Tại hội nghị khách hàng quốc tế ngành điều (vừa tổ chức ở Nha Trang), không ít ý kiến nhà nhập khẩu điều nhân các nước kêu gọi các doanh nghiệp (DN) Việt Nam (VN) bên cạnh việc nâng cao hơn nữa chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, cần minh bạch về thông tin, giao hàng đúng hạn và mong muốn giá cả nên ổn định như hạt hạnh nhân.
Sự việc bắt nguồn từ năm 2007, một số DNVN ký hợp đồng xuất khẩu điều nhân cho các nhà nhập khẩu châu Âu, Nhật Bản, Mỹ, Australia... Nhưng đến gần thời gian giao hàng, giá điều nhân trên thị trường tăng mạnh, làm giá điều nguyên liệu trong nước tăng theo, ngay cả nguyên liệu nhập từ châu Phi cũng gặp khó khăn, đối tác không chịu giao hàng, làm cho không ít DNVN gặp khó khăn khi thực hiện hợp đồng.
Hậu quả là còn 1.200 container điều nhân chưa giao như hợp đồng đã ký. Điều này làm nhà nhập khẩu các nước phẫn nộ và cho biết, các công ty mua bán, đóng gói và rang hạt điều nước ngoài đang bị thiệt hại nghiêm trọng do sự vi phạm hợp đồng của các DN xuất khẩu điều nhân VN.
Ngành điều VN mất uy tín trên thị trường thế giới. Đại diện các nhà nhập khẩu trái cây khô của Hà Lan lúc đó còn bức xúc phát biểu, hành động của không ít công ty xuất khẩu điều nhân VN không thực hiện hợp đồng đã ký, vi phạm nghiêm trọng chuẩn mực quốc tế, đơn phương yêu cầu nâng giá… Những việc này làm xấu đi hình ảnh ngành điều VN và để lại hậu quả lâu dài đến tận hôm nay.
Tuy nhiên, nếu chỉ lấy sự kiện này để lập đi lập lại tại các diễn đàn lời kêu gọi các DNVN nên tuân thủ hợp đồng và giao hàng đúng hạn thì rõ ràng là chưa sòng phẳng cũng như hẹp cho DNVN. Bởi sự việc lúc đó còn có nguyên nhân từ việc nhà buôn điều thô châu Phi không chịu giao hàng, khiến DNVN gặp khó về nguyên liệu để chế biến nên không thể có hàng để giao, nhưng những nhà nhập khẩu đổ hết mọi hậu quả cho các DNVN.
Từ đó đến nay, tình trạng này đã được Vinacas và các DNVN tuân thủ khá tốt. Vài năm sau đó, khi giá đều nhân thế giới giảm xuống, có không ít nhà nhập khẩu từ những nước từng phẫn nộ vì lý do trên, đã không chịu nhận hàng với lý do chưa mở L/C hoặc lấy cớ chất lượng không đảm bảo để yêu cầu… giảm giá.
Chiêu trò có khác gì DNVN trước đó làm và bị lên án. Và thời gian qua, không ít trường hợp DN từ Singapore không chịu giao hàng cho DNVN cũng vì giá cả biến động, ảnh hưởng đến việc kinh doanh của họ.
Điều này cho thấy, không chỉ DNVN mà nhiều quốc gia, kể cả những nước được cho là tiên tiến, phát triển cũng vi phạm hợp đồng vì những khó khăn hay lợi ích riêng tư trước mắt, ảnh hưởng đến uy tín của cả ngành hàng. Bản thân các DNVN thời gian qua đã và đang khắc phục dần cách làm ăn xổi và những DN sống chết với ngành cố gắng tuân thủ hợp đồng đã ký vì kinh doanh là công việc lâu dài.
Chính vì vậy, cũng ngay tại hội nghị khách hàng quốc tế ngành điều, Vinacas kêu gọi các nhà nhập khẩu nên cân nhắc khi ký hợp đồng, không nên ham rẻ để phiêu lưu với những DN thương mại, chỉ nhảy vào làm ăn như lướt sóng khi ngành nào đó đang lúc “dễ ăn”.
Hiện nay ngành điều có Câu lạc bộ G20 plus, bao gồm hơn 20 DN xuất khẩu hàng đầu, không chỉ có kim ngạch lớn, uy tín trong giao hàng và chất lượng mà còn vì sự phát triển bền vững của cả ngành điều. Đó là cơ sở để tham khảo hay hợp tác.
ĐĂNG LÃM