Rất nhiều người vẫn nhầm Phình Hồ (xã thuộc huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái) với Phìn Hồ (thôn thuộc xã Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang). Đến như tôi, 5 năm rồi ăn cơm, uống trà “mòn” biết bao nhiêu ấm, chén của nhà dân ở xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái thế mà không hề biết đến một vùng trà đặc sản Phình Hồ cách đó chỉ hơn 20km.
Chả trách trà shan tuyết Phình Hồ quý như báu vật mà bao năm nay vẫn quẩn quanh nơi góc núi.
Thân mốc như da trăn
Một sáng ngồi ở góc phố cổ Hà Nội cà kê với anh bạn Lê Anh Dũng, tôi thao thao bất tuyệt về những vùng trà shan tuyết đã đến, đã uống và khi biết anh là rể Nghĩa Lộ, tôi mới hỏi xem anh có biết vùng trà nào quanh quê vợ mình không. Câu trả lời của anh làm tôi sững cả người: “Có vùng trà Phình Hồ cách Suối Giàng mà em hay lên có 20 cây số”. Thế là tôi tức tốc ngược rừng…
Từ ngã ba Phình Hồ ở quốc lộ 37 vào trung tâm xã Phình Hồ có 10km mà anh chạy xe ôm tên Thăng đòi tôi tới 80.000 đồng vì “đường nhiều dốc, khó đi lắm!”. Đường đi uốn lượn, lên cao xuống thấp, một bên núi cao một bên vực thẳm, tôi ngồi sau xe mà nhiều lúc cũng rợn cả người. Được cái không khí mát mẻ, sương mù vấn vít, cảnh sắc xanh miên man… thấy sảng khoái.
Đến cổng UBND xã Phình Hồ, gặp một anh trung niên người Mông đi ngang qua, tôi liền hỏi ở đâu có cây trà. Anh đáp: “Anh nhìn lên núi, cứ thấy cây nào thân mốc trắng như da trăn là cây trà (chè) shan tuyết. Cây to có hơn trăm năm rồi”. Ngước mắt nhìn bốn phía, đâu đâu tôi cũng thấy những thân cây mốc thếch.
Gia đình chị Giàng Thị Mẩy ở thôn Chí Lư, xã Phình Hồ có 1ha trà shan tuyết cổ thụ
Xã Phình Hồ nằm ở độ cao từ 900 - 1.500m so với mực nước biển, độ ẩm cao, quanh năm mây mù bao phủ, khí hậu mát mẻ… là điều kiện lý tưởng để cây trà shan sinh trưởng, phát triển. Tục truyền rằng, thời xa xưa, khi người Mông đến khai phá vùng đất này gặp rất nhiều khó khăn, nhiều người bị thương, bị bệnh không có thuốc chữa, đồng bào đã hái lá những cây trà mọc hoang trên rừng vò hoặc nhai nát đắp lên vết thương. Thật kỳ diệu, vết thương rất mau lành. Bà con thấy thế mới hái lá trà đun nước uống thì thấy người khỏe mạnh, thư thái, tối lại ngủ ngon. Từ đó, họ đã nhân rộng giống trà quý này, trồng thành rừng trà cổ thụ mọc khắp nơi như ngày nay. Những cây trà shan lá to như lá đa không chỉ giúp chống sạt lở đất, phủ xanh rừng mà còn mang đến cho đồng bào một thức uống sạch, thơm ngon.
Thấy tôi lang thang chụp ảnh những cây trà, một ông lão mời về nhà thưởng thức trà. Nhìn nhúm trà ông lão lấy trong gói ra tôi đã mê. Búp trà mập mạp, lông tơ bám đầy, mịn, trắng như tuyết. Thả vào ấm, vừa rót nước sôi vào, mùi hương đã dậy lên thơm ngát. Rót ra chén, nước trà vàng như mật ong. Nhấp một ngụm, ban đầu thấy chan chát nhưng nuốt vào tôi thấy vị ngọt đọng mãi nơi đầu lưỡi, cổ họng. Ấm trà pha đến năm nước vẫn đậm, thơm. Ông chủ nhà tên Giàng Sáy Vư, 60 tuổi, ở thôn Tà Chử. Nhà ông có 5ha trà shan tuyết, có cây hơn 100 năm, từ thời ông bà của ông đến ở đất này đã có cây to hơn hai chẽn tay rồi. Ông Giàng Sáy Vư cho biết: “Trà nhà tôi mỗi năm hái 4 vụ, ít thì 3 vụ, mỗi vụ được 7 - 8 tạ trà tươi, bán từ 7.000 - 11.000 đồng/kg lá trà tươi”. Hỏi nghĩa của tên xã Phình Hồ, ông giảng giải rằng trong tiếng Quan Hỏa, “phình” là bằng, “hồ” là hồ. Lúc mới thiên di đến đây, người Mông thấy có một con suối bằng phẳng chảy qua tạo thành một cái hồ rộng nên dừng chân dựng nhà ở, trồng trọt. Phình Hồ thành tên bản rồi tên xã.
Chia tay ông Vư, tôi cứ nhìn cái màu mốc thếch, dáng ngoằn ngoèo vươn tua tủa của những cây trà mà theo lên núi. Đường đất đá lổn nhổn nhưng leo cả giờ không thấy mệt, nuốt nước bọt cũng thấy vị ngọt của trà, lên đến đỉnh núi thì gặp thôn Chí Lư. Nhìn những phụ nữ Mông hái trà thật nể phục. Cây trà cao đến cả chục mét, cành vươn ra bốn phía, những cô gái người Mông nhỏ bé, lưng đeo gùi (quẩy tấu, cù lở) thoăn thoắt trèo lên những cây trà, xoải chân đứng vững trên cành trà rồi hai tay thoăn thoắt vươn đến những ngọn trà để hái những búp hai lá. Đầy hai nắm tay lại giơ lên đầu, ném hai tay qua hai vai cho trà vào gùi. Mắt không ngoái nhìn, tay cứ thoăn thoắt. Động tác nhịp nhàng, khoan thai, váy áo sặc sỡ lẩn khuất giữa những tán trà xanh ngắt; bên dưới là thung sâu, trên là núi cao mù sương như vươn lên đến tận chín tầng mây. Đẹp, kiên cường và lãng mạn! Hỏi một phụ nữ đang hái trà trong làn sương bồng, chị vừa thoăn thoắt làm vừa tiếp chuyện tôi. Chị là Giàng Thị Mẩy, 34 tuổi, đã có một con gái và bốn con trai. Nhà chị có 1ha trà, phần do ông bà để lại, phần lấy hạt trồng thêm được những cây mới từ hơn 20 năm nay. Trà trồng ở đây mọc chậm, trồng 4 năm mà cây chưa cao tới đầu gối, chưa hái được. Trà trồng mỗi nơi một ít, gần thì ngay cạnh nhà, xa thì tít trên núi, đi cả giờ mới đến nơi. Chị cho biết: “Cứ thấy trà có búp thì hái. Tháng trước hái bán từ 7.000 - 8.000 đồng/kg, được 4 triệu đồng. Hái bán cho người mua về sao, còn nhà mình nấu lá trà tươi uống”.
Phình Hồ là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Trạm Tấu, diện tích tự nhiên trên 3.000ha với 4 thôn; có 290 hộ, dân số trên 2.000 người; trong đó đồng bào dân tộc Mông chiếm trên 90%. Từ nhiều đời nay, cuộc sống của đồng bào nơi đây chủ yếu trông vào cây bắp, cây lúa và cây trà shan tuyết cổ thụ; tỷ lệ hộ đói nghèo vẫn còn tới 82%.
Ông Sùng A Nu, Chủ tịch UBND xã Phình Hồ, cho biết: “Toàn xã hiện có 180ha với hơn 300.000 cây trà shan tuyết lâu đời, tập trung ở các thôn Tà Chử, Phình Hồ, Chí Lư. Trà trồng từ hơn 100 năm rồi. Xã có nhiều trà nhất huyện Trạm Tấu.”
Cây trà shan tuyết ở đây cao trung bình từ 6 - 10m, đường kính thân từ 40 - 50cm, đường kính tán khoảng 3 - 4m, cành lá sum sê, lá trà to dày, xanh ngắt, búp mẩy, có nhiều lông tơ, trắng mịn trông như tuyết. Trà ở đây sạch hoàn toàn vì bà con không bón phân hóa học, không phun thuốc trừ sâu. Cây trà cứ luồn bộ rễ chắc, khỏe xuống tầng đất pha đá mục để hút chất dinh dưỡng, vươn cành lá lên trời cao hấp thu sương trời, khí núi.
Ước tính mỗi năm, 1ha trà shan tuyết cổ thụ ở đây cho năng suất từ 700 - 800kg trà búp tươi. Với diện tích trà hiện có của xã, trung bình mỗi năm người dân hái được khoảng 130 tấn trà búp tươi.
Giá trị chưa xứng tiềm năng
Anh Đặng Xuân Tú, người Kinh, từ tỉnh Thái Bình lên sinh sống ở thôn Tà Chử, xã Phình Hồ từ 15 năm qua. Vợ chồng anh mở sạp bán tạp hóa và cơ sở sao trà ở gần UBND xã. Với 2 máy vò trà, 2 bom sao trà thủ công, là cơ sở sao trà duy nhất ở xã. Vào vụ thu hoạch, ngày cao điểm người dân trong xã hái và bán cho anh 7 tấn trà tươi (giá từ 6.000 - 13.000 đồng/kg). Nhưng với 2 bom sao chạy điện, làm hết công suất, mỗi ngày anh cũng chỉ sao được từ 3 - 3,5 tạ. Số trà còn lại anh bán cho các nhà máy chế biến trà ở huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái.
Bên ấm trà thơm ngát, anh Tú cho biết, khi sao bằng phương pháp thủ công, trà được nước, có màu vàng như mật ong (với trà thường) và đỏ sậm (với trà hồng), hương thơm, vị đượm, ngọt hậu. “Trà sao xong uống ngay thì hăng, để tầm 10 ngày uống mới ngon, dịu”, anh Tú bật mí. Với số trà sao được, vợ chồng anh bán cho người tiêu dùng nhỏ lẻ ở xã. Anh chị cũng đóng gói, in nhãn mác “Tú Bình - đặc sản chè shan Phình Hồ” để gửi ô tô đưa đi tiêu thụ các nơi. Mỗi ký trà khô, tùy địa bàn xa, gần có giá từ 130.000 - 200.000 đồng.
Tôi đã uống trà shan tuyết ở nhiều vùng của Việt Nam và thích nhất hương vị của trà Phình Hồ. Tiếc là với công suất sao trà và giá bán như hiện nay, rõ ràng chưa phát huy được tiềm năng của loại trà này. Chính quyền địa phương cũng chưa có hoạt động gì hỗ trợ sản xuất và quảng bá sản phẩm.
Theo ông Nguyễn Thành Hưng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Trạm Tấu, có thể mở rộng diện tích trồng trà shan tuyết ở xã Phình Hồ lên đến 300ha. Còn ông Trần Văn Long, Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Trạm Tấu, cho biết: Đơn vị đã được UBND huyện giao thực hiện đề án “Xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm trà shan Phình Hồ”.
Tất cả vẫn mới dừng ở ý tưởng. Và trà shan tuyết Phình Hồ vẫn hiu hắt với sương mù gió núi…
ĐỖ QUANG TUẤN HOÀNG