(SGGPO).- Đây là đánh giá của Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong tại kỳ họp thứ 3 HĐND TPHCM khóa IX, khai mạc sáng nay 6-12.
Tham dự kỳ họp có đồng chí Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM.
Kỳ họp kéo dài 4 ngày, tập trung thảo luận, quyết định các vấn đề quan trọng. Kỳ họp tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn vào ngày làm việc thứ 3. Về công tác nhân sự, kỳ họp sẽ bầu bổ sung một số chức danh của UBND TPHCM nhiệm kỳ 2016-2021.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong phát biểu tại kỳ họp thứ 3 HĐND TPHCM khóa IX, khai mạc sáng 6-12. Ảnh: Việt Dũng
Thu ngân sách năm 2016 tăng gần 11%
Đánh giá tình hình kinh tế - xã hội TPHCM năm 2016, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong thông tin: Trong năm 2016, TPHCM thực hiện hoàn thành đạt và vượt 9/12 chỉ tiêu kế hoạch năm; 2 chỉ tiêu là cấp nước sạch và xử lý nước thải công nghiệp chưa đạt; các chỉ tiêu về xếp hạng chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số cải cách hành chính (PAR-Index) chưa được xếp hạng. Kinh tế TP tăng trưởng khá, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 8,05% so cùng kỳ 2015 (cùng kỳ tăng 7,72%) bằng 1,28 lần tốc độ tăng GDP của cả nước (cùng kỳ bằng 1,16 lần), chiếm hơn 23% GDP của cả nước (cùng kỳ là 22,8%), hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch năm và chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ TP: GRDP đạt 8% - 8,5%. Chỉ số giá tiêu dùng được kiểm soát tốt, bình quân 11 tháng tăng 1,76% so cùng kỳ (cả nước tăng 2,47%). Thu ngân sách đạt 101,85% dự toán, tăng 10,8% so cùng kỳ.
Cũng theo Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong, cải cách hành chính có chuyển biến, môi trường kinh doanh được cải thiện; sản xuất - kinh doanh tiếp tục phát triển; tổng vốn đầu tư toàn xã hội chiếm 30% GRDP; số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng nhanh cả về số lượng và tổng vốn đăng ký (có 36.000 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 12,7% so cùng kỳ, tổng vốn đăng ký và bổ sung tăng 35,8% so cùng kỳ). Các lĩnh vực văn hoá - xã hội, giáo dục - đào tạo,… có tiến bộ; an sinh xã hội được đảm bảo; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội giữ vững. Các Chương trình hành động thực hiện 7 Chương trình đột phá của TP được triển khai và đạt được một số kết quả tích cực ban đầu, làm cơ sở để đẩy mạnh việc thực hiện trong những năm tiếp theo.
Mặc dù vậy, người đứng đầu chính quyền TP thẳng thắn nhìn nhận, kinh tế TP còn khó khăn, thách thức. Môi trường kinh doanh, sức cạnh tranh của kinh tế TP chưa đạt yêu cầu. Tăng trưởng chủ yếu dựa vào đóng góp của yếu tố vốn và lao động. Ứng dụng khoa học - công nghệ chưa mang lại hiệu quả cao. Nhiều nguồn lực xã hội trên địa bàn chưa được khai thác, sử dụng vào đầu tư để đưa vào sản xuất, kinh doanh. Một số chỉ tiêu kinh tế mức tăng thấp hơn so cùng kỳ, như tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ, công nghiệp, xuất nhập khẩu. Phát triển công nghiệp hỗ trợ còn chậm. Chưa khai thác hết tiềm năng du lịch thành phố. Tiến độ triển khai một số dự án còn chậm; ùn tắc giao thông, ngập nước, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm ảnh hưởng đến đời sống người dân. Cải cách thủ tục hành chính chưa đồng bộ. Tình hình phạm pháp hình sự, trật tự an toàn xã hội và trật tự an toàn giao thông diễn biến phức tạp hơn, có mặt gia tăng.
Trong đó, Chủ tịch UBND TP đặc biệt nhấn mạnh về nguồn lực trong nhân dân (trí lực, tài lực, vật lực), của khu vực kinh tế tư nhân (trong và ngoài nước) rất lớn nhưng chưa phát huy hết. Chính quyền các cấp chưa thực sự đóng vai trò kiến tạo; một bộ phận cơ quan đơn vị, cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân, doanh nghiệp.
Phát triển du lịch thành ngành mũi nhọn
Tại kỳ họp, Chủ tịch UBND TP cũng nêu một số giải pháp phát triển kinh tế- xã hội năm 2017. Trong đó sẽ nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của kinh tế TP.
TP cũng sẽ khai thác tối đa dịch vụ cảng vận tải, hậu cần hàng hải, phát triển mạnh ngành logistics, làm tốt vai trò đầu mối trung chuyển hàng hóa cho Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đầu mối xuất nhập khẩu hàng hóa cho cả nước và quốc tế. Đề xuất cơ chế liên kết Vùng, phối hợp chặt chẽ, thống nhất trong đầu tư hạ tầng, quản lý các ngành, đào tạo nguồn nhân lực,…Tiếp tục thực hiện Chương trình bình ổn thị trường gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nhằm đảm bảo ổn định thị trường, không để tăng giá đột biến, đảm bảo các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống hàng ngày của nhân dân. Tăng cường quản lý thị trường, ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại; phấn đấu chỉ số giá tiêu dùng thấp hơn cả nước.
Đồng thời, TP cũng sẽ phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; xây dựng sản phẩm du lịch chủ lực của thành phố; nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng sản phẩm du lịch kết hợp hội nghị, sự kiện, phát triển du lịch đặc thù tại Cần Giờ, khu di tích địa đạo Củ Chi gắn với du lịch đường thủy, du lịch sinh thái, làng nông thôn mới; chú trọng tuyến du lịch đường thủy kết hợp tổ chức các sự kiện văn hóa lễ hội.
TP tiếp tục ưu tiên đầu tư phát triển 4 ngành công nghiệp trọng yếu có hàm lượng khoa học công nghệ và giá trị gia tăng cao, tạo điều kiện thúc đẩy ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; chú trọng các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, có khả năng tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Thực hiện Đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ, giảm nhập khẩu linh kiện thiết bị sản xuất, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm gia công, lắp ráp; nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm phát triển công nghiệp hỗ trợ TP, Quỹ bảo lãnh tín dụng, Quỹ phát triển khoa học công nghệ. Khuyến khích đổi mới công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và phát triển năng lượng tái tạo. Ưu tiên thu hút các dự án đầu tư sử dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường.
TP cũng quan tâm phát triển nông nghiệp đô thị hiện đại, hiệu quả, bền vững theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học, là trung tâm sản xuất giống cây trồng, giống vật nuôi có năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng cao, an toàn của khu vực. Nâng cao chất lượng các tiêu chí thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.
|
Vân Anh – Đường Loan