Vượt chặng đường 718,5km bằng tàu cao tốc, từ Thủ đô Mátxcơva (Nga) sau hơn 3 giờ đồng hồ, đoàn công tác TPHCM đã có mặt tại TP St. Petersburg. So với TPHCM, St. Petersburg có nhiều nét tương đồng và đều có lịch sử trên 300 tuổi. Bốn ngày thăm và làm việc tại St. Petersburg trôi qua nhanh nhưng đã để lại nhiều ấn tượng, xúc động và đẹp đẽ cho mỗi thành viên trong đoàn Việt Nam…
1. St. Petersburg là cố đô và là TP lớn thứ hai của Nga, sau thủ đô Mátxcơva. Được đích thân Pier Đại đế cho khởi công xây dựng vào năm 1703, St. Petersburg tọa lạc trên 42 hòn đảo của châu thổ sông Neva, con sông có lưu lượng nước lớn nhất châu Âu, rộng tới 650m, sâu 14 - 23m. Đây cũng là vùng đầm lầy, tiếp giáp biển Baltic nên rất thuận tiện để Nga tiếp cận với phương Tây. St. Petersburg trở thành TP cảng nhộn nhịp bậc nhất thế giới với 3 cảng hàng hóa và một cảng hành khách, cùng với ngành công nghiệp đóng tàu phát triển mạnh. Ngoài dịch vụ cảng biển và công nghiệp đóng tàu, St. Petersburg hiện còn phát triển mạnh về công nghiệp vũ trụ, điện tử, máy tính và phần mềm; công nghiệp nặng và các ngành công nghiệp quốc phòng. Theo tính toán, có tới 10% turbine (khoảng 2.000 turbine) phát điện của các nhà máy điện trên toàn thế giới, xuất phát từ nhà máy LMZ ở St. Petersburg.
Đoàn công tác TPHCM do Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng Làm trưởng đoàn chụp hình lưu niệm tại Cung điện Smolnui, trụ sở làm việc của Chính quyền TP St. Petersburg
Kết quả điều tra dân số năm 2010 cho thấy, St. Petersburg có 4,8 triệu dân. Điều đáng chú ý, 100% dân số sống ở đô thị. Chính vì TP phát triển công nghiệp nên phần lớn dân cư làm việc trong các nhà máy và công trường xây dựng. Ngày nay công nghiệp dịch vụ phát triển mạnh nên cũng có một bộ phận dân số làm việc trong các lĩnh vực dịch vụ. Nhờ các ngành công nghiệp phát triển nên việc làm mới thường xuyên được tạo ra, kéo theo tỷ lệ thất nghiệp ở đây rất thấp, chỉ 1% - 2%.
St. Petersburg là một trong những đô thị lớn của châu Âu không phải chịu thiệt hại do khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế thế giới. Nhờ việc phân bổ những chính sách ưu tiên hợp lý và kịp thời cắt giảm các khoản chi phí, nền kinh tế TP đã giữ được ổn định trong suốt thời gian khủng hoảng, kể cả thời điểm khủng hoảng nghiêm trọng nhất. Theo các chuyên gia, TP này đã vượt qua nhiều thách thức nhờ kịp thời cắt giảm chi phí và áp dụng các biện pháp tổng hợp trong kế hoạch chống khủng hoảng của chính quyền St. Petersburg, như chi ngân sách hàng năm được điều chỉnh đến 1/4, đã được hoãn lại cho đến thời điểm thuận lợi….
Ngay từ năm 2010, doanh nghiệp trẻ cũng được quan tâm với một loạt biện pháp hỗ trợ. Đó là trích vốn khởi đầu không hoàn lại 7.500 EUR và các chế độ thuế ưu đãi, ứng dụng các thủ tục hoàn thuế được đơn giản hóa, cho vay tín dụng với lãi suất thấp nhất, cho quyền chuộc lại với giá thấp nhất các cơ sở thuê của nhà nước. Ngoài ra, các doanh nhân mới khởi nghiệp còn được mời đến các “vườn ươm” kinh doanh được thành lập để hỗ trợ những đối tượng này. Một trong số đó là vườn ươm doanh nghiệp của Công viên công nghệ cao Ingria, giúp đỡ các doanh nhân trẻ xây dựng kế hoạch kinh doanh một cách chuyên nghiệp, thu hút nguồn tài chính trong giai đoạn đầu thực hiện dự án, cung cấp chỗ làm việc được trang bị đầy đủ, giúp tìm kiếm người đặt hàng, người ký kết hợp đồng kinh doanh, tiến hành các tư vấn nghề nghiệp…
Phó Thống đốc TP Saint Petersburg Sergey N. Movchan trao quà lưu niệm tặng Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng.
Thị trường hàng hóa nhu yếu phẩm ở St. Peterburg là mảng thị trường có tính cạnh tranh, nhưng khoảng 75% hàng hóa tập trung trong tay 20-30 mạng lưới kinh doanh lớn và có hơn 60% thuộc về 5 mạng lưới lớn nhất. Việc tăng cường số lượng chủ thể tham gia ở các phân khúc thị trường quan trọng của St. Peterburg dẫn đến tăng nhu cầu và nâng cao chất lượng dịch vụ.
2. Chúng tôi đến St. Petersburg vào thời điểm đầu thu, với những tán lá chớm vàng, đỏ giữa bầu trời trong xanh vắt. Với những người như tôi, lần đầu đến với nước Nga nói chung, St. Petersburg nói riêng, sẽ khó tránh khỏi sự choáng ngợp bởi sự mê hoặc của thiên nhiên, các lâu đài trang nghiêm, cổ kính và hào nhoáng. Mùa thu của nước Nga đã đi vào huyền thoại. Nhiều tên tuổi của các nhà chính trị gia lỗi lạc, nhà văn, nhà thơ, nhũng tác phẩm văn học cũng đã trở thành huyền thoại.
Theo tính toán, St. Petersburg hiện có hơn 3.700 di tích lịch sử và văn hóa, đại diện cho nhiều phong cách và trường phái kiến trúc thế giới nên được công nhận là TP du lịch hấp dẫn thứ 8 trên thế giới. St. Petersburg còn được mệnh danh là Venice của phương Bắc. Toàn bộ bờ sông Neva dài 150km và các kênh đào đều được lát đá hoa cương, được nối liền nhau bằng gần 300 cây cầu cổ kính.
Trong số những danh lam thắng cảnh của St. Petersburg, nổi tiếng nhất là khu vực Petergof - nơi có Cung điện Mùa Hè của Sa hoàng, được Pier Đại đế xây dựng vào năm 1710. Tại đây có các lâu đài nguy nga lộng lẫy, các khu rừng xanh ngắt với hơn 10.000 cây xanh các loại, các công viên tráng lệ trải dài trên một diện tích rộng hàng trăm hécta. Đặc biệt, với hệ thống 3 thác nước, 144 đài phun nước muôn hình muôn vẻ, độc nhất vô nhị trên thế giới, Petergof được mệnh danh là “Thủ đô của các đài phun nước”.
Một điểm nổi tiếng khác của St. Petersburg là Ermitage, viện bảo tàng nghệ thuật lớn nhất nước Nga và thứ ba thế giới, sau Viện Bảo tàng Louvrc (Pháp) và Vatican (Ý). Được thành lập năm 1764, Ermitage trưng bày 3 triệu hiện vật, gồm những tác phẩm nghệ thuật qua các thời đại và những cổ vật của các nền văn hóa xa xưa. Ở St. Peterburg còn có nhà thờ Thánh Isaac - một bảo tàng kiến trúc nghệ thuật, nhà thờ cao thứ tư trên thế giới với độ cao từ chân đến đỉnh tháp là 101 m và hàng loạt địa danh du lịch, tĩnh dưỡng như khu Pushkin, Petrostation, Pavlovsk, Zielonogorsk, Siestrorieck, Gatchin...
3. Tiếp đoàn công tác TPHCM tại Cung điện Smolnui là Phó Thống đốc TP St. Petersburg Sergey N. Movchan. Trước sự chào đón chân thành, cởi mở cùng với những nhận xét tốt đẹp về TPHCM - TP kết nghĩa với St. Petersburg - của Phó Thống đốc Sergey N. Movchan, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng đã không ngừng rơi nước mắt, khiến các thành viên trong đoàn làm việc của cả 2 TP như chùng lại trước lịch sử hào hùng, cũng như tình đoàn kết, hữu nghị mà nhân dân Nga đã dành cho Việt Nam trong suốt thời kỳ kháng chiến giữ nước và xây dựng đất nước.
Theo Phó Thống đốc Sergey N. Movchan, TPHCM và St. Petersburg hoàn toàn có thể hợp tác trong lĩnh vực dược phẩm, trong đó Việt Nam có thế mạnh về Đông y và St. Petersburg lại có thế mạnh về Tây y với 150 DN đang hoạt động trong lĩnh vực này từ thuốc tây đến các thiết bị máy móc về y tế. Ngoài ra, 2 bên có thể hợp tác trong lĩnh vực điện tử và công nghệ cao, công nghiệp đóng tàu, công nghiệp năng lượng, chế tạo máy móc… Việt Nam cũng có nhiều thế mạnh về may mặc, thực phẩm nên sản phẩm của Việt Nam hoàn toàn có thể xuất khẩu các mặt hàng này vào Petersburg. Mặt khác, lĩnh vực du lịch giữa 2 bên cũng không thể bỏ qua. Mong muốn người Việt Nam đến đây để thụ hưởng vẻ đẹp của TP, còn người dân Petersburg khi đến Việt Nam cũng kể về Việt Nam như một thiên đường, người dân dễ mến, ẩm thực rất ngon, hàng hóa đẹp và chất lượng tốt. Tháng 12-2015 sắp tới, ngài Thống đốc của TP St. Petersburg sẽ đến thăm và làm việc với TPHCM.
Thay mặt đoàn công tác, Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Hồng đã thông báo đến ngài Phó Thống đốc về kết quả làm việc tại Mátxcơva với nhiều hợp đồng được ký kết. Mong muốn tại St. Pertersburg, DN 2 bên sẽ ký các hợp đồng, hợp tác với nhau như tại Mátxcơva, 2 hệ thống bán lẻ của Việt Nam là Saigon Co.op và Satra đã ký hợp tác với Tập đoàn bán lẻ Magnit - hệ thống bán lẻ lớn nhất nước Nga. Theo đó, mong muốn sẽ làm đại lý phân phối cho các sản phẩm của Nga tại Việt Nam. TP đã thống nhất cho Saigontourist mua một khách sạn tại St. Petersburg để đặt cơ sở du lịch của TP tại đây.
Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Hồng đề xuất, năm nay kỷ niệm 65 thiết lập quan hệ Việt Nam - Nga và 10 năm quan hệ hợp tác TPHCM - St. Petersburg nên TPHCM sẽ tổ chức “Ngày St. Petersburg tại TPHCM” và năm tới sẽ tổ chức tương tự tại St. Petersburg. Bên cạnh còn có một vùng phía Nam của TPHCM có rất nhiều loại hoa quả tươi, do vậy phía St. Petersburg có thể đầu tư về khoa học công nghệ sau thu hoạch để hỗ trợ DN Việt Nam xuất khẩu các sản phẩm này vào Nga. TPHCM mong muốn đồng hành với St. Petersburg để góp phần thúc đẩy tăng cường quan hệ về thương mại và du lịch với Nga nói riêng và St. Petersburg. Để làm được việc này, cần có sự hỗ trợ rất lớn từ chính quyền trong việc chọn lựa, giới thiệu DN cũng như tạo cơ chế chính sách cho DN đầu tư, hợp tác với St. Petersburg.
Phó Thống đốc TP St. Petersburg Sergey N. Movchan nhấn mạnh: “Việt Nam và Nga luôn là những người bạn chí tình, chí cốt của nhau trong mọi hoàn cảnh. Tại thời điểm này, TPHCM là đoàn công tác ở xa nhất đến thăm và làm việc tại St. Petersburg. Tôi hoàn toàn nhất trí những điều phía TPHCM đã đề nghị. Phía St. Petersburg sẽ đề xuất một nhóm việc cụ thể từ các sở, ban, ngành, những người đó sẽ là cán bộ chỉ đường cho DN TPHCM có điều kiện kinh doanh tại đây. St. Petersburg hiện có 300.000 DN, do vậy mỗi bên có thể lập danh sách các DN để cùng mời các DN của 2 bên có thể cùng làm việc. Tại đây có 5 hệ thống siêu thị lớn rất muốn có hàng Việt Nam, có thể bán trực tiếp cho họ mà không cần qua trung gian. Những vấn đề này có thể ký kết hợp tác giữa DN hai bên vào tháng 12 sắp tới. Hai nước hoàn toàn có thể tăng cường các mối quan hệ cũng như tăng kim ngạch xuất nhập khẩu vào những năm tới”.
Kết thúc buổi làm việc, đoàn công tác đã được cán bộ dưới quyền của Phó Thống đốc đưa đi thăm tổng thể Cung điện Smolnui, thăm phòng làm việc của Lênin. Tại đây, từ chiếc máy chữ, điện thoại, chiếc áo khoác, cũng như những hình ảnh và tư liệu của một lãnh tụ thiên tài nước Nga vẫn nguyên vẹn. Cả đoàn công tác cũng không khỏi bồi hồi, xúc động khi được GS-TS Vladimir Kolotov, Chủ nhiệm Bộ môn Lịch sử các nước Viễn Đông tại Khoa Phương Đông, Đại học Tổng hợp Quốc gia St. Petersburg, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh của đại học này, Chủ tịch Hội Hữu nghị Nga - Việt tại cố đô Nga, thành viên Ủy ban Quốc gia Nga của Hội đồng Hợp tác an ninh châu Á - Thái Bình Dương (CSCAP) giới thiệu khá chi tiết về cuộc đời và sự nghiệp của Lênin.
THÚY HẢI (ghi chép)