TPHCM: Ưu tiên phát triển sản phẩm Vietgap

Những năm gần đây, nhận thức của người tiêu dùng về vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) đã có nhiều thay đổi theo chiều hướng tích cực. Thói quen của đa số người tiêu dùng, đặc biệt là người dân ở các TP lớn đã hình thành sự thận trọng trong mua sắm, lựa chọn hàng hóa, ưu tiên quan tâm đến nguồn gốc, xuất xứ, tiêu chuẩn chất lượng.
TPHCM: Ưu tiên phát triển sản phẩm Vietgap

Những năm gần đây, nhận thức của người tiêu dùng về vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) đã có nhiều thay đổi theo chiều hướng tích cực. Thói quen của đa số người tiêu dùng, đặc biệt là người dân ở các TP lớn đã hình thành sự thận trọng trong mua sắm, lựa chọn hàng hóa, ưu tiên quan tâm đến nguồn gốc, xuất xứ, tiêu chuẩn chất lượng.

Bên cạnh đó, đối với các sản phẩm nông sản, thực phẩm xuất khẩu, qua thời gian phát triển nhanh chóng, với tốc độ cao đã bắt đầu gặp nhiều khó khăn, trở ngại do phải đối mặt với những quy định gắt gao về kiểm định chất lượng của các thị trường xuất khẩu nên buộc các nhà sản xuất phải thực hiện nghiêm túc hơn các quy định về ATTP.

Chế biến rau VietGAP cung ứng chương trình bình ổn thị trường tại HTX Phước An. Ảnh: CAO THĂNG

Nhu cầu sử dụng hàng VietGAP ngày càng cao

Để đáp ứng nhu cầu sử dụng thực phẩm an toàn của thị trường trong nước và đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu cho hàng nông sản trong nước, từ năm 2008, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành và khuyến khích nông dân, các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) đầu tư phát triển sản xuất sản phẩm nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam).

Tại TPHCM, xu hướng đầu tư, tổ chức sản xuất sản phẩm VietGAP được bà con nông dân, các DN và HTX nông nghiệp tích cực hưởng ứng và triển khai thực hiện. Nhiều đơn vị sản xuất đã mạnh dạn chuyển hướng đầu tư quy trình VietGAP để sản xuất nhiều loại sản phẩm từ các mặt hàng rau củ quả đến sản phẩm thịt gia súc, gia cầm để đón đầu xu thế mới. Sản xuất sản phẩm nông nghiệp đạt chuẩn VietGAP đòi hỏi quy trình quản lý, kiểm tra, theo dõi nghiêm ngặt để đảm bảo an toàn nên cần có sự đầu tư kỹ lưỡng cho cả quy trình sản xuất và đòi hỏi chi phí sản xuất cao hơn so với sản xuất sản phẩm nông nghiệp thông thường, dẫn đến giá bán của sản phẩm VietGAP luôn cao hơn các mặt hàng cùng loại.

Nhưng do thói quen mua sắm của người tiêu dùng ở một số kênh phân phối do việc quản lý và truy xuất nguồn gốc hàng hóa chưa được chặt chẽ, kể cả việc lập lờ trong bán hàng đã làm cho người tiêu dùng nghi ngại, không yên tâm lựa chọn, mua sắm từ đó dẫn tới việc các sản phẩm VietGAP có giá cao khó cạnh tranh với các sản phẩm thông thường. Nhiều sản phẩm VietGAP thời gian qua phải được nhà cung cấp phân phối với giá bán tương đương với giá bán của sản phẩm không đạt chuẩn VietGAP nên không khuyến khích được nhà sản xuất duy trì và phát triển sản xuất sản phẩm này.

Trước tình hình trên, từ cuối năm 2013, lãnh đạo TPHCM đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Sở Công thương triển khai tổ chức Hội nghị kết nối sản xuất và tiêu thụ hàng nông sản trên địa bàn TP nhằm thực hiện việc hỗ trợ đầu ra cho các sản phẩm sạch, an toàn và sản phẩm VietGAP. Tại hội nghị này, các hệ thống phân phối, đặc biệt là hệ thống phân phối hiện đại là các chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện lợi lớn như Saigon Co.op, Satra, Vissan, các chợ đầu mối… đã ký kết 48 hợp đồng ghi nhớ với 21 DN, HTX, cơ sở sản xuất nông sản của TP được chứng nhận VietGAP nhằm thực hiện việc hợp tác sản xuất và tiêu thụ 11 loại sản phẩm rau, nấm ăn, thịt heo, thịt gia cầm, trứng gia cầm, tôm và khô cá các loại.

Gắn kết DN với nhà phân phối

Song song đó, nhiều chương trình khác hỗ trợ sản xuất, phát triển thị trường cũng được TP triển khai đồng bộ nhằm kết hợp và phát huy cao độ hiệu quả chung của các chương trình. Chương trình Bình ổn thị trường ưu tiên sản xuất, phân phối các sản phẩm có chất lượng cao, đạt chuẩn VietGAP và nhiều tiêu chuẩn xuất khẩu khác, cùng với sự có mặt của logo chương trình, các quy định về tổ chức khu vực bán hàng bình ổn thị trường riêng biệt tại các siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi… đã giúp cho người tiêu dùng dễ dàng phân biệt và lựa chọn  mua sắm sản phẩm VietGAP, giúp hỗ trợ phát triển đầu ra cho các sản phẩm này.

 

Theo Sở Công thương, mỗi năm, tổng sản lượng hàng VietGAP được tiêu thụ tại các kênh phân phối của TP ước đạt khoảng 16.800 tấn rau, 30 tấn nấm, 24 tấn tôm, 1.080 tấn thịt gia cầm, 8.400.000 quả trứng gia cầm… Trong số các đơn vị sản xuất tham gia ký kết hợp đồng, nhiều đơn vị là DN Bình ổn thị trường như Công ty Phạm Tôn, San Hà, Ba Huân, HTX Phước An, HTX Phú Lộc… có uy tín và thế mạnh trong sản xuất sản phẩm VietGAP giúp chương trình kết nối được thực hiện hiệu quả, đảm bảo cho sự thành công.

 

Từ thành công bước đầu trong thực hiện các chương trình hợp tác thương mại, kết nối cung cầu và bình ổn thị trường, đến cuối năm 2014, thông qua kết nối, các DN đã triển khai được nhiều hợp đồng kinh tế. Trong đó, ngoài các hệ thống phân phối trong nước, đã có thêm nhiều nhà phân phối có vốn đầu tư nước ngoài như Metro, Lotte, BigC, Aeon Mall… tích cực tham gia ký kết, nhận tiêu thụ hàng hóa của các đơn vị sản xuất một cách thường xuyên, liên tục và với số lượng ngày một tăng lên. Ngược lại, thông qua triển khai thực hiện hoạt động kết nối, sản phẩm của DN được tiêu thụ mạnh hơn, thị trường được phát triển vững chắc hơn, từ đó Chương trình Bình ổn thị trường triển khai thực hiện ngày càng hiệu quả, có sức lan tỏa hơn.

Có thể nói, hội nghị kết nối sản xuất và tiêu thụ hàng nông sản trên địa bàn TP với ưu tiên là kết nối tiêu thụ sản phẩm VietGAP đã tạo điều kiện tốt trong việc gắn kết các đơn vị sản xuất với nhà phân phối. Hợp đồng ký kết là cơ sở pháp lý cho DN yên tâm, mạnh dạn đầu tư, mở rộng sản xuất, từng bước đa dạng hóa chủng loại hàng hóa sản xuất theo hướng VietGAP.

Các DN phân phối giảm được chi phí tìm kiếm nguồn cung, giảm thiểu chi phí vận chuyển so với việc thu mua, vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh, địa phương xa từ đó giảm giá bán, ổn định nguồn cung. Hoạt động kết nối không chỉ đem lại lợi ích cho 2 bên sản xuất và phân phối mà còn đem lại lợi ích cho bên thứ 3 là người tiêu dùng, với nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chất lượng tốt, đảm bảo an toàn thực phẩm… Phát huy hiệu quả của chương trình kết nối, TPHCM xác định sẽ tiếp tục triển khai, tổ chức các hoạt động kết nối, đi vào chiều sâu, ưu tiên hướng đến hiệu quả thông qua các hoạt động tổ chức tham quan, khảo sát, nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm với các địa phương trong cả nước. Ở khâu phân phối, hoạt động kết nối không chỉ nhắm đến các hệ thống phân phối hiện đại là các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi mà còn cần đa dạng hóa, mở rộng đến nhiều đối tượng khác như các bếp ăn tập thể trong trường học, bệnh viện, bếp ăn công nghiệp tại các khu chế xuất - khu công nghiệp và các nhà hàng, khách sạn… Tăng cường thực hiện các hoạt động nghiên cứu, khảo sát nhu cầu thị trường để tập trung sản xuất các sản phẩm thị trường cần, có nhu cầu cao; Nghiên cứu, mạnh dạn đề xuất các chính sách ưu tiên, khuyến khích phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm VietGAP; Triển khai các ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp, hạn chế sử dụng hóa chất trong quá trình sản xuất; Tổ chức đào tạo, nâng cao năng lực, trình độ cán bộ quản lý và người sản xuất, kiến thức và kỹ năng kinh doanh, tiếp thị, xây dựng thương hiệu… Bên cạnh đó, nhiều cơ quan chức năng của TP sẽ vào cuộc để kết hợp trong triển khai đồng bộ các giải pháp đề ra nhằm thực hiện thành công các chủ trương lớn của TP về phát triển nông nghiệp, chăm lo sức khỏe người dân, thông qua việc ưu tiên phát triển các sản phẩm an toàn.

NGUYỄN NGUYÊN PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục