Khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới (NTM), hầu như những người trực tiếp tham gia đều bị động, lúng túng do chưa hề có mô hình trước đó nên phải mất một thời gian để định vị các bước và hướng đi. Vì vậy, khi xã thí điểm cấp quốc gia (Tân Thông Hội, huyện Củ Chi), sau đó là 5 xã thí điểm của TPHCM ở 5 huyện tổng kết mới vỡ ra nhiều điều và được xem là những bài học kinh nghiệm, cũng là cơ sở để hoàn chỉnh quy chế, văn bản pháp lý để tiếp tục triển khai.
“Cán bộ thế nào, phong trào thế ấy”
Đó là phát biểu của nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Hùng tại buổi họp giao ban về xây dựng NMT các tỉnh phía Nam vào cuối tháng 7 vừa qua tại TPHCM khi nói về tầm quan trọng của con người trong quá trình xây dựng NTM mà ông đã rút ra khi đi khảo sát ở nhiều địa phương. Điều này thể hiện rõ nét ở xã điểm Tân Nhựt, huyện Bình Chánh.
Ông Nguyễn Tấn Tuyến, nguyên Bí thư và Chủ tịch UBND xã Tân Nhựt, hiện nay là Phó ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TPHCM nhớ lại, là xã khó khăn, có khởi điểm thấp nhất về mức đạt các tiêu chí (chỉ 5/19) khi xây dựng NTM, nên lãnh đạo xã đã nỗ lực hết mình, tham khảo ý kiến các nơi, chủ động kiến nghị, đề xuất và tự vạch ra cách làm. Tuyệt đối không trông chờ hay ỷ lại cấp trên. Nhưng trước hết phải làm tốt công tác tuyên truyền sâu rộng, để cả hệ thống chính trị hiểu rõ nội dung, cách làm, cơ chế chính sách nhà nước về xây dựng NTM. Đồng thời có sự tập trung chỉ đạo cụ thể, liên tục, đồng bộ và huy động được sự tham gia của toàn hệ thống chính trị; có sự phân công, phân cấp, thường xuyên kiểm tra, khảo sát, sơ kết, tổng kết thúc đẩy thực hiện một cách hiệu quả.
Bên cạnh đó, phải coi trọng việc đào tạo đội ngũ cán bộ nòng cốt ở các cấp, đặc biệt là cán bộ cơ sở (xã, ấp). Đội ngũ cán bộ phải khơi dậy cho được nguồn lực tại chỗ, giúp dân hiểu thực chất việc xây dựng NTM là cho xóm ấp và chính bà con là người thụ hưởng nhưng cũng là chủ thể, có vai trò quan trọng trong việc xây dựng NTM. Khi đã có được sự thông suốt, người dân tích cực hơn trong việc cùng Nhà nước trực tiếp tham gia, như tự nguyện hiến đất xây dựng giao thông nông thôn, thủy lợi...
Một người dân ấp 2, xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh đã tự nguyện hiến 2.000m² đất với trị giá vài tỷ đồng, đây cũng là con số người dân xã Xuân Thới Thượng đã hiến cho xã để làm đường giao thông; hơn 7.000 hộ hiến 725ha đất ở các xã điểm để mở rộng đường…
Xác định thế mạnh
Mục đích cuối cùng của việc xây dựng NTM là nâng cao thu nhập của người dân, qua đó cải thiện cuộc sống và mức độ thụ hưởng văn hóa. Bởi xét cho cùng, như lời Bí thư huyện ủy Hóc Môn Nguyễn Văn Hoa, không thể là xã NTM khi đời sống của người dân không được cải thiện, khi tỷ lệ hộ nghèo của một bộ phận người dân dù nhỏ, dù thấp vẫn tiếp tục tồn tại. Nâng cao thu nhập là thách thức rất lớn nếu không xác định được thế mạnh từng địa phương để quy hoạch, tổ chức lại sản xuất.
Với đặc điểm nông nghiệp, nông thôn ven đô của một TP lớn, nhiều khu công nghiệp, việc sản xuất phát triển dựa trên công nghệ mới, hàng hóa giá trị, chất lượng cao và an toàn, được xã điểm NTM nhận diện nên đã tổ chức việc chuyển đổi sản xuất khá thành công, chuyển sang những cây con giá trị cao phù hợp với diện tích đất nhỏ như lan cắt cành, cây cảnh, cá kiểng, bò sữa, rau an toàn… Trong 19 tiêu chí NTM, quy hoạch phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu lao động và đào tạo nghề được các xã xem là ưu tiên hàng đầu.
Bên cạnh đó, việc hình thành các tổ, nhóm hay hợp tác xã giúp người dân mua vật tư nông nghiệp rẻ hơn, chi phí sản xuất thấp hơn, qua đó sản xuất có điều kiện phát triển, thu nhập người dân tăng thêm. Và điều quan trọng khác, phải chuyển đổi cơ cấu lao động, giảm bớt lao động nông nghiệp, chuyển qua làm dịch vụ trong các công ty, nhà máy hay khu công nghiệp. Việc tổ chức dạy nghề từ yêu cầu các khu hay cụm công nghiệp đã được các xã phát huy tốt như xã Nhơn Đức, Tân Thông Hội, Thái Mỹ, Xuân Thới Thượng...
Thực tiễn cho thấy, do điều kiện khác nhau, việc xây dựng NTM phải có cách làm chủ động, sáng tạo, phù hợp với điều kiện và đặc điểm từng xã, không thể máy móc rập khuôn. Việc xây dựng đề án và chỉ đạo thực hiện căn cứ vào đặc điểm cụ thể, lợi thế cũng như nhu cầu thiết thực của địa phương và người dân tại chỗ để quyết định nội dung nào làm trước. Ngân sách nhà nước đầu tư các công trình thiết yếu, có sức lan tỏa, tạo động lực, niềm tin cho người dân, nhưng đó mới là vốn mồi, phải biết đa dạng hóa nguồn lực xây dựng NTM, huy động tổng hợp các nguồn lực: vốn cộng đồng, vốn doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng.
Xây dựng NTM để phát triển hợp tác xã Ngày 29-8, phát biểu tại hội nghị phát huy vai trò kinh tế tập thể trong xây dựng nông thôn mới (NTM) ở TPHCM, đồng chí Nguyễn Văn Đua, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo chương trình xây dựng NTM TPHCM nhấn mạnh, phát triển kinh tế hợp tác là nhu cầu khách quan của nền kinh tế. Vì vậy, việc đầu tiên các huyện, xã, đoàn thể và bản thân xã viên các hợp tác xã (HTX) phải nâng cao nhận thức về tính chất khách quan của HTX trong xây dựng NTM và thông qua xây dựng NTM để phát triển HTX. Nâng cao tinh thần tự chủ, tự chịu trách nhiệm của HTX. Thành phố, các cấp hỗ trợ, tạo điều kiện HTX phát triển, nhưng không có ai có thể giải quyết công việc tốt hơn chính tự thân mỗi HTX. Do đó, không được ỷ lại mà phải tự mình chứng minh vai trò, hoạt động có hiệu quả của HTX. Thực tế cho thấy vai trò HTX vẫn còn hạn chế khi xã viên chưa sống bằng thu nhập từ HTX. Tỷ lệ này còn ít so với bộ phận đông đảo tỷ lệ hộ dân cá thể hay các doanh nghiệp nên còn phải cố gắng nhiều hơn. |
CÔNG PHIÊN