TPHCM và 20 tỉnh, thành Đông và Tây Nam bộ tăng cường liên kết, ổn định thị trường

Năm 2014 là năm thứ 3, TPHCM triển khai Chương trình Hợp tác thương mại với 20 tỉnh, thành Đông và Tây Nam bộ. Đây là một trong những giải pháp đột phá của lãnh đạo TP nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN), tạo cung - cầu cho hàng hóa nông sản thực phẩm thiết yếu, qua đó hỗ trợ DN ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh, tạo và giữ việc làm cho người lao động.
TPHCM và 20 tỉnh, thành Đông và Tây Nam bộ tăng cường liên kết, ổn định thị trường

Năm 2014 là năm thứ 3, TPHCM triển khai Chương trình Hợp tác thương mại với 20 tỉnh, thành Đông và Tây Nam bộ. Đây là một trong những giải pháp đột phá của lãnh đạo TP nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN), tạo cung - cầu cho hàng hóa nông sản thực phẩm thiết yếu, qua đó hỗ trợ DN ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh, tạo và giữ việc làm cho người lao động.

Thực hiện nhiều hợp đồng giao dịch hàng hóa

Tháng 12-2011, dưới sự chỉ đạo của UBND TPHCM, Sở Công thương TPHCM đã ký thỏa thuận Chương trình Hợp tác thương mại với Sở Công thương 7 tỉnh miền Đông và 13 tỉnh, thành miền Tây Nam bộ. Nội dung chính của bản ký kết tại thời điểm đó chỉ dừng ở một số mục tiêu, như: thường xuyên trao đổi thông tin về tình hình cung cầu hàng hóa, giá cả thị trường, nguồn cung ứng các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, kinh nghiệm quản lý nhà nước trong lĩnh vực thương mại, quy hoạch phát triển hệ thống phân phối, công tác xúc tiến thương mại, cải cách hành chính. Trên thực tế, năm 2012 là năm đầu tiên TPHCM triển khai thực hiện chương trình này nhưng DN TPHCM đã ký 148 hợp đồng thương mại với DN các tỉnh, thành; đến năm 2013 số hợp đồng ký kết đã tăng nhanh chóng lên 425 hợp đồng với tổng giá trị giao dịch tương ứng hơn 9.000 tỷ đồng/năm.

Sản xuất thuốc phục vụ bình ổn thị trường TPHCM ở Công ty TNHH MTV Dược Sài Gòn đặt nhà máy sản xuất tại Bình Dương. Ảnh: CAO THĂNG

Trong quá trình thực hiện, chương trình không chỉ đóng khung với các nội dung nêu trên, mà còn vượt khá xa so với dự tính ban đầu. Nhiều điểm mới, cách làm mới đã mở ra, trong đó nổi bật nhất là Chương trình kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TPHCM với các tỉnh, thành. Từ chương trình này, TPHCM đã mở ra không gian mua bán hàng hóa giữa các DN với DN, giữa DN với người tiêu dùng, giữa DN sản xuất với các DN xuất nhập khẩu trong và ngoài nước.

Bên cạnh chương trình kết nối chung, TPHCM còn thực hiện hàng loạt hội nghị kết nối riêng với từng tỉnh, thành. Đây là hoạt động cần thiết để lãnh đạo và DN 2 bên cùng bàn bạc, trao đổi và giải quyết thấu đáo những khó khăn, tồn tại, để chương trình hợp tác thương mại đạt hiệu quả cao nhất. Tại mỗi hội nghị, hàng chục hợp đồng nguyên tắc về cung ứng hàng hóa và đầu tư phát triển vùng nguyên liệu cũng đã được ký kết, mang lại lợi ích cao nhất cho DN các bên. Điển hình như tại Hội nghị kết nối DN TPHCM và tỉnh An Giang vừa tổ chức tại An Giang, đã có 59 hợp đồng nguyên tắc được thực hiện, trong đó nhiều DN sản xuất của TPHCM đã ký được hợp đồng để đưa hàng hóa vào siêu thị Tứ Sơn (An Giang). Ngược lại, nhiều mặt hàng và sản phẩm đặc trưng của An Giang như gạo, thủy hải sản, đường thốt nốt, khô cá lóc, khô cá sặc… đã tiếp cận các hệ thống phân phối lớn của TPHCM. Chương trình hợp tác thương mại không chỉ dừng lại ở hoạt động giao thương, hiện An Giang đã có 1 DN là Công ty TNHH Lương thực Thủy sản XNK Tấn Vương đang tham gia thực hiện Chương trình Bình ổn thị trường mặt hàng gạo của TPHCM. Các DN của TP như Saigon Co.op, Vinatex, Fahasa… cũng tham gia phát triển mạng lưới phân phối hiện đại tại An Giang và tích cực góp phần ổn định thị trường tại địa phương.

Tổ chức đầu tư, phát triển mạng lưới phân phối

Qua chương trình hợp tác thương mại, các địa phương đã tạo điều kiện thuận lợi cho DN TP phát triển hệ thống phân phối, mở rộng thị trường bán lẻ, thúc đẩy phát triển kênh phân phối hiện đại. Tính đến nay, các DN đã đầu tư 1 trung tâm thương mại, hơn 90 siêu thị tổng hợp, chuyên ngành, 55 nhà sách, cửa hàng giới thiệu sản phẩm. Việc mở các điểm bán mới cũng gắn với việc thu mua, tiêu thụ sản phẩm, giải quyết lao động và thực hiện nhiệm vụ bình ổn thị trường tại địa phương. Có gần 20 DN trong Chương trình Bình ổn thị trường đã phát triển mạng lưới đại lý, nhà phân phối tại khắp các tỉnh, thành Đông và Tây Nam bộ, như: Vinamilk, Nutifood, Vissan, Cầu Tre, Vifon, Fahasa, Minh Tiến, Trương Vui, Hương Mi…

Bà Nguyễn Thị Hạnh, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, nhìn nhận, từ Chương trình hợp tác thương mại giữa TPHCM với các tỉnh, thành phía Nam, Saigon Co.op đã chủ động kết nối vùng nguyên liệu của các tỉnh, thành trên cả nước với thị trường tiêu thụ của TPHCM, mang đến lợi ích kép, đảm bảo đầu ra cho nông sản và nguồn hàng cung ứng đến người tiêu dùng. Đến nay, Saigon Co.op đã hợp tác sản xuất hàng nhãn riêng với hơn 100 nhà cung cấp tại các tỉnh, thành Đông - Tây Nam bộ, doanh số đạt 925,43 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 4.000 lao động, thực hiện bình ổn thị trường các tỉnh, thành 80 tỷ đồng/năm.

Cùng với các dự án phát triển mạng lưới phân phối, các DN TPHCM cũng đẩy mạnh việc đầu tư trực tiếp hoặc liên kết đầu tư các dự án sản xuất, chăn nuôi. Điển hình như Công ty Vissan liên kết với các trang trại chăn nuôi địa phương tiêu thụ 30.807 tấn heo hơi, 1.241 tấn bò hơi, tổng giá trị đạt 1.040 tỷ đồng; cung ứng 10.773 tấn thực phẩm chế biến với doanh số 969,9 tỷ đồng/năm. Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn cung cấp 53.928 con heo hậu bị, heo con giống đến các trang trại chăn nuôi tại 23 tỉnh, thành trên cả nước. Công ty Vinamilk đưa vào hoạt động 2 nhà máy sản xuất sữa hiện đại tại Bình Dương với tổng vốn đầu tư 4.600 tỷ đồng. Công ty TNHH Phạm Tôn liên kết chăn nuôi, bao tiêu sản phẩm với tổng đàn gà 600.000 con, dự kiến phát triển đàn lên 1.000.000 con trong năm 2014. Công ty TNHH Ba Huân hoàn thành 2/3 tiến độ thực hiện dự án cụm trang trại chăn nuôi gia cầm đẻ trứng tại Bình Dương, rộng 18ha, chăn nuôi theo công nghệ cao, tự động thu hoạch trứng, rải cám, vệ sinh… với tổng vốn đầu tư 196 tỷ đồng…

Nếu chỉ tính riêng các DN trong Chương trình Bình ổn thị trường TP, hiện có gần 30 DN đầu tư 38 nhà máy, cơ sở sản xuất; 54 trang trại, cụm trang trại nuôi trồng; 53 siêu thị, trung tâm thương mại, 55 cửa hàng chuyên doanh tại các tỉnh, thành Đông - Tây Nam bộ với tổng vốn trên 14.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, hiện 3 chợ đầu mối của TP tiếp nhận bình quân 8.000 tấn/ngày các mặt hàng nông sản, thực phẩm từ các địa phương, chủ yếu là các tỉnh, thành Đông - Tây Nam bộ.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng cho biết, để Chương trình hợp tác thương mại đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững, TPHCM và các tỉnh, thành miền Đông - Tây Nam bộ cần tập trung khai thác hết thế mạnh của mỗi địa phương, đẩy mạnh công tác trao đổi kinh nghiệm, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao năng lực quản lý của đội ngũ cán bộ quản lý ngành thương mại và ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Đẩy mạnh công tác kết nối cung - cầu hàng hóa, hỗ trợ, khuyến khích các DN TP thực hiện ứng vốn, cung cấp giống cây, giống con, thức ăn chăn nuôi, hỗ trợ về nhân lực, kỹ thuật… cho các DN, hợp tác xã, hộ nông dân các tỉnh, thành để sản xuất, bao tiêu sản phẩm.

Nhằm tháo gỡ khó khăn về vốn, TPHCM tiếp tục thực hiện công tác kết nối các ngân hàng của TPHCM với DN các tỉnh, thành, trong đó trọng tâm là triển khai kết nối 3 bên: Ngân hàng - DN bình ổn thị trường - chuỗi cung ứng bình ổn thị trường (là DN, hợp tác xã, hộ nuôi trồng…) tại các địa phương. Cách làm này sẽ hỗ trợ các DN có tiềm năng, thế mạnh trong đầu tư, phát triển sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, hướng đến phát triển bền vững.

THÚY HẢI

Tin cùng chuyên mục