Trả lời chất vấn tại phiên họp của UBTVQH, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: Kiên quyết xóa tình trạng “quá tải ảo” bệnh viện

Ngày 26-3, trong khuôn khổ phiên họp thứ 6 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã diễn ra hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của UBTVQH đối với Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình. Phiên họp được nối cầu truyền hình với đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) của 63 tỉnh thành trên cả nước và được truyền hình trực tiếp.
Trả lời chất vấn tại phiên họp của UBTVQH, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: Kiên quyết xóa tình trạng “quá tải ảo” bệnh viện

Ngày 26-3, trong khuôn khổ phiên họp thứ 6 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã diễn ra hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của UBTVQH đối với Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình. Phiên họp được nối cầu truyền hình với đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) của 63 tỉnh thành trên cả nước và được truyền hình trực tiếp.

  • Tháng 4 trình đề án giảm tải bệnh viện tuyến trên

Trước khi trả lời chất vấn trực tiếp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã báo cáo với UBTVQH về 2 nhóm vấn đề chính: bảo đảm nguồn lực để đáp ứng yêu cầu phòng – chữa bệnh cho nhân dân, đạo đức nghề nghiệp trong ngành y tế và khung giá viện phí.

Theo Bộ trưởng, trong khi nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân ngày càng tăng thì ngân sách mới chỉ đáp ứng được một phần, nhất là đối với các bệnh viện đầu ngành của trung ương và các TP lớn. Chẳng hạn, nhu cầu đầu tư cải tạo, mở rộng, xây dựng mới (quy mô nhỏ), bổ sung trang thiết bị cho các bệnh viện thuộc Bộ Y tế khoảng trên 2.000 tỷ đồng/năm, nhưng ngân sách chỉ đáp ứng được khoảng 1.000 tỷ đồng/năm, nên việc triển khai các dự án rất khó khăn. Tương tự, nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và chi thường xuyên cũng không được đáp ứng đầy đủ.

Đông đúc phụ huynh đưa con đến khám bệnh tay chân miệng tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM mấy ngày qua. Ảnh: THANH TÂM

Đông đúc phụ huynh đưa con đến khám bệnh tay chân miệng tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM mấy ngày qua. Ảnh: THANH TÂM

Trực tiếp đặt câu hỏi tại phiên chất vấn, các ĐBQH bày tỏ quan tâm đến tình trạng quá tải ở bệnh viện công trong khi các bệnh viện tuyến dưới, bệnh viện tư lại hoạt động không hết công suất; sự mập mờ trong quá trình xã hội hóa ở các bệnh viện công… Bộ trưởng cho biết, Bộ Y tế đã có đề án tổng thể, dự kiến trình Chính phủ vào tháng 4 tới, trong đó nêu nhiều giải pháp đồng bộ. Bên cạnh nhiệm vụ tăng cường cơ sở vật chất (hiện ta mới có trung bình 20 giường bệnh/vạn dân trong khi mức bình quân khu vực là 33 giường) thì một việc hết sức quan trọng khác là “phải ngăn chặn được tình trạng quá tải ảo”.

“Trước mắt, ngành y tế sẽ có những quy định chặt chẽ hơn về chuyển tuyến, đơn cử như các ca sinh thường không lý gì phải vào bệnh viện trung ương”, bà nói. Cũng liên quan đến vấn đề này khi đề cập đến quy định bệnh nhân nằm ghép giường chỉ phải trả 50% hoặc 30% viện phí, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến trả lời: “Đây vừa là cách bảo vệ quyền lợi người bệnh, vừa để hạn chế tình trạng một số bệnh viện cố tình “kéo” thêm nhiều bệnh nhân vào, lưu bệnh lâu… tạo ra quá tải ảo”. Bộ Y tế cũng đã dự kiến phân tuyến kỹ thuật không theo cấp hành chính. Bệnh viện huyện, tỉnh có đủ năng lực vẫn có thể được xếp loại cao, điều trị các ca bệnh phức tạp mà không cần chuyển tuyến.

  • Y tế dự phòng chưa thu hút nhân lực

Về đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực, chính sách đào tạo cho y tế dự phòng, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nêu rõ một số giải pháp nhằm thu hút trong tuyển sinh, đào tạo như mở mã ngành với điểm chuẩn thấp hơn, đào tạo theo địa chỉ, đào tạo liên thông, chuyên tu... Bộ Y tế đã cố gắng đưa các nguồn vốn ODA, các nguồn xã hội hóa, tài trợ chủ yếu tập trung xây dựng một trạm y tế xã cho vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, biên giới. Theo Bộ trưởng, một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng thiếu bác sĩ dự phòng là do bộ máy tổ chức ở tuyến dưới, nhất là tuyến huyện tách ra rất nhiều trung tâm. Mặt khác, chuyên khoa này rất khó thu hút. Một số tỉnh đã 5, 6 năm không tuyển được bác sĩ dự phòng...

Bệnh nhân chờ mua thuốc bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: KIM NGÂN

Bệnh nhân chờ mua thuốc bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: KIM NGÂN

Trả lời chất vấn của đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau), Bộ trưởng Bộ Y tế bày tỏ mong muốn đưa các y, bác sĩ hệ dự phòng được phép cấp chứng chỉ hành nghề để khi tham gia công tác ở các trung tâm y tế dự phòng có thể mở phòng khám tư.

“Tuy nhiên, khi thảo luận Luật Khám chữa bệnh, nhiều ý kiến không đồng tình. Đây là một điểm thiệt thòi cho cán bộ y tế dự phòng. Về giải pháp thu hút, bên cạnh thu hút đầu vào, bộ cũng dành nhiều ưu tiên trong quá trình học tập, hợp tác quốc tế... Hiện nay, bộ đã trình Chính phủ đề án phát triển nguồn nhân lực, trong đó có đào tạo chuyên gia giỏi đối với các lĩnh vực, đặc biệt là y tế dự phòng. Y tế dự phòng hiện vẫn được đánh giá là phát triển cả về kỹ thuật trong phòng thí nghiệm và kỹ thuật giám sát, phòng chống dịch và hệ thống mạng lưới”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chất vấn Bộ trưởng về khả năng khắc phục, tạo chuyển biến trong chất lượng khám chữa bệnh, giảm tải bệnh viện, nâng cao y đức... từ nay đến năm 2015 được coi là chạm đến toàn diện các mặt hoạt động của ngành y tế.

Trả lời chất vấn này, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nêu rõ 7 nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong 5 năm 2011-2016, gồm: giảm tải bệnh viện; đổi mới toàn bộ cơ chế tài chính, điều chỉnh giá dịch vụ, viện phí; nâng cao năng lực y tế tuyến cơ sở để phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, phục vụ y tế dự phòng; nâng cao số lượng, chất lượng nguồn nhân lực; nâng cao công tác truyền thông chăm sóc sức khỏe; xây dựng các trung tâm y tế chuyên sâu, ứng dụng kỹ thuật tiên tiến.

 
 

Hỏi nóng, trả lời... nguội 

Hàng loạt câu hỏi “nóng” liên quan tới tiền lương cán bộ, công chức, công tác tuyển sinh, tuyển dụng, tình trạng phải đút lót mới xin được việc, nạn sính bằng cấp, học giả, bằng thật... được đặt ra cho Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình, song sau khi nhận được câu trả lời, người hỏi chưa thật thỏa mãn.

ĐB Lê Như Tiến (Quảng Trị) hỏi: “Tỉnh Đồng Nai vừa phát hiện 200 cán bộ thuê người thi hộ để lấy bằng ngoại ngữ, như vậy là học giả mà bằng thật. Áp lực bằng cấp để tiến thân đã khiến công chức phải chạy bằng, mua bằng? Bộ trưởng có tính tới việc đổi mới tuyển sinh, tuyển dụng để hạn chế vấn nạn này?”. Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình công nhận “có những việc như ĐB nói diễn ra”, nhưng đã không nêu ra những giải pháp cụ thể cho vấn nạn này.

ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) tiếp tục: “Dư luận nói tuyển dụng hiện có nhiều tiêu cực. Có người mất nhiều tiền, thậm chí hàng trăm triệu đồng để xin việc, Bộ trưởng có biết không? Cách nào để triệt tiêu những tiêu cực này?”. Sau khi diễn giải khá dài, với sự nhắc nhở của Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình mới trực diện với câu hỏi. Bộ trưởng cho biết: “Dư luận là có. Đây là vấn đề bức xúc nhưng chỉ ra cụ thể thì thật khó. Chúng tôi xin tiếp thu, cùng với các cơ quan liên quan để nghiên cứu cơ chế nhằm hạn chế khiếm khuyết này...”.

Xung quanh vấn đề tiền lương, nhiều ĐBQH cho rằng, mức lương cơ bản hiện nay thấp, chưa khuyến khích, thu hút được người tài. Nhiều ĐBQH muốn Bộ trưởng giải trình rõ về lộ trình cải cách tiền lương. Ông Đỗ Mạnh Hùng nêu vấn đề: “Mức lương tối thiểu sẽ được tính thế nào để đáp ứng được nhu cầu tối thiểu?”.

Tuy nhiên, người đứng đầu Bộ Nội vụ chỉ thông tin: “Ban chỉ đạo cải cách tiền lương giai đoạn 2012-2020 đã họp 9 lần, cơ bản thống nhất lộ trình, bước đi. Song Ban chỉ đạo còn phải lấy ý kiến nhiều cơ quan có thẩm quyền khác nên vẫn cần tính toán thêm. Hướng chung là mức lương tối thiểu sắp tới sẽ phải đáp ứng được nhu cầu tối thiểu của cán bộ, công chức”. 

 
 

ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục