(SGGPO).- Sáng nay 12-2 (nhằm ngày mùng 5 tết Âm lịch), tại Khu Truyền thống cách mạng Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định, trong không khí cùng cả nước mừng Xuân Bính Thân 2016, Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM long trọng tổ chức Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt địa đạo Củ Chi và họp mặt truyền thống cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định.
Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng gặp gỡ các đại biểu dự họp mặt truyền thống cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định. Ảnh: VIỆT DŨNG
Tham dự buổi họp mặt có các đồng chí: Phan Văn Khải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng chính phủ; Nguyễn Minh Triết, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước; Lê Thanh Hải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án TAND tối cao; Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Trung tướng Trần Đơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng; Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM; Tất Thành Cang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM; Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP; Nguyễn Hoàng Năng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM; các đồng chí lãnh đạo Xứ ủy, Khu ủy qua các thời kỳ; các đồng chí lãnh đạo Trung ương, TP; các cán bộ lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam Anh hùng; đại diện các quân khu, tướng lĩnh, cán bộ, chiến sĩ...
Trước buổi họp mặt, đoàn đại biểu đã đến dâng hương tại Đền tưởng niệm Liệt sĩ Bến Dược và Đền thờ Gia Định tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, đồng chí, đồng bào đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Tại buổi họp mặt, các đại biểu đã ôn lại truyền thống đấu tranh vẻ vang của cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định. Nơi đây, Mỹ ngụy đã dùng sào huyệt của chúng đối đầu “một mất một còn” với ta, chiến trường vô cùng ác liệt; giữa chiến trường đô thị, quân dân ta đã đương đầu và thích nghi với mọi hoàn cảnh khắc nghiệt, hiểm nguy dù đối diện trước họng súng quân thù nhưng quyết “một tấc không đi, một ly không rời”. Nơi đây cũng đã sản sinh ra nhiều người con ưu tú làm nên một Củ Chi “Đất thép thành đồng”. Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định cũng là điểm quyết chiến chiến lược của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Nơi đây, quân, dân ta đã tổ chức hàng trăm trận đánh mưu trí, sáng tạo và táo bạo vào sào huyệt của địch, góp phần vào đại thắng mùa xuân 1975 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Trong 2 cuộc kháng chiến trường kỳ và ác liệt đó, hàng vạn đồng bào, chiến sĩ đã chiến đấu kiên cường và đã hi sinh anh dũng. Những chiến công vang dội và sự hi sinh to lớn đó đã góp phần quyết định vào sự thắng lợi vẻ vang của nhân dân ta, lập nên truyền thống cách mạng kiên cường, đoàn kết, năng động, sáng tạo, anh hùng của Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định, TPHCM hôm nay.
Thay mặt lãnh đạo TPHCM phát biểu tại buổi họp mặt, đồng chí Tất Thành Cang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM nhấn mạnh: “Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định – TPHCM luôn đi đầu trong những năm kháng chiến chống thực dân, đế quốc và trong thời kỳ đổi mới. Tự hào với truyền thống vẻ vang đó, hơn lúc nào hết, trong giai đoạn cách mạng mới hiện nay, TPHCM tiếp tục phấn đấu “đi trước về đích trước” trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội”.
Tại buổi lễ, các đại biểu cũng đã chứng kiến nghi thức đón Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt Địa đạo Củ Chi.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong trao bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt địa đạo Củ Chi. Ảnh: Việt Dũng
Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), các chiến sĩ cách mạng hoạt động dưới những căn hầm bí mật trong vùng địch hậu, được người dân che chở, bảo vệ. Những cán bộ này sống trong vùng địch, ban ngày ẩn mình dưới hầm bí mật, ban đêm mới lên khỏi mặt đất hoạt động. Nhưng căn hầm có nhược điểm là khi bị phát hiện, dễ dàng bị địch khống chế vây bắt hoặc tiêu diệt. Từ đó quân và dân ta nghĩ ra cách cần phải kéo dài căn hầm bí mật thành những đường hầm và trổ lên mặt đất, bằng nhiều cửa bí mật để vừa trú ẩn vừa đánh lại địch, khi cần cũng dễ thoát hiểm. Từ đó địa đạo ra đời và mang một ý nghĩa quan trọng đặc biệt đối với cán bộ, chiến sĩ và đồng bào vùng ven Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định.
Tổng kết qua 20 năm vừa chiến đấu vừa đào địa đạo (1948-1968), quân và dân Củ Chi đã đào trên 250 km đường hầm. Cùng với hệ thống Địa đạo Củ Chi, Đền tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược là một trong những biểu hiện về truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của các thế hệ con cháu TP đối với những anh hùng liệt sĩ đã hi sinh trên chiến trường Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định trong 2 cuộc kháng chiến.
Trong những năm qua, Khu Di tích lịch sử địa đạo Củ Chi luôn làm tốt công tác bảo quản, giữ gìn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử một cách có hiệu quả nhất. Hàng năm, Khu Di tích đón tiếp và phục vụ trên 1 triệu lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu về hệ thống địa đạo và viếng Đền tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược.
Hồng Hiệp