Ý kiến

Trách nhiệm giải trình công vụ của công chức

Trong các văn bản pháp luật liên quan đến công tác phòng chống tham nhũng, giám sát, quản lý cán bộ, công chức… được ban hành thời gian qua, có nhiều quy định đề cập đến tính công khai, minh bạch đối với hoạt động của các cơ quan công quyền.
 
Minh bạch trước tiên là cơ chế chính sách, văn bản pháp luật phải được công bố một cách công khai, minh bạch để người dân khi cần có thể hiểu và thực hiện theo một trình tự pháp lý rõ ràng, không phải mất nhiều thời gian do vận dụng tùy tiện và những thủ tục hành chính đôi khi trở nên quá rườm rà.

Đối với minh bạch trong thực thi công vụ của đội ngũ công chức, yêu cầu được đặt lên hàng đầu là bảo đảm cho việc xây dựng một nền công vụ và đội ngũ công chức tận tụy, liêm khiết, thực hiện công vụ có hiệu quả nhằm tạo thuận lợi cho người dân.

Tính đồng bộ của cơ chế chính sách pháp luật với tính minh bạch trong thực thi công vụ có mối quan hệ mật thiết với nhau, tạo hiệu quả phục vụ của bộ máy công quyền.

Để giải quyết được điều này, các giải pháp của bộ máy công quyền phải bao gồm từ quy định trách nhiệm, nghĩa vụ phải đảm bảo thực thi công vụ và nghĩa vụ giải trình của công chức đối với công việc của mình. Cán bộ, công chức mà không có phẩm chất đạo đức tốt, không toàn tâm toàn ý để thực hiện trách nhiệm của mình thì phải bị loại ra khỏi bộ máy.

Để thực thi công vụ, ngăn ngừa tham nhũng, tiêu cực và bảo đảm một nền công vụ vì dân, tất cả đều phải được công khai, minh bạch. Nếu không thực hiện được việc này thì cũng có nghĩa là không tạo cho người dân được cái quyền để thực hiện quyền giám sát các hoạt động của xã hội.

Đối với trách nhiệm giải trình công vụ của công chức, trước hết phải đề cao tính tự giác, đó là: tôi làm đến đâu, tôi thực hiện việc này tốt xấu thế nào, tôi chủ động thông báo cho người dân biết. Có như vậy, xã hội mới có đầy đủ thông tin để thực thi quyền giám sát một cách hiệu quả. Không công khai, minh bạch thì không thể có một kết quả giám sát tốt được.

Còn bộ máy công quyền nếu không công khai, minh bạch thì hiệu lực thực thi công vụ và hiệu quả các chính sách pháp luật chậm đi vào đời sống, thậm chí làm cản trở sự phát triển của xã hội.

HOÀI NAM

Tin cùng chuyên mục