Vừa qua, tỉnh Bến Tre đã đăng cai tổ chức buổi sơ kết công tác bình ổn thị trường năm 2014 của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và TPHCM, đồng thời bàn phương hướng hoạt động năm 2015. Tại đây, các bên đã ký kết biên bản thỏa thuận kết nối cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường giữa các tỉnh, thành năm 2015.
Đây là một trong những hoạt động quan trọng nhằm cụ thể hóa các nội dung trong chương trình hợp tác thương mại giữa TPHCM và các tỉnh, thành hướng đến một khu vực có đầy đủ nguồn cung hàng hóa, hỗ trợ tốt hơn đầu ra cho sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp (DN), góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
10/13 tỉnh, thành thực hiện CTBOTT
Theo Sở Công thương tỉnh Bến Tre, năm 2014, sở công thương 13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL (gồm Cần Thơ, Bến Tre, Trà Vinh, An Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Tiền Giang và Vĩnh Long) đã duy trì thường xuyên việc trao đổi thông tin về tình hình giá cả thị trường, diễn biến cung cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân như gạo, thịt gia súc, gia cầm, thủy hải sản, sữa, đường, thực phẩm chế biến… Cụ thể, hàng tuần các tỉnh, thành cung cấp thông tin giá cả thị trường một số mặt hàng qua email nhằm theo dõi tình hình biến động giá cả các mặt hàng thiết yếu, kịp thời xử lý thông tin thị trường và đề xuất các giải pháp điều tiết lưu thông hàng hóa trên địa bàn. Nhìn chung, trong năm 2014, tình hình thị trường, giá cả hàng hóa trong khu vực ổn định, không có tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá đột biến xảy ra, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014.
Ngoài ra, các tỉnh, thành cũng đã thường xuyên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực thương mại, xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ các DN sản xuất tại địa phương tìm kiếm thị trường tiêu thụ, ổn định sản xuất, tạo nguồn cung hàng hóa dồi dào cho thị trường TPHCM và cả khu vực.
Đặc sản bưởi da xanh, xoài cát Hòa Lộc, cam xoàn… của các HTX nông nghiệp trưng bày tại Hội nghị Kết nối cung - cầu hàng hóa tổ chức tại TPHCM. Ảnh: Tường Dân
Trong công tác phối hợp thực hiện cân đối cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường, năm 2014, các tỉnh thành đã hướng dẫn, giám sát và tạo điều kiện thuận lợi cho các thương nhân tổ chức hội chợ triển lãm thương mại và tiếp nhận, xác nhận hàng ngàn chương trình khuyến mại với nhiều ưu đãi cho khách hàng nhằm xúc tiến việc bán hàng thuận lợi hơn. Một số trung tâm xúc tiến thương mại và trung tâm khuyến nông đã hỗ trợ các DN tham gia nhiều hội chợ được tổ chức tại các tỉnh, thành nhằm triển lãm, giới thiệu quảng bá sản phẩm đặc thù của địa phương.
Về chương trình bình ổn thị trường (CTBOTT), năm 2014 có 10/13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL thực hiện, với 71 DN tham gia, trong đó có 8 tỉnh hỗ trợ cho DN vay từ nguồn vốn tạm ứng ngân sách lãi suất 0% hoặc vay với lãi suất ưu đãi cho 52 DN với tổng số tiền là 213,8 tỷ đồng. TPHCM, TP Cần Thơ và các tỉnh khác không hỗ trợ vốn cho các DN tham gia chương trình mà vận động DN tự thực hiện chương trình bình ổn bằng nguồn vốn DN hoặc vận động các ngân hàng thương mại cung ứng tín dụng với lãi suất ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi trong thủ tục vay vốn và giải ngân kịp thời cho DN. Mặt hàng tham gia bình ổn cũng đa dạng, chủ yếu là các mặt hàng gạo, đường, thịt heo, thịt gia cầm, thực phẩm chế biến, sách vở học sinh… tập trung vào các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân, thời gian chủ yếu vào dịp Tết Nguyên đán 2014 và mùa khai giảng năm học mới.
Về giá hàng bình ổn tại hệ thống phân phối của các DN tham gia chương trình tại các địa phương tương đối ổn định và đảm bảo thấp hơn giá thị trường ít nhất là 5%. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong 9 tháng đầu năm 2014 của khu vực ĐBSCL tăng 4,16% so với cùng kỳ năm 2013, tăng ít hơn mức tăng CPI của cả nước là 4,61%; riêng trong tháng 11-2014, CPI của khu vực ĐBSCL giảm 0,32%, giảm nhiều hơn mức giảm CPI của cả nước là 0,27%.
Không để thiếu hàng, tăng giá bất hợp lý
Từ kết quả đạt được năm 2014, các tỉnh, thành thống nhất năm 2015 tiếp tục đẩy mạnh công tác trao đổi thông tin về tình hình giá cả thị trường, diễn biến cung cầu hàng hóa theo hướng địa phương nào có giá cả tăng đột biến một cách bất thường thì đề nghị các tỉnh, thành khác trong khu vực hỗ trợ hàng hóa kịp thời, thực hiện đồng bộ các giải pháp khi thị trường có biến động lớn, không để xảy ra thiếu hàng, tăng giá bất hợp lý. Tăng cường công tác liên kết vùng, trong đó tập trung liên kết cung ứng hàng hóa, hỗ trợ tiêu thụ hàng nông sản cho nông dân. Thực hiện có hiệu quả công tác xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu hàng hóa các tỉnh, thành để tìm đầu ra cho sản phẩm tại địa phương.
Để thực hiện được các mục tiêu trên, các tỉnh, thành xác định sẽ chỉ đạo chi cục quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm góp phần bình ổn thị trường, không để hàng hóa khan hiếm, tăng giá đột biến xảy ra. Tiếp tục tổ chức các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, các đợt bán hàng lưu động trên địa bàn tỉnh nhằm đưa hàng hóa đến người tiêu dùng ở khu vực nông thôn, góp phần ổn định thị trường. Tổ chức thực hiện CTBOTT với sự hỗ trợ từ ngân sách hoặc thông qua Ngân hàng nhà nước làm đầu mối tổ chức kết nối giữa DN tham gia CTBOTT với các ngân hàng thương mại. Tăng cường công tác tuyên truyền, thông tin việc bình ổn để tạo tâm lý ổn định cho thị trường, góp phần ngăn chặn hiện tượng đầu cơ, găm hàng chờ tăng giá trong các dịp cao điểm, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa tăng cao. Hỗ trợ kêu gọi đầu tư phát triển hệ thống phân phối hàng hóa tại các tỉnh, thành tạo điều kiện thuận lợi trong tiêu thụ hàng hóa cũng như phát triển hệ thống phân phối hàng hóa.
Từ việc triển khai CTBOTT, sở công thương các tỉnh, thành tạo cân đối cung cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu trong dịp lễ, tết dồi dào, phong phú, giá cả ổn định vừa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong dân, vừa tạo tâm lý ổn định cho thị trường, hạn chế các hiện tượng đầu cơ găm hàng chờ tăng giá trong các dịp mua sắm cao điểm. Cùng với việc tổ chức mạng lưới cung ứng hàng bình ổn, hệ thống phân phối của các DN được phát triển rộng rãi hơn. Chương trình đã tạo mối liên kết giữa các DN trong việc tạo lập nguồn hàng ổn định, hợp tác hai chiều giúp mở rộng sản xuất, kinh doanh, đồng thời bảo đảm công tác tạo nguồn cung hàng hóa và mở rộng mạng lưới phân phối, góp phần tiêu thụ hàng hóa các tỉnh.
|
UYỂN NHƯ