Trà Vinh: Lễ hội Ok- Om- Bok được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể

(SGGPO).- Tối 6-11, UBND tỉnh Trà Vinh đã tổ chức đón nhận lễ hội Ok- Om- Bok chính thức được Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia”. Tham dự buổi lễ có đại diện các bộ ngành trung ương, lãnh đạo tỉnh và đông đảo đồng bào Khmer Trà Vinh đến chung vui.

(SGGPO).- Tối 6-11, UBND tỉnh Trà Vinh đã tổ chức đón nhận lễ hội Ok- Om- Bok chính thức được Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia”. Tham dự buổi lễ có đại diện các bộ ngành trung ương, lãnh đạo tỉnh và đông đảo đồng bào Khmer Trà Vinh đến chung vui.
 
Ok-Om-Bok hay còn gọi là lễ cúng trăng, là 1 trong 3 lễ hội dân gian chính có từ rất lâu đời, được tổ chức hằng năm của đồng bào Khmer Nam bộ (Sêne Đolta, Ok-Om-Bok và Chôl- Chnam-Thmây). Ok-Om-Bok được tổ chức vào tháng 10 âm lịch (theo lịch đồng bào Khmer) thời điểm kết thúc vụ mùa, nên người dân tổ chức cúng trăng để tỏ lòng biết ơn đối với mặt trăng - vị thần thiên nhiên đã giúp đỡ bà con bảo vệ mùa màng, điều hòa thời tiết, đem lại sự no ấm… 

Theo Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh, trong đời sống văn hóa tâm linh của đồng bào Khmer thì thần mặt trăng được xem là vị thần quan trọng, được các gia đình, cộng đồng người Khmer… suy tôn, thờ cúng. Hiện Trà Vinh có hơn 320.000 đồng bào Khmer sinh sống, chiếm khoảng 32% dân số của tỉnh.

Qua khảo sát cho thấy, lễ hội Ok- Om -Bok đã thể hiện được bản sắc văn hóa cộng đồng, được kế tục qua nhiều thế hệ. Vì vậy, việc công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cũng nhằm bảo tồn và phát huy.

Trước đó, Trà Vinh có 3 di sản được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là: lễ hội Cúng biển Mỹ Long; nghệ thuật Đòn ca tài tử Nam bộ tỉnh Trà Vinh và nghệ thuật Chầm Riêng- Chà Rây của nghệ nhân Khmer ở xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú.

* Sóc Trăng: Tưng bừng lễ hội đua ghe Ngo

Ngày 6-11, hàng chục ngàn người dân đã đổ về bên dòng sông Maspero, thành phố Sóc Trăng để xem và cổ vũ cho giải đua ghe cổ truyền Ngo. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác kinh tế đồng bằng sông Cửu Long – Sóc Trăng 2014.

Giải đua ghe Ngo năm nay thu hút 51 đội tham dự (40 đội nam, 11 đội nữ) đến từ 4 địa phương: Bạc Liêu, Hậu Giang, Vĩnh Long và Sóc Trăng. Các cuộc tranh tài diễn ra quyết liệt trong sự cổ vũ tưng bừng của người dân. Ban tổ chức đã trao cờ và tiền thưởng cho 4 đội có thứ hạng cao.

Theo đó, giải nhất đua ghe Ngo nữ thuộc về ghe Xà Phiên – Hậu Giang, nhì Kỳ Sơn – Vĩnh Long, ba Đơmpô Trần Đề (Sóc Trăng) và giải tư Đầu Sấu – Bạc Liêu. Trong khi đó, 4 thứ hạng cao nhất của giải đua ghe Ngo nam đều thuộc về các ghe tỉnh Sóc Trăng, giải nhất thuộc về ghe Pong Tứs Chắs – Thạnh Trị, nhì Pôthi Prứs – Trần Đề, ba Ông Kho – Thạnh Trị và giải tư ghe Tà Quýt Chắs – Châu Thành.

NGUYỄN THANH - CAO PHONG

Tin cùng chuyên mục