Chuyện làm ăn

Trại cá hạt nhân

Theo chủ trại cá cảnh Châu Tống (quận 12), kỹ sư Tống Hữu Châu, thông thường sau Tết Nguyên đán là mùa cá đẻ, nhưng năm nay thời tiết thất thường, lạnh kéo dài, nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm quá cao trên 120C-150C khiến cho việc sinh sản bị chậm lại, hoặc làm cho trứng cá bị ung, dễ làm cho cá bị bệnh.

Trong khi đó, việc xuất khẩu cá cảnh vài năm nay gặp khó khăn do quy định về vùng nuôi an ninh sinh học (đảm bảo và phải được chứng nhận không nhiễm bệnh) của Mỹ và các nước thuộc EU đối với cá chép Nhật Bản phải đúng quy trình, đòi hỏi phải có thời gian xây dựng và kiểm tra. Sau hơn 2 năm áp dụng quy trình này, mới đây 4 cơ sở nuôi cá cảnh tại TPHCM, trong đó có cơ sở Châu Tống được đưa vào danh sách sẽ cấp giấy chứng nhận thời gian tới.

Khi đó, việc xuất cá chép Nhật của VN vào thị trường Mỹ sẽ dễ dàng hơn, nhưng với thị trường EU vẫn còn mất một thời gian nữa. Ngoài lý do trên, gần đây suy thoái kinh tế thế giới cũng tác động lên sức tiêu thụ cá cảnh ở các nước. Vì vậy sản lượng và kim ngạch xuất khẩu cá cảnh năm nay sẽ không thể tăng như mong đợi.

Năm 2008 và đầu năm 2009 lượng xuất khẩu cá cảnh giảm mạnh, chỉ còn chiếm khoảng 20%, còn lại là tiêu thụ nội địa. Con số này trước đó là 50%-60% xuất khẩu. Tuy nhiên, cũng theo anh Tống Hữu Châu, trong khi thị trường thế giới rơi vào trì trệ thì việc tiêu thụ cá cảnh ở nội địa lại tăng lên mạnh từ năm 2008 đến nay. Với dân số trên 80 triệu người, cho thấy nhu cầu tiêu thụ nội địa sẽ còn phát triển mạnh trong thời gian tới - một thị trường lý tưởng ngay tại chỗ.

Vì vậy, lượng tiêu thụ cá cảnh ngay trong nước có vai rò rất quan trọng, giúp cân đối với xuất khẩu, nhất là trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế hiện nay. Về xu hướng, sau khi thị trường cá cảnh chuyển từ cá La Hán sang nuôi cá Rồng từ năm 2007, nhưng khoảng thời gian đó cá La Hán vẫn còn được các tỉnh ưa chuộng cho đến cuối năm 2008.

Năm 2008, kết hợp với Hội Nông dân TPHCM, anh Tống Hữu Châu đã tập huấn và thực tập ngay tại trại cá của mình cho những người thật sự muốn nuôi cá cảnh tại phường Thạnh Xuân (quận 12).

Sau khóa học, hơn 70% số học viện này đã nuôi và thành lập tổ nuôi cá cảnh, toàn bộ sản lượng hàng hóa cá cảnh này được anh Châu đảm bảo đầu ra, trở thành vệ tinh, hai bên cùng hợp tác để hỗ trợ lẫn nhau trong việc cung cấp con giống và tiêu thụ sản phẩm. Cũng qua tổ hợp tác này, Hội Nông dân TP đã hướng dẫn bà con làm dự án vay tiền hỗ trợ nông dân làm vốn lập nghiệp (khoảng 15-20 triệu đồng/hộ).

Có thể nói, cách làm này nếu được nhân rộng sau khi hoàn chỉnh sẽ mở ra hướng đi cho việc mở rộng và phát triển nghề nuôi cá cảnh TP, trong đó từ cơ sở hạt nhân hình thành những vệ tinh nhằm tăng lượng cá cảnh hàng hóa, đáp ứng những hợp đồng với yêu cầu khối lượng lớn. 

ĐÔNG PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục