Ngày 5-11 vừa qua, tại TP Cao Lãnh đã diễn ra Hội nghị kết nối cung cầu, giao thương hai chiều giữa Đồng Tháp - TPHCM năm 2015 do Sở Công thương Đồng Tháp tổ chức. Hơn 100 doanh nghiệp (DN) và đại diện các sở, ngành chức năng của hai địa phương cùng tham dự. Đây là dịp để hai bên cùng nhìn lại những kết quả đạt được trong quá trình kết nối; đồng thời tăng cường tìm kiếm tiềm năng, thế mạnh của mình, từ đó hình thành các dự án liên kết, hợp tác trong đầu tư, hình thành các vùng nguyên liệu ổn định, phục vụ hoạt động sản xuất, tạo nguồn hàng phong phú, có chất lượng, cung ứng cho thị trường TPHCM, cả nước và xuất khẩu.
Một số sản phẩm chưa đáp ứng
Phát biểu tại hội nghị, bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết, gần 4 năm triển khai các nội dung trong Chương trình hợp tác thương mại giữa TPHCM - Đồng Tháp, giai đoạn 2011-2015, đến nay đã có hơn 30 DN TPHCM đầu tư trực tiếp tại Đồng Tháp vào các ngành hàng như lương thực, thủy hải sản, nông sản… Trong lĩnh vực bán lẻ, các DN TPHCM đã mạnh dạn đầu tư, xây dựng siêu thị, phát triển chuỗi cửa hàng tiện lợi tại tỉnh Đồng Tháp như Saigon Co.op, Công ty Thương mại và Tư vấn đầu tư Việt Nam… Trong lĩnh vực kết nối giao thương, các DN của TPHCM đã ký kết 35 hợp đồng, giá trị giao dịch tương ứng 500 tỷ đồng/năm. Một số DN tiêu biểu đã tiếp cận thành công thị trường TPHCM như: HTX xoài Mỹ Xương, DNTN Huỳnh Thanh Thiện (trái cây miền Tây), Hộ kinh doanh Lê Hoàng Thông (trái cây miền Tây), Công ty CP Thực phẩm Bích Chi (bún gạo, bánh phồng tôm, bánh tráng, bột,…), Cơ sở nem Lai Vung Giáo Thơ (nem Lai Vung), Cơ sở sản xuất bì mắm Đông Nguyên, Công ty CP Tứ Quý Đồng Tháp (khô Tứ Quý). Nhìn chung, hầu hết các mặt hàng có thế mạnh, hàng đặc sản của Đồng Tháp đã tiếp cận các hệ thống phân phối lớn của TPHCM như Co.opmart, hệ thống siêu thị Big C, Maximark…
Doanh nghiệp TPHCM và Đồng Tháp ký kết hợp đồng ghi nhớ cung cầu và bao tiêu sản phẩm
Ông Phan Kim Sa, Phó Giám đốc Sở Công thương Đồng Tháp, cho biết, ở nhóm gạo và chế biến từ gạo, gồm gạo đóng gói, hủ tiếu, phở, bún, bột các loại, bánh các loại… đa số đều đã vào được các siêu thị trong nước và xuất khẩu đến nhiều thị trường khác nhau. Riêng mặt hàng gạo, một ít DN có đầu tư dây chuyền sản xuất, chế biến hiện đại, xây dựng thương hiệu đã được tiêu thụ khá tốt. Với nhóm nông thủy sản chế biến, một số đã vào các siêu thị trong nước như các sản phẩm chế biến từ cá tra (phi lê, sơ chế), bánh phồng tôm, đậu hủ chế biến, các loại bánh mì, bì mắm, nem, khô cá lóc… Một số sản phẩm khác chưa vào được các kênh phân phối tại TPHCM, dù có nhiều lợi thế cạnh tranh so với các sản phẩm cùng loại như muối sấy, khô cá chạch, khô trâu, tương ớt, trà tim sen, sữa sen, chả hạt sen, củ quả đông lạnh… Ở nhóm nông sản (ngoài gạo), thủy sản chưa qua chế biến gồm cá tra, tôm càng xanh, trái cây các loại, rau củ quả, hoa kiểng cũng chưa có mặt tại các siêu thị, TTTM, mới chỉ xuất hiện ở các kênh bán buôn, bán lẻ ở chợ, các trung tâm nên việc tiêu thụ chưa thực sự ổn định. Riêng sản phẩm rau quả gần đây đã đưa vào Co.opmart Cao Lãnh nhưng số lượng, chủng loại còn hạn chế.
Nhóm sản phẩm tiểu thủ công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp như rượu Hồng sen tửu, hoa khô, sản phẩm từ lục bình một số đã vào các siêu thị, TTTM, một số khác đã liên kết với các DN để sản xuất và tiêu thụ tương đối ổn định.
Theo nhận định của ông Phan Kim Sa, những kết quả đạt được là do các DN trong tỉnh đã có cố gắng trong việc tổ chức lại sản xuất, đầu tư dây chuyền, công nghệ hiện đại để nâng cao năng suất, hạ giá thành, nâng cao chất lượng, đầu tư xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu. Trên thực tế, tiềm năng hợp tác cung ứng hàng hóa giữa 2 bên là rất lớn nhưng hiệu quả hợp tác mang lại chưa cao như mong muốn.
Tổ chức sản xuất lại theo yêu cầu thị trường
Tại hội nghị, các DN của TPHCM đã chỉ rõ những điểm mạnh và yếu của từng nhóm sản phẩm của Đồng Tháp. Trong đó, một trong những vấn đề cần khắc phục sớm, là nhiều mặt hàng chưa được sản xuất theo mô hình tập trung và đạt các tiêu chuẩn quy định. Để nâng cao hiệu quả kết nối, cần tổ chức lại các quy trình sản xuất theo yêu cầu thị trường.
Xuất phát từ ý thức tiêu dùng của người dân ngày càng nâng cao, yêu cầu về tiêu chuẩn, chất lượng hàng hóa ngày càng khắt khe, do vậy, trong định hướng phát triển của ngành công thương, TPHCM sẽ ưu tiên hỗ trợ cho các mặt hàng sản xuất theo quy trình chất lượng cao, đạt các tiêu chí rõ ràng. Đối với mặt hàng rau củ quả, thịt gia súc, gia cầm, xu hướng tiêu dùng của người dân hiện nay ưa chuộng và tìm mua những sản phẩm có xuất xứ nguồn gốc rõ ràng, được nuôi trồng, sơ chế và chế biến theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, HACCP... Đối với các mặt hàng thực phẩm công nghệ, chế biến như đường, dầu ăn, bánh kẹo, người tiêu dùng TP luôn ưu tiên lựa chọn những sản phẩm có uy tín thương hiệu, bao bì đẹp, thông tin rõ ràng. Trong quá trình hợp tác, cần sớm loại bỏ tình trạng khi thị trường hút hàng, một số nhà cung cấp đã gom những mặt hàng không đạt chuẩn để bán, làm mất uy tín thương hiệu. Đặc biệt, sản phẩm phải sản xuất theo đúng quy trình quy định...
Về phía Đồng Tháp cũng đã đề ra hàng loạt giải pháp để khắc phục, tùy từng ngành, nhóm, mặt hàng có giải pháp tổ chức sản xuất khác nhau nhằm đáp ứng theo yêu cầu của thị trường. Cụ thể, cung ứng đủ số lượng, đảm bảo cung không vượt cầu. Đối với mặt hàng rau củ quả, trái cây sẽ tổ chức, quy hoạch vùng trồng, phân công sản xuất đảm bảo số lượng, chủng loại, đồng chất lượng, cung ứng thường xuyên, hạn chế cung ứng theo dạng mùa vụ. Đặc biệt, sẽ chú trọng sản xuất theo quy trình an toàn vệ sinh thực phẩm, nghiên cứu tạo ra nhiều sản phẩm khác biệt, mẫu mã đẹp. Đồng Tháp cũng đang nghiên cứu, hình thành đơn vị đầu mối thu gom các mặt hàng nông sản để cung ứng tốt hơn cho nhà phân phối. Thiết lập kênh phân phối với nhiều hình thức liên kết phong phú, đa dạng, ổn định, bền vững với các chợ đầu mối, chợ truyền thống, các nhà phân phối tại TPHCM.
Để thực hiện tốt các giải pháp này, không ai khác chính các DN phải chủ động, không nên trông chờ, ỷ lại vào sự trợ giúp của nhà nước mà phải tự có kế hoạch đầu tư, củng cố DN, HTX thành một đơn vị mạnh. Cần trang bị nâng cao năng lực quản trị kinh doanh cho đội ngũ lãnh đạo và cán bộ quản lý, khả năng kinh doanh và năng lực cạnh tranh để tạo ra sản phẩm giá trị gia tăng có giá thành hạ, chất lượng cao và sản phẩm độc đáo để cạnh tranh với hàng hóa cùng chủng loại trên thị trường. Chỉ như vậy, sản phẩm của Đồng Tháp mới tìm được lối ra ổn định, giúp DN phát triển bền vững.
|
HẢI HÀ