TPHCM và tỉnh Lâm Đồng tăng cường liên kết tiêu thụ nông sản

Trong hai ngày 2 và 3-3,  đoàn đại biểu HĐND.TPHCM do ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng ban Kinh tế

(SGGPO).- Trong hai ngày 2 và 3-3,  đoàn đại biểu HĐND.TPHCM do ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng ban Kinh tế ngân sách làm trưởng đoàn, đã tiến hành khảo sát chuỗi thực phẩm an toàn cung cấp cho TPHCM tại một số cơ sở trồng trọt trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Nhiều vấn đề được đặt ra nhằm mục đích tháo gỡ cho các nhà cung ứng có giải pháp tốt nhất đưa vào thị trường TP với những sản phẩm đạt chất lượng, giá cả hợp lý đến với người tiêu dùng.

Đoàn giám sát nghe giới thiệu về xà lách giống của Đức, trồng bằng công nghệ thủy canh

Đánh giá cao những kết quả và tận mắt chứng kiến những quy trình sản xuất thực phẩm sạch, an toàn cung ứng cho TPHCM, ông Nguyễn Văn Dũng hoan nghênh công ty TNHH sản xuất thương mại nông sản Phong Thúy (thị trấn Liên Nghĩa, Đức Trọng, Lâm Đồng) đã mạnh dạn đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ nhu cầu sản xuất. Từ một trang trại có quy mô nhỏ, trên 0,4ha đất ban đầu, đến nay công ty Phong Thúy đã sở hữu diện tích sản xuất hơn 45ha, ngoài ra công ty còn có khoảng 70ha diện tích hợp tác, liên kết sản xuất với các hộ nông dân trong vùng.

Ông Nguyễn Hồng Phong, giám đốc công ty Phong Thúy cho biết, mỗi năm trang trại và các hộ liên kết sản xuất khoảng 12.000 tấn rau sạch. Trong đó, 70% sản lượng cung cấp cho các siêu thị và cửa hàng thực phẩm sạch (chủ yếu tại TPHCM) theo hợp đồng; 10% cung ứng cho các đầu mối để xuất khẩu; số còn lại tiêu thụ thị trường chợ đầu mối truyền thống. Tất cả các sản phẩm của Trang trại Phong Thúy đều tuân thủ tuyệt đối nguyên tắc vì quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng. Ngoài ra, với hệ thống nhà chế biến, đóng gói hiện đại có quy mô hơn 3.500m² đủ khả năng duy trì chất lượng sản phẩm rau, củ sau thu hoạch. Tại Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Anh Đào (HTX Anh Đào, TP Đà Lạt), đoàn công tác cũng đánh giá cao sự đầu tư một cách đồng bộ quy trình sản xuất, sơ chế, đóng gói rồi đưa đi tiêu thụ. Tại đây, tất cả các khâu đều làm khép kín để đảm bảo nguồn rau, củ luôn giữ được chất lượng như khi vừa thu hoạch.

Ông Nguyễn Hồng Phong giới thiệu cách chăm sóc rau

Bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Phó giám đốc HTX Anh Đào cho biết, hiện HTX đang có 270ha rau trồng trong nhà kính, nhà lưới và áp dụng các kỹ thuật canh tác hiện đại, đó bao gồm diện tích đất sản xuất của 22 hộ xã viên và hàng chục hộ nông dân liên kết. Chính từ sự đầu tư bài bản và liên kết chặt chẽ với người nông dân, hàng năm HTX Anh Đào cung cấp ra thị trường hơn 43.000 tấn rau sạch theo hợp đồng đã được ký kết tại TPHCM và các tỉnh, với 80 chủng loại rau, có thể đáp ứng được những đơn hàng lớn và liên tục.

"Sản phẩm rau của HTX đã đạt chứng nhận VietGap, để đảm bảo tính an toàn trong quy trình sản xuất chúng tôi có đội ngũ cán bộ kỹ thuật luôn theo dõi sát từ khi cây xuống giống cho tới khi tới tay người tiêu dùng", bà Tuyết chia sẻ.

Các thành viên đoàn giám sát nếm thử xà lách tại vườn

Mặc dù, việc xây dựng các chuỗi và địa chỉ cung ứng nông sản thực phẩm an toàn sẽ đảm bảo và đáp ứng nhu cầu thực phẩm sạch của người dân được nhà nước và TPHCM quan tâm nhưng đến nay cơ chế chính sách cho sản xuất nông sản thực phẩm để tạo động lực phát triển còn hạn chế. Nhiều nhà đầu tư cho rằng, chi tiền cho sản xuất nông nghiệp mang nhiều rủi ro, chi phí lớn, quay vòng vốn chậm nên không mấy mặn mà. Đặc biệt là tình trạng các hộ sản xuất nông sản còn manh mún, nhỏ lẻ, áp dụng tiến bộ kỹ thuật còn hạn chế. Thiếu liên kết hoặc liên kết chưa bền vững giữa các nhà sản xuất với phân phối và tiêu thụ. Cùng với đó là sự khác biệt giữa các dấu hiệu giúp người tiêu dùng nhận biết giữa sản phẩm đã được kiểm soát và sản phẩm chưa được kiểm soát còn chưa nhiều.

Theo các chuyên gia, để phát triển chuỗi và điểm bán nông sản an toàn, qua đó mở rộng cơ hội cho người dân tiếp cận nông sản, thực phẩm an toàn cần phải coi doanh nghiệp là “hạt nhân” và “đầu tàu”, đóng vai trò quyết định từ liên kết sản xuất gắn với sơ chế, chế biến đến tiêu thụ, phân phối trực tiếp nông sản thực phẩm an toàn trên thị trường. Theo đó, việc kết nối giữa doanh nghiệp và người nông dân sẽ tạo chuyển biến mạnh mẽ trong chuỗi sản xuất nông sản, từ đồng ruộng, chuồng trại đến bàn ăn theo đúng quy trình, đảm bảo tiêu chuẩn an toàn của Việt Nam và quốc tế, ngoài ra còn giúp doanh nghiệp quảng bá sản phẩm và tăng doanh số bán hàng.

Ông Nguyễn Văn Triệu, Phó chủ tịch HĐND tỉnh Lâm Đồng cho biết, hiện nay tỉnh đang tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng đảm bảo ATTP, kết nối đưa nông sản về TPHCM. Dịp này, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng cũng mong muốn trong thời gian tới hai địa phương sẽ cùng nhau tăng cường các diễn đàn hợp tác, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trao đổi, tìm hiểu chia sẻ với nhau để liên kết hợp tác tiêu thụ nông sản.

THÀNH SƠN – ĐOÀN KIÊN
Ảnh: HOÀNG HÙNG

Tin cùng chuyên mục