TPHCM tăng cường hợp tác thương mại với 20 tỉnh, thành

Sở Công thương TPHCM vừa chủ trì cuộc họp với các sở công thương của 20 tỉnh, thành Đông và Tây Nam bộ nhằm đánh giá kết quả triển khai các nội dung trong Chương trình hợp tác thương mại trong 8 tháng đầu năm 2013, bàn công tác những tháng cuối năm.
TPHCM tăng cường hợp tác thương mại với 20 tỉnh, thành

Sở Công thương TPHCM vừa chủ trì cuộc họp với các sở công thương của 20 tỉnh, thành Đông và Tây Nam bộ nhằm đánh giá kết quả triển khai các nội dung trong Chương trình hợp tác thương mại trong 8 tháng đầu năm 2013, bàn công tác những tháng cuối năm.

Nhiều dự án đầu tư quy mô lớn

Theo nhận định của bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, thời gian qua, việc triển khai chương trình hợp tác giữa TPHCM và các tỉnh, thành đã nhận được sự quan tâm và chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo từng địa phương. Đây là cơ sở giúp các sở, ngành hữu quan mạnh dạn triển khai thực hiện, thúc đẩy phát triển quan hệ hợp tác giữa các địa phương ngày càng chặt chẽ, đi vào chiều sâu và phát huy hiệu quả.

Với việc thường xuyên trao đổi thông tin hai chiều, chương trình đã cơ bản xác định được thế mạnh, tiềm năng của từng địa phương. Theo đó, TPHCM là thị trường tiêu thụ hàng hóa quy mô lớn và có nhiều DN có thế mạnh cả lĩnh vực sản xuất lẫn phân phối; trong khi đó, các tỉnh, thành Đông - Tây Nam bộ là vùng cung ứng chủ yếu các mặt hàng nông lâm, thủy hải sản, lương thực, thực phẩm thiết yếu làm nguyên liệu sản xuất và phục vụ nhu cầu tiêu dùng cho thị trường TPHCM. Từ mối quan hệ tất yếu này đã tạo điều kiện kết nối DN TPHCM với DN các tỉnh, thành trong hợp tác 2 chiều, giúp mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh của nhiều DN (cả về chiều sâu lẫn chiều rộng); đồng thời đảm bảo công tác tạo nguồn nguyên liệu ổn định phục vụ sản xuất, cung ứng hàng hóa cho thị trường TPHCM và các tỉnh, thành.

Để triển khai tốt nội dung này, thời gian qua, các bên đã tích cực rà soát, lựa chọn DN để giới thiệu, kết nối hợp tác đầu tư sản xuất, kinh doanh, chủ lực là DN tham gia bình ổn thị trường đều đã mở rộng liên kết sản xuất, phát triển mạng lưới thu mua, tiêu thụ sản phẩm, hình thành chuỗi liên kết, chuỗi giá trị sản xuất - phân phối. Cụ thể, Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn đã triển khai 7 dự án tại Đồng Nai, Bình Dương, Lâm Đồng, Long An, Tiền Giang, An Giang, Đồng Tháp để tập trung đầu tư vùng nguyên liệu, hình thành chuỗi sản xuất, cung ứng thực phẩm an toàn. Công ty Vissan triển khai 5 dự án chăn nuôi và liên kết chăn nuôi tại Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, An Giang, Long An với mức vốn 600 tỷ đồng/năm và tiêu thụ sản phẩm gần 2.400 tỷ đồng/năm. Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn cung ứng con giống cho 13 tỉnh, thành miền Đông và Tây Nam bộ, đầu tư xây dựng nhà máy chế biến hàng xuất khẩu tại Long An, tổng vốn đầu tư 192 tỷ đồng. Công ty Ba Huân triển khai 3 dự án liên kết với nông dân tại Long An, Kiên Giang và Bình Dương, hàng năm đầu tư 350 tỷ đồng cung cấp con giống, thức ăn, kỹ thuật chăn nuôi và bao tiêu sản phẩm với tổng giá trị lên đến 500 tỷ đồng/năm. Saigon Co.op triển khai 5 dự án phát triển hệ thống phân phối, liên kết sản xuất, ứng vốn và tiêu thụ sản phẩm của các địa phương khoảng 700 tỷ đồng mỗi năm…

Bên cạnh đó, hiện 3 chợ đầu mối của TPHCM tiếp nhận các mặt hàng nông sản, thực phẩm bình quân 8.000 tấn/ngày từ các địa phương trong cả nước, trong đó chủ yếu là từ các tỉnh, thành Đông - Tây Nam bộ.

TPHCM tăng cường hợp tác thương mại với 20 tỉnh, thành ảnh 1

Sản xuất ống nước tại Công ty cổ phần nhựa Bình Minh tại tỉnh Bình Dương. Ảnh: PHẠM KIM NGÂN

Liên kết phát triển hạ tầng thương mại

Cùng với việc đầu tư để phát triển sản xuất, Chương trình hợp tác giữa TPHCM và các tỉnh, thành đã tạo điều kiện thuận lợi cho DN TPHCM mở rộng thị trường bán lẻ, thúc đẩy phát triển kênh phân phối hiện đại trên địa bàn địa phương.

Tính đến thời điểm hiện nay, các DN phân phối TPHCM đã đầu tư 64 siêu thị tại các tỉnh, thành miền Đông - Tây Nam bộ. Dẫn đầu trong số này là Saigon Co.op đã phát triển 20 siêu thị tại 19/20 tỉnh, thành. Theo dự kiến, vào đầu năm 2014, Saigon Co.op sẽ khai trương siêu thị tại tỉnh Đồng Tháp để hoàn thành kế hoạch phủ kín mạng lưới siêu thị Co.opmart tại 100% số tỉnh, thành đã ký kết hợp tác thương mại với TPHCM. Việc xây dựng các siêu thị đã giúp Co.opmart giải quyết trên 3.000 lao động, hàng năm ứng vốn liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và được địa phương ứng vốn, giao trách nhiệm thực hiện bình ổn thị trường hàng năm khoảng 60 tỷ đồng.

Còn Công ty Vinatex đã đầu tư 19 siêu thị tại 14/20 tỉnh, thành. Riêng trong 8 tháng đầu năm 2013, Vinatex đã phát triển mới 2 siêu thị tại tỉnh An Giang và Bình Phước. Vinatex cũng đã được tỉnh Bình Dương, Trà Vinh giao trách nhiệm thực hiện bình ổn thị trường với tổng vốn khoảng 25 tỷ đồng/ năm… Hiện nay, với sự hỗ trợ, giới thiệu mặt bằng của các địa phương, Saigon Co.op và Vinatex đang tích cực khảo sát để chuẩn bị đầu tư, phát triển loại hình chuỗi cửa hàng tiện lợi, trước mắt là tại các tỉnh Đồng Nai, Đồng Tháp và An Giang…

Tại cuộc họp, lãnh đạo của các sở công thương xác định, trong những tháng cuối năm, nhiệm vụ trọng tâm của chương trình hợp tác, đó là tăng cường việc kết nối thông tin, đặc biệt trong lĩnh vực cung - cầu hàng hóa để ngăn ngừa, hạn chế tình trạng khan hàng, tăng giá. Tăng cường khả năng hợp tác trong hoạt động kiểm tra, kiểm soát; đảm bảo nguồn hàng hóa từ các tỉnh, thành cung ứng cho TP được kiểm soát chặt chẽ, an toàn thực phẩm, thuận lợi trên cơ sở thực hiện kiểm tra, kiểm soát và sơ chế tại nguồn… Trước mắt tập trung vào sản phẩm rau củ quả, hoa, thủy hải sản và thịt gia súc, gia cầm. Theo đó, các bên cũng tổ chức tốt Hội nghị kết nối DN sản xuất - phân phối năm 2013, dự kiến sẽ tổ chức vào trung tuần tháng 11-2013 sắp tới, tạo điều kiện tốt nhất để hỗ trợ DN từ các tỉnh, thành có điều kiện đưa hàng hóa tiếp cận với các hệ thống phân phối của TPHCM.

TƯỜNG DÂN - HẠ TẤN BÌNH

Tin cùng chuyên mục