Các chuỗi cửa hàng tiện lợi kinh doanh thực phẩm và đồ uống ngày càng được mở rộng về quy mô và phủ sóng rộng khắp, giúp các doanh nghiệp ngành này có thêm nhiều kênh phân phối, tiêu thụ hàng hóa. Bà Lý Thị Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực - thực phẩm TPHCM, cho biết các doanh nghiệp Việt Nam có thế mạnh về nguồn nguyên liệu, khẩu vị, nhu cầu của thị trường cũng như người tiêu dùng. Yếu tố này cộng với hệ thống phân phối ngày càng mở rộng đã giúp cho nhóm các doanh nghiệp trong ngành thực phẩm, đồ uống trở thành những doanh nghiệp có uy tín trong nước và xuất khẩu. Hiện các doanh nghiệp ngành thực phẩm và đồ uống thành phố định hướng tập trung phát triển đầu tư sản xuất nhiều sản phẩm có lợi cho sức khỏe, có nguồn gốc thiên nhiên và thân thiện với môi trường.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến khác của các doanh nghiệp cho biết, có đến 96%-97% doanh nghiệp trong nước là doanh nghiệp nhỏ và vừa nên vấn đề vay vốn hoạt động rất nan giải. Hơn nữa, lãi suất vay lại ở mức cao, từ 9% -10%/năm. Trong khi đó, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có thể vay vốn với lãi suất thấp (từ các ngân hàng nước ngoài), chỉ từ 1% -2%/năm. Điều này đã làm giảm đáng kể sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam. Vì vậy, cần thiết phải có sự điều tiết lãi suất vay vốn của các ngân hàng theo hướng các tổ chức tín dụng cần thực sự đồng hành với doanh nghiệp để giúp họ đứng vững và phát triển.
Mặt khác, các bộ ngành thường xuyên cung cấp thông tin về chính sách của Chính phủ, các thỏa thuận hợp tác thương mại, đầu tư với nước ngoài, dự án hỗ trợ của các tổ chức quốc tế… qua nhiều kênh để giúp doanh nghiệp bắt kịp tình hình và nâng cao năng lực, trình độ quản trị của mình, góp phần giảm thiểu tối đa những rủi ro.