Thực hiện Chương trình Hợp tác thương mại giữa TPHCM với 20 tỉnh, thành Đông và Tây Nam bộ do các sở công thương ký kết từ tháng 12-2011, đến nay chương trình đã bắt đầu đi vào chiều sâu, mang lại hiệu quả thiết thực cho các doanh nghiệp (DN).
Đầu tư phát triển sản xuất
Tiếp nối kết quả thực hiện trong năm đầu tiên, năm 2013, Sở Công thương TPHCM và các tỉnh, thành tiếp tục rà soát, lựa chọn DN để giới thiệu, kết nối hợp tác đầu tư sản xuất kinh doanh, trong đó TPHCM xác định, đội ngũ DN tham gia chương trình bình ổn thị trường sẽ là lực lượng chủ lực thực hiện việc mở rộng liên kết đầu tư sản xuất, phát triển mạng lưới thu mua, tiêu thụ sản phẩm tại các tỉnh, thành, hình thành chuỗi liên kết, chuỗi giá trị sản xuất - phân phối.
Tính đến nay, theo số liệu tổng hợp của Sở Công thương, hầu hết các DN của TPHCM đều đã triển khai khá tốt các dự án đầu tư tại nhiều tỉnh, thành.
Cụ thể, Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn hiện đã triển khai 7 dự án tại Đồng Nai, Bình Dương, Lâm Đồng, Long An, Tiền Giang, An Giang tập trung phát triển chuỗi sản xuất, cung ứng thực phẩm an toàn, phát triển nguồn nguyên liệu… Công ty Vissan hiện triển khai 5 dự án chăn nuôi và liên kết chăn nuôi tại Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, An Giang, Long An… với tổng vốn đầu tư khoảng 600 tỷ đồng và tiêu thụ sản phẩm gần 2.400 tỷ đồng/năm. Tổng Công ty Nông nghiệp cung ứng con giống cho 13 tỉnh, thành miền Tây và một số tỉnh miền Đông, đầu tư xây dựng và hiện đang xây dựng nhà máy chế biến xuất khẩu tại Long An, tổng vốn đầu tư 192 tỷ đồng. Công ty Ba Huân triển khai 3 dự án liên kết với nông dân tại Long An, Kiên Giang và Bình Dương theo phương thức: Công ty đầu tư mỗi năm gần 350 tỷ đồng cung cấp con giống, thức ăn, kỹ thuật chăn nuôi và bao tiêu số lượng sản phẩm với tổng giá trị lên đến 500 tỷ đồng/năm.
Liên hiệp HTX thương mại TPHCM Saigon Co.op đang triển khai 5 dự án phát triển hệ thống phân phối, liên kết sản xuất, ứng vốn khoảng 900 tỷ đồng và tiêu thụ sản phẩm của các địa phương khoảng 700 tỷ đồng mỗi năm…
Bên cạnh đó, hiện nay 3 chợ đầu mối của TP tiếp nhận bình quân 8.000 tấn/ngày các mặt hàng nông sản, thực phẩm từ các địa phương, chủ yếu là các tỉnh, thành Đông - Tây Nam bộ.
Liên kết phát triển hạ tầng thương mại
Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng, việc triển khai thực hiện Chương trình hợp tác thương mại không chỉ tạo điều kiện cho DN TPHCM tăng cường đầu tư, phát triển sản xuất tạo nguồn hàng cung ứng cho thị trường TP, mà chương trình, các địa phương đã tạo điều kiện thuận lợi cho DN TPHCM phát triển hệ thống phân phối, mở rộng thị trường bán lẻ, thúc đẩy phát triển kênh phân phối hiện đại.
Nắm bắt được lợi thế này, trong 2 năm gần đây, các DN phân phối của TP đã đầu tư 64 siêu thị tổng hợp, siêu thị sách và siêu thị điện máy tại các tỉnh miền Đông và Tây Nam bộ. Trong số đó, có 33 siêu thị tại Tây Nam bộ và 31 siêu thị tại Đông Nam bộ. Cụ thể, Saigon Co.op đã phát triển 20 siêu thị tại 19/20 tỉnh, thành Đông - Tây (hiện còn tỉnh Đồng Tháp đang xây dựng), giải quyết trên 3.000 lao động cho các địa phương, hàng năm ứng vốn liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và được địa phương ứng vốn thực hiện bình ổn thị trường hàng năm khoảng 60 tỷ đồng. Theo dự kiến, đầu năm 2014, Saigon Co.op sẽ khai trương, đưa vào hoạt động Co.opmart Đồng Tháp cũng đồng nghĩa DN này đã phủ kín hệ thống siêu thị tại 100% số tỉnh, thành đã ký kết hợp tác thương mại với TPHCM, thậm chí tại nhiều tỉnh đã có tới 2 siêu thị Co.opmart.
Cùng với Saigion Co.op, Công ty Vinatex đã đầu tư 19 siêu thị tại 14/20 tỉnh, thành. 11 tháng đầu năm 2013, Vinatex đã phát triển mới 2 siêu thị tại tỉnh An Giang và Bình Phước. Hiện Vinatex cũng được 2 tỉnh Bình Dương và Trà Vinh giao trách nhiệm thực hiện bình ổn thị trường với tổng vốn khoảng 25 tỷ đồng/năm, đồng thời đầu năm 2014 Vinatex sẽ tiếp tục đưa vào hoạt động một số siêu thị mới tại các tỉnh, thành…
Việc phát triển mạng lưới phân phối tại các tỉnh, thành trong thời gian qua đã giúp gắn kết và tạo điều kiện nâng cao hiệu quả hợp tác ngày càng thiết thực giữa DN TPHCM và các tỉnh, thành. Với cách làm này, DN sẽ có điều kiện tham gia phát triển mạng lưới gắn với thu mua, tiêu thụ sản phẩm, giải quyết lao động và thực hiện nhiệm vụ bình ổn thị trường tại địa phương.
Để có được những kết quả nêu trên, bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho rằng, Chương trình Hợp tác thương mại nhận được sự quan tâm và chỉ đạo kịp thời của lãnh đạo Thành ủy, Tỉnh ủy, UBND các tỉnh, thành và các sở ngành có liên quan của từng địa phương triển khai thực hiện, thúc đẩy phát triển quan hệ hợp tác, liên doanh liên kết.
Chương trình Hợp tác thương mại giữa TPHCM và các tỉnh, thành Đông và Tây Nam bộ đã nhận được sự đồng thuận, thống nhất cao, tạo sự gắn kết chặt chẽ, tạo điều kiện kết nối DN TPHCM với DN các tỉnh, thành đầu tư hợp tác hai chiều giúp mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, đồng thời đảm bảo công tác tạo nguồn và cung ứng hàng hóa trên địa bàn TP.
Về định hướng thực hiện chương trình từ nay đến Tết Nguyên đán 2014, bà Lê Ngọc Đào cho biết, Sở Công thương TPHCM và các tỉnh, thành Đông và Tây Nam bộ tiếp tục thường xuyên trao đổi thông tin, kinh nghiệm quản lý nhà nước trong lĩnh vực thương mại, quy hoạch phát triển hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, công tác xúc tiến thương mại, cải cách hành chính.
Đặc biệt để đảm bảo cung - cầu hàng hóa cho thị trường TP, các bên sẽ tăng cường khả năng hợp tác trong hoạt động kiểm tra, kiểm soát; đảm bảo nguồn hàng hóa từ các tỉnh, thành cung ứng cho TP, tập trung kiểm tra an toàn thực phẩm, kiểm soát, sơ chế tại nguồn… Trước mắt tập trung vào sản phẩm rau củ quả, hoa, thủy hải sản và thịt gia súc, gia cầm. Tăng cường phối hợp giữa các bên để mời gọi DN của TP tham gia các hoạt động hội chợ, phiên chợ hàng Việt, giới thiệu hàng hóa… tại các tỉnh, thành và ngược lại nhằm thực hiện tốt cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
TƯỜNG DÂN - MINH HÙNG