TPHCM và các tỉnh thành ĐBSCL bàn giải pháp phát triển du lịch

Thông qua công nghệ thông tin, TPHCM sẽ giới  thiệu các điểm đến, sản phẩm du lịch một cách trực quan đến du khách các nước. Việc giới thiệu sẽ không đại trà mà có định hướng vùng, giới thiệu những sản phẩm, điểm đến độc đáo; có giải pháp níu chân du khách, làm cho du khách hài lòng khi đến tham quan, nghỉ dưỡng.

duong-minh-duc-3-8013.jpg
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức phát biểu tại hội nghị

Đó là cam kết của Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức tại Hội nghị tổng kết Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa TPHCM và các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) năm 2023 tại tỉnh Cà Mau vào ngày 10-12.

Hội nghị với chủ đề “Nâng tầm liên kết - Phát triển bền vững”, nhằm đánh giá kết quả thực hiện Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa TPHCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL năm 2023; trao đổi và lắng nghe ý kiến góp ý, đánh giá từ các địa phương về tính hiệu quả của Chương trình liên kết hợp tác vùng và những giải pháp thực hiện trong năm 2024 và những năm tiếp theo.

duong-minh-duc-2-5792.jpg
Phó Chủ tịch TPHCM Dương Anh Đức chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu

Báo cáo kết quả thực hiện, ông Lê Trương Hiền Hòa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TPHCM thông tin: Năm 2023, lượng khách du lịch nội địa vẫn chiếm ưu thế để trải nghiệm văn hóa, sinh thái, sông nước miệt vườn và thưởng thức ẩm thực Nam Bộ, được khai thác chủ yếu bởi các doanh nghiệp du lịch - lữ hành tại TPHCM với hơn 2,7 triệu lượt khách du lịch về khu vực ĐBSCL. Trong năm 2023, các tỉnh, thành ĐBSCL cũng đã chủ trì tổ chức 7 chương trình khảo sát du lịch (famtrip), kết nối các doanh nghiệp du lịch - lữ hành của TPHCM và các các tỉnh, thành khác với các đơn vị cung ứng dịch vụ du lịch tại các tỉnh trong vùng với khoảng 600 lượt doanh nghiệp du lịch - lữ hành tham gia kết nối.

du-lich-dat-mui-1-1793.jpg
Du khách tham quan Mũi Cà Mau- điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh Cà Mau và cả nước. Ảnh: MINH TRIẾT

Là đơn vị lữ hành chủ lực, tổ chức nhiều tour đưa khách nội địa và quốc tế đến tham quan khu vực ĐBSCL, ông Nguyễn Minh Triết, Giám đốc Khu vực Tây Nam bộ Công ty dịch vụ lữ hành Saigontourist, nhận định, còn một số vấn đề tồn tại cần tiếp tục khắc phục và cải tiến. Điển hình, các điểm khảo sát còn khá mới mẻ, loại hình tham quan trùng lắp, chưa có nhiều tour mới dành cho khách quốc tế, cơ sở hạ tầng giao thông và hạ tầng dịch vụ còn hạn chế. Nguồn nhân lực và một số điểm dịch vụ chưa đạt chuẩn nên chưa thể khai thác ngay, cần thêm thời gian để đầu tư, hoàn thiện và đào tạo tay nghề.

“Thông tin về các điểm khảo sát còn khá ít, các địa phương khu vực ĐBSCL cần cung cấp thêm hình ảnh, thông tin phục vụ việc tham khảo, tìm hiểu và đánh giá, cần chính sách giá kích cầu đủ mạnh để tạo sức hút đối với du khách”, ông Nguyễn Minh Triết đề nghị.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức cho biết, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, đối với nhiều nước cũng như Việt Nam, du lịch luôn quan trọng vì nó vừa tạo ra công ăn việc làm, giúp cho nhiều ngành công nghiệp khác phát triển. Việc phát triển du lịch cũng làm hình ảnh đất nước, con người, văn hóa, truyền thống tốt đẹp con người Việt Nam được giới thiệu đến bạn bè “năm châu, bốn biển”. Qua đó, nâng cao vị thế đất nước.

“Mặc dù du lịch TPHCM và các tỉnh ĐBSCL đã có nhiều kết quả tích cực nhưng cũng có những khó khăn, thách thức. Trong đó, có những điều đáng lẽ chúng ta phải làm tốt hơn. Vì vậy, cần xác định phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp để năm 2024 làm tốt hơn. Năm 2024 cũng hết sức quan trọng, nó quyết định chúng ta làm được hay không các chỉ tiêu nghị quyết của Đảng đề ra”, ông Dương Anh Đức nhấn mạnh.

Theo ông Dương Anh Đức, muốn phát triển du lịch phải có sản phẩm đặc sắc, làm du khách hài lòng thì họ mới sẵn sàng quay lại và giới thiệu với những người khác. Chúng ta trao đổi với phương châm “muốn đi xa thì phải đi cùng nhau”, cùng nhau kết nối, phát huy thế mạnh của từng địa phương, làm sao khách đến ngày một nhiều hơn, với sự hài lòng ngày càng tăng. Có vậy, chúng ta mới mong đợi họ chi tiêu nhiều hơn.

Định hướng các nội dung liên kết trong thời gian tới, ông Dương Anh Đức mong rằng, ngành du lịch phối hợp với các sở, ngành liên quan có những biện pháp, chiến lược thu hút khách du lịch. Khi khách du lịch đến, thì dịch vụ và mảng khác cũng phát triển theo. Qua đó, cần có những đầu tư tương xứng để du lịch phát triển.

Ông Dương Anh Đức cũng cam kết, TPHCM cố gắng hỗ trợ các tỉnh, thành ĐBSCL thông qua công nghệ thông tin giới thiệu một cách trực quan, hiệu quả đến du khách các nước. Không giới thiệu đại trà mà có định hướng vùng, giới thiệu những sản phẩm, điểm đến độc đáo. Mời khách đến cần có giải pháp giữ được du khách, làm cho du khách hài lòng. Muốn làm được như vậy cần nâng cao chất lượng dịch vụ.

Tin cùng chuyên mục