Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang chờ Quốc hội các nước thành viên thông qua, đặc biệt là Quốc hội Mỹ. Mặc dù cơ hội Quốc hội Mỹ thông qua TPP trong năm nay vẫn rất thấp song nhiều nỗ lực đang được thúc đẩy.
Những thay đổi bất lợi
Cả 2 ứng viên Tổng thống Mỹ là Hillary Clinton và Donald Trump đều không ủng hộ TPP. Ông Trump cho biết sẽ ngừng ngay TPP nếu đắc cử trong khi bà Clinton cho rằng sẽ đàm phán sao cho TPP mang lại lợi ích nhiều nhất cho người lao động Mỹ. Ngoài ra, việc Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte bất đồng gay gắt với các chính sách của Mỹ cũng khiến các nước trong khu vực cân nhắc về quan hệ với Mỹ, trong đó có việc thông qua TPP. Trong bài phát biểu lần cuối trước Đại hội đồng Liên hiệp quốc (LHQ) hôm 20-9, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã không liệt kê TPP vào những thành tựu trong 2 nhiệm kỳ của ông.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden thống nhấtthúc đẩy TPP sớm có hiệu lực
Theo Asia Times, ông Obama cũng không chắc số phận của TPP lẫn Hiệp định Thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương với Liên minh châu Âu (TTIP). TPP có thể đang cùng chung số phận với TTIP. Người lao động Mỹ xem TPP cũng như TTIP khiến thất nghiệp tăng. Hạ nghị sĩ Whip Steny Hoyer, lãnh đạo phe thiểu số đảng Dân chủ tại Hạ viện Mỹ vội cho rằng sẽ không có việc Quốc hội Mỹ thông qua TPP sau cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 8-11. Tạp chí Fortune của Mỹ dẫn lời Phó Tổng thống Joe Biden phát biểu trước Hội đồng quan hệ đối ngoại ngày 21-9 rằng rất ít có cơ hội để TPP được Quốc hội sắp mãn nhiệm thông qua trước khi tổng thống mới nhậm chức. Lãnh đạo phe đa số Cộng hòa tại Thượng viện Mỹ Mitch McConnell và Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan cũng có cùng quan điểm.
Vận động Marathon
Bất chấp viễn cảnh khá mờ mịt của TPP, Tổng thống Barack Obama, tác giả của TPP vẫn đang rất nỗ lực. Cuối tuần qua, ông đã gặp gỡ những người ủng hộ TPP của cả 2 đảng Dân chủ và Cộng hòa, các lãnh đạo doanh nghiệp, thống đốc và thị trưởng, các quan chức an ninh quốc gia và quân đội để gửi đi thông điệp rằng TPP không chỉ quan trọng với nền kinh tế Mỹ mà còn đối với an ninh và vị thế của Mỹ trên thế giới.
Nhiều quan chức cấp cao của các nước tham gia TPP như Nhật Bản, Singapore, Australia và New Zealand đã tới Mỹ vận động nước này sớm thông qua TPP. Họ nhấn mạnh, TPP là một phần trong chính sách xoay trục của Mỹ sang châu Á. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe khẳng định, TPP sẽ giúp định hình môi trường chiến lược tại châu Á - Thái Bình Dương. Ông Abe tuyên bố sẽ làm hết sức để Quốc hội Nhật Bản thông qua TPP và ban hành luật liên quan trong phiên họp bất thường bắt đầu từ ngày 26-9 tới. Theo Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, Quốc hội Mỹ phê chuẩn TPP sẽ cho thấy được “uy tín và mục đích nghiêm túc của Mỹ”. Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull khẳng định TPP có sức mạnh như việc tăng cường “tàu và máy bay” của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn truyền hình CNBC, cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton không công khai ủng hộ TPP, nhưng ông cho rằng TPP là lợi ích trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush cũng ủng hộ TPP và ngày 20-9 ông đã có cuộc gặp với Đại diện Thương mại Mỹ Michael Froman ngay trước khi khai mạc diễn đàn thúc đẩy TPP được tổ chức tại Viện George W. Bush ở Dallas, bang Texas. Một diễn đàn tương tự cũng đã diễn ra tại Houston, Texas ngày 19-9 nhận được sự ủng hộ của ông James Baker, cựu Ngoại trưởng và cựu Bộ trưởng Tài chính dưới thời Tổng thống Ronald Reagan và George H.Bush. Ông Baker cho rằng ông thường bất đồng với Tổng thống Obama về nhiều vấn đề, nhưng với TPP thì ông ủng hộ 100% .
THỤY VŨ (tổng hợp)