TPHCM tổ chức lại 13 cơ sở cai nghiện ma túy

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu vừa thông qua Đề án tổ chức lại các trung tâm chữa bệnh – giáo dục – lao động xã hội và cơ sở xã hội trên địa bàn TPHCM đến năm 2020.
TPHCM tổ chức lại 13 cơ sở cai nghiện ma túy

(SGGPO).- Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu vừa thông qua Đề án tổ chức lại các trung tâm chữa bệnh – giáo dục – lao động xã hội và cơ sở xã hội trên địa bàn TPHCM đến năm 2020.

Học viên cai nghiện ma túy học nghề, học chữ tại Trung tâm Chữa bệnh Đức Hạnh (Bình Phước) . Ảnh: ĐƯỜNG LOAN

Hiện nay, các cơ sở đang chăm sóc, quản lý hơn 11.000 người nghiện ma túy bắt buộc. Trong 3 năm 2017, 2018 và 2019, TPHCM tổ chức lại các trung tâm chữa bệnh – giáo dục – lao động xã hội và các cơ sở xã hội thành cơ sở điều trị nghiện ma túy tự nguyện, cơ sở xã hội, cơ sở điều trị nghiện ma túy đa chức năng, cơ sở điều trị nghiện ma túy bắt buộc.

Việc tổ chức lại nhằm hình thành mạng lưới các cơ sở điều trị nghiện có đủ năng lực, đáp ứng nhu cầu đa dạng về dịch vụ điều trị nghiện; tăng số lượng các cơ sở cai nghiện có chức năng điều trị nghiện tự nguyện.

Số lượng 13 cơ sở được giữ nguyên, không thành lập mới. Việc tổ chức lại các cơ sở điều trị nghiện ma túy dựa trên điều kiện cơ sở vật chất và nguồn lực sẵn có. Trong đó, chuyển đổi Trung tâm tư vấn và cai nghiện ma túy thành Cơ sở điều trị nghiện ma túy tự nguyện. Cơ sở xã hội Bình Triệu thành Cơ sở điều trị nghiện ma túy đa chức năng (điều trị nghiện ma túy tự nguyện và trung chuyển) để thực hiện điều trị cho người nghiện ma túy tự nguyện. Đồng thời tiếp nhận ban đầu để điều trị, cắt cơn, giải độc, tư vấn tâm lý và chăm sóc phục hồi sức khỏe cho người nghiện có nơi cư trú ổn định, có quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Tổ chức lại và bổ sung chức năng, nhiệm vụ 6 trung tâm, gồm: Trường giáo dục đào tạo và giải quyết việc làm số 2, Trường giáo dục đào tạo và giải quyết việc làm số 3, Trung tâm Giáo dục – Lao động – Bảo trợ xã hội Phú Văn, Trung tâm Giáo dục – Lao động xã hội Phú Nghĩa, Trung tâm Giáo dục – Lao động xã hội Phước Bình và Trung tâm Chữa bệnh Đức Hạnh thành Cơ sở điều trị nghiện ma túy đa chức năng để tiếp nhận, điều trị người nghiện ma túy tự nguyện, bắt buộc.

Tổ chức lại 3 trung tâm: Trung tâm Giáo dục – Lao động – Xã hội Phú Đức, Trung tâm Cai nghiện ma túy Bố Lá, Trường giáo dục đào tạo và giải quyết việc làm số 1 thành Cơ sở điều trị nghiện ma túy bắt buộc.

Giữ nguyên tên gọi, chức năng, nhiệm vụ hiện có của Cơ sở xã hội Nhị Xuân và Cơ sở xã hội Thanh thiếu niên 2.

 Giúp bạn đọc hiểu thêm về hệ thống các cơ sở cai nghiện của TPHCM, Báo SGGP xin giới thiệu cụ thể như sau:

1- Cơ sở điều trị nghiện ma túy Thủ Đức (Cơ sở điều trị nghiện ma túy tự nguyện; tên hiện nay là Trung tâm Tư vấn và Cai nghiện ma túy, tại TPHCM).

Cơ sở điều trị nghiện ma túy tự nguyện, tiếp nhận người nghiện ma túy tự nguyện hoặc người nghiện ma túy do cơ quan, tổ chức, gia đình người nghiện giới thiệu đến.

Quy mô quản lý khoảng 300 bệnh nhân nội trú/năm và 250-600 bệnh nhân ngoại trú, bán trú/năm

2- Cơ sở điều trị nghiện ma túy Bình Triệu (Cơ sở điều trị nghiện ma túy đa chức năng; tên hiện nay là Cơ sở xã hội Bình Triệu, tại TPHCM).

Tiếp nhận ban đầu để điều trị, cắt cơn, giải độc, tư vấn tâm lý và chăm sóc phục hồi sức khỏe cho người nghiện có nơi cư trú ổn định, có quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Quy mô 500 người.

3- Cơ sở điều trị nghiện ma túy Phú Nghĩa (cơ sở điều trị nghiện đa chức năng; tên hiện nay là Trung tâm Giáo dục – Lao động xã hội Phú Nghĩa; đặt tại huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước).

Tiếp nhận khoảng 1.000- 2.000 người cai nghiện là nữ giới, thuộc diện tự nguyện và bắt buộc

4- Cơ sở điều trị nghiện ma túy Phước Bình (đa chức năng; tên hiện nay là Trung tâm Giáo dục – Lao động xã hội Phước Bình; đặt tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai).

Tiếp nhận khoảng 500-800 người cai nghiện là nam giới, thuộc diện tự nguyện và bắt buộc.

5- Cơ sở điều trị nghiện ma túy số 2 (đa chức năng; tên hiện nay là Trường Giáo dục đào tạo và Giải quyết việc làm số 2, đặt tại huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng).

Tiếp nhận khoảng 1.000-2.000 người cai nghiện là nam giới, thuộc diện tự nguyện và bắt buộc

6- Cơ sở điều trị nghiện ma túy Đức Hạnh (đa chức năng; tên hiện nay là Trung tâm Chữa bệnh Đức Hạnh; tại huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước).

Tiếp nhận khoảng 1.000-2.000 người cai nghiện là nam giới, thuộc diện tự nguyện và bắt buộc.

7- Cơ sở điều trị nghiện ma túy – Bảo trợ xã hội Phú Văn (đa chức năng; tên hiện nay là Trung tâm Giáo dục – Lao động – Bảo trợ xã hội Phú Văn; tại huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước).

Tiếp nhận 1.000-2.000 người cai nghiện tự nguyện, bắt buộc, người nghiện ma túy thuộc diện bảo trợ xã hội.

8- Cơ sở điều trị nghiện ma túy số 3 (đa chức năng, tên hiện nay Trường Giáo dục đào tạo và Giải quyết việc làm số 3, tại huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương).

Tiếp nhận 1.000-2.000 người cai nghiện tự nguyện, bắt buộc.

9- Cơ sở điều trị nghiện ma túy Phú Đức (cơ sở điều trị nghiện ma túy bắt buộc; tên hiện nay Trung tâm Giáo dục – Lao động xã hội Phú Đức; tại huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước).

Tiếp nhận từ 800-1.500 người cai nghiện bắt buộc.

10- Cơ sở điều trị nghiện Bố Lá (bắt buộc; tên hiện nay Trung tâm Cai nghiện ma túy Bố Lá; tại huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương).

Tiếp nhận từ 600-800 người nghiện ma túy có quyết định đưa đi cai nghiện bắt buộc thuộc đối tượng có tiền án về các tội phạm nghiêm trọng trở lên, người nghiện ma túy thường xuyên gây rối trật tự công cộng tại địa phương, người đang cai nghiện và vi phạm kỷ luật nghiêm trọng tại các cơ sở điều trị nghiện.

11- Cơ sở điều trị nghiện ma túy số 1 (bắt buộc; tên hiện nay Trường Giáo dục đào tạo và giải quyết việc làm số 1; tại huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông).
 
Quy mô tiếp nhận 1.000-2.000 người cai nghiện bắt buộc.

12 và 13 - Cơ sở xã hội Nhị Xuân và Cơ sở xã hội Thanh Thiếu Niên 2 (TPHCM).
Giữ nguyên tên gọi, chức năng, nhiệm vụ hiện có – làm nhiệm vụ tiếp nhận cắt cơn, giải độc, tư vấn tâm lý và chăm sóc sức khỏe cho người nghiện ma túy trong thời gian chờ tòa án xem xét quyết định áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc; cai nghiện ma túy tự nguyện.

ĐƯỜNG LOAN


ĐƯỜNG LOAN

Tin cùng chuyên mục