khó khăn thuận lợi và đề xuất nhiều giải pháp về dự phòng. Một mặt chúng tôi luôn duy trì liên hệ với các địa bàn nóng về dịch bệnh, chỉ đạo ra quân tuyên truyền kiến thức phòng chống bệnh, cấp phát thuốc sát khuẩn Chloramin B để sát khuẩn trường học và nhà ở, thành lập 12 đoàn kiểm tra giám sát thường xuyên hiện trạng tuân thủ phòng chống dịch tại 24 quận huyện, mỗi đoàn chịu trách nhiệm hẳn 2 quận huyện. UBND thành phố luôn sát cánh cùng ngành y tế, duyệt hàng chục tỷ đồng để mua hóa chất và trang thiết bị (máy trợ thở) nhanh chóng kịp thời để chống dịch. Qua 4 tháng quyết liệt chống dịch kể từ cuối tháng 6 đến nay, kết quả cho thấy số ca mắc bệnh giảm gần 50% so với lúc đỉnh dịch vào tháng 6-7.

- Phác đồ điều trị mới hiện nay có hiệu quả như thế nào?

Bệnh TCM chủ yếu xảy ra trên trẻ nhỏ (dưới 5 tuổi) là do trẻ em dưới 5 tuổi, nhất là trẻ dưới 3 tuổi có hệ miễn dịch chưa hoàn chỉnh nên dễ mắc một số bệnh trong đó có TCM. Do hệ miễn dịch còn yếu nên khi mắc bệnh trẻ cũng dễ bị biến chứng nhiễm trùng kèm theo. Theo kết quả điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 cho thấy, bên cạnh việc điều trị nâng cao sức đề kháng cho trẻ bằng gamma globulin A rất có hiệu quả trong bệnh TCM thì phác đồ điều trị mới, hiệu quả điều trị cho những bệnh nhân bị biến chứng nặng có kết quả rõ rệt.

Tỷ lệ hồi sức thành công nhờ cài đặt chế độ thở đặc biệt với máy hỗ trợ thở cao cấp khi trẻ suy hô hấp nặng là 84,6%. 41,1% trẻ nhập viện trong tình trạng sốc được hồi sức thành công với phác đồ chống sốc (tỷ lệ này được cải thiện hơn so với trước). Phương pháp lọc máu cũng cho kết quả khả quan. Trong số 66 ca lọc máu có tới 47 trường hợp được cứu sống.

Vinh Nguyễn

Tin cùng chuyên mục