Ngày 31-10 vừa qua, Sở Công thương và các sở, ngành chức năng cùng với Hội Mỹ thuật TPHCM đã có buổi làm việc để thống nhất nội dung tổ chức cuộc thi sáng tác biểu trưng Chương trình bình ổn thị trường TPHCM (BOTT). Như vậy, sau 11 năm thực hiện, đến nay TPHCM mới tổ chức cuộc thi để tìm biểu tượng riêng cho chương trình cũng như các sản phẩm bình ổn của TP. Dưới đây, chúng tôi xin tóm lược quá trình hình thành chương trình BOTT, cũng như giới thiệu đôi nét về đề bài của cuộc thi vừa được ban tổ chức bàn thảo để bạn đọc theo dõi.
Triển khai 4 chương trình với 350 mặt hàng thiết yếu
Đặc thù TPHCM là trung tâm kinh tế, trung tâm phân phối, vừa là thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn nhất trong vùng và cả nước. TPHCM hiện không chỉ lo nguồn hàng cho 10 triệu dân, mà còn là đầu mối cung ứng một lượng hàng hóa rất lớn đi các tỉnh, thành. TP cũng là nơi chịu nhiều tác động, biến động bất thường từ thị trường. Nhận thức được trách nhiệm và vai trò, song song với việc thúc đẩy hoạt động sản xuất-kinh doanh, đầu tư để phát triển kinh tế; TP luôn quan tâm đặc biệt đến công tác chăm lo an sinh xã hội cho người dân. Một trong những công cụ để thực hiện nhằm đạt được mục tiêu này là việc ổn định giá cả, bình ổn thị trường. Do vậy, ngay từ năm 2002, TPHCM đã triển khai chương trình bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu vào các dịp trước, trong và sau tết.
Rút kinh nghiệm những năm trước đó, bước sang năm 2010, TP đã mạnh dạn xây dựng và triển khai chương trình bình ổn giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu xuyên suốt năm 2010 và Tết Nguyên đán 2011 trên địa bàn TP.
Chương trình bình ổn thị trường năm 2010 được TP xác định tập trung vào 8 nhóm mặt hàng thiết yếu, gắn liền với bữa ăn hàng ngày của người dân gồm: gạo, nếp; đường; dầu ăn; thịt gia súc; thịt gia cầm; trứng gia cầm; thực phẩm chế biến; rau củ quả. Đây là những nhóm hàng chiếm tỷ trọng khoảng 40% trong rổ hàng hóa tính CPI. Năm 2010 cũng là năm đầu tiên, TPHCM thực hiện bình ổn giá đối với mặt hàng quần áo và học cụ phục vụ cho mùa khai trường.
Năm 2011, TPHCM tiếp tục mở rộng quy mô chương trình cả về số lượng DN tham gia lẫn các nhóm hàng được đưa vào bình ổn, nâng tổng số nhóm mặt hàng bình ổn lên 9 nhóm (gồm gạo, nếp; đường; dầu ăn; thịt gia súc; thịt gia cầm; trứng gia cầm; thực phẩm chế biến; rau củ quả và thủy hải sản). Cũng trong năm này, TP đã triển khai thêm 2 chương trình bình ổn mới, đó là chương trình bình ổn giá các mặt hàng sữa bột và chương trình bình ổn mặt hàng thuốc tân dược, nâng tổng số lên 4 chương trình bình ổn thực hiện kể từ năm 2012 đến nay.
Với 4 chương trình bình ổn được triển khai song song, đồng bộ (gồm Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu; Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng phục vụ cho mùa khai trường; Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng sữa và Chương trình bình ổn thị trường thuốc tân dược thiết yếu), TPHCM đã tiến hành bình ổn khoảng 350 mặt hàng thiết yếu khác nhau.
Lấy chợ Bến Thành làm biểu tượng chính
Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu là một chủ trương đúng đắn, sáng tạo của Đảng bộ và chính quyền TP; thể hiện vai trò quản lý của nhà nước trong điều kiện nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa; vừa đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, vừa thúc đẩy sản xuất kinh doanh các mặt hàng thiết yếu; cung cấp hàng hóa có chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, dẫn dắt giá cả thị trường. Đây là một chủ trương hợp lòng dân, được sự đồng tình ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, nhất là bà con lao động nghèo, người về hưu, công nhân, nông dân, sinh viên học sinh...; được cả hệ thống chính trị từ TP đến cơ sở kiên trì tổ chức, chỉ đạo, nâng chất lượng và rút kinh nghiệm từng năm, hoàn thiện chính sách và ngày càng lan tỏa khắp các địa phương trong cả nước.
Quay trở lại với cuộc họp diễn ra ngày 31-10, các bên đã thống nhất chọn chợ Bến Thành làm biểu tượng chung cho cuộc thi. Lý giải vì sao lại là chợ Bến Thành, các thành viên trong ban tổ chức cuộc thi cho biết, TPHCM hiện có 2 biểu tượng chính đó là Bến Nhà Rồng và chợ Bến Thành. Bến Nhà Rồng thường tượng trưng cho chính trị, còn chợ Bến Thành tượng trưng cho kinh tế, thương mại của TP. Hơn nữa, việc khu trú đề bài, đặc biệt là thiết kế biểu trưng của một chương trình, mới có thể giúp các thí sinh hình dung, nắm bắt được tinh thần của cuộc thi mà không bị lạc đề.
Điều quan trọng hơn cả là bên trong hình tượng chợ Bến Thành, các thí sinh sẽ thể hiện nội dung như thế nào để làm nổi bật được ý nghĩa, mục đích của chương trình. Cũng từ biểu trưng này sẽ góp phần quảng bá, xây dựng hình ảnh, dấu hiệu nhận diện chương trình BOTT, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong nhân dân. Qua đó, hạn chế các hành vi lợi dụng tên gọi, thương hiệu của chương trình để gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng, ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của chương trình.
Đối tượng dự thi được xác định là các hoạ sĩ chuyên nghiệp và không chuyên, sinh viên của các trường đại học, cao đẳng... là công dân Việt Nam đều có thể tham gia. Số lượng tác phẩm dự thi không giới hạn. Giải nhất cuộc thi dự kiến là 60 triệu đồng. Trong những số báo tiếp theo, chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật thông tin cụ thể về cuộc thi, thể lệ cũng như thời gian chấm và trao giải cuộc thi.
TƯỜNG DÂN