
ĐBSCL được mệnh danh là vùng trồng cây ăn trái lớn nhất cả nước với diện tích khoảng 274.000 ha, sản lượng hàng năm từ 2,3 - 2,7 triệu tấn. Trái cây ĐBSCL đa dạng về chủng loại, có nhiều giống đặc sản nổi tiếng… Thế nhưng, nông dân trồng cây ăn trái cứ mãi phập phồng cảnh rớt giá, thua lỗ kéo dài.
Thua trên sân nhà

Nông dân trồng bưởi Vĩnh Long lo âu vì giá thấp.
Tuần đầu tháng 8, tại các vườn chôm chôm ở ĐBSCL thương lái thu mua chỉ 1.000 - 2.000đ/kg; nhãn da bò 2.000 - 2.500đ/kg; sầu riêng khổ qua xanh 4.000 - 5.000đ/kg; thanh long 1.500 - 2.500đ/kg; bưởi Năm Roi 5.000 - 5.500đ/kg… Tại Đồng Tháp, Bến Tre, Vĩnh Long… trái cây tràn ra lộ bán “đại hạ giá”.
Còn ở chợ Xuân Khánh (TP Cần Thơ) nhiều tiểu thương treo bảng trái cây “rẻ thấy ớn”, “rẻ hết hồn”…! Vậy mà vẫn ế? Ông Nguyễn Văn Mừng, chủ 5 công chôm chôm ở cù lao Long Hồ (Vĩnh Long) chua chát: “Dân nhà nông mỗi năm trông vào 1 vụ chôm chôm. Thế nhưng, cứ tới mùa là rớt giá, bán rẻ như cho không, khổ thật”.
Thạc sĩ Bùi Thanh Liêm, Trưởng phòng Kinh tế huyện Chợ Lách (Bến Tre) thừa nhận: “Giá phân, thuốc, nhân công… đều tăng nhưng giá trái cây lại giảm, đẩy hàng loạt hộ làm vườn lâm vào cảnh lao đao”.
Thật ra, chuyện trái cây ĐBSCL “được mùa - dội chợ - rớt giá”, gần như thành điệp khúc lặp đi lặp lại nhiều năm qua. Dù vậy, các ngành chức năng và người dân “bó tay” không có cách xoay trở. Tiến sĩ Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam bức xúc: “Diện tích mỗi năm cứ tăng nhưng quy mô sản xuất vẫn nhỏ lẻ, manh mún. Trái cây của ta không đồng đều về màu sắc, chất lượng. Nhà vườn chưa quan tâm đến an toàn vệ sinh thực phẩm, nhiều nơi dư lượng thuốc trừ sâu vượt mức cho phép.
Đặc biệt, khâu bảo quản và xử lý sau thu hoạch còn kém, dẫn đến trái cây dễ bị hư thối”. Tiến sĩ Võ Mai, Chủ tịch Hiệp hội Trái cây Việt Nam cho rằng: “Lâu nay, nông dân có thói quen thấy ai trồng cây gì là làm theo, họ chỉ sản xuất mà không nghĩ đến bán cho ai? Bán ở đâu? Giá bao nhiêu… Đây là cách làm lạc hậu không còn phù hợp”. Mặt khác, trái cây ngoại nhập đa dạng, mẫu mã đẹp, ngon, rẻ… ào ạt tràn vào chiếm lĩnh thị trường, đẩy trái cây ĐBSCL thua ngay trên sân nhà?
Xác định thế mạnh của cây đặc sản từng vùng
Theo dự báo của Tổ chức Lương nông thế giới (FAO), nhu cầu tiêu thụ trái cây trên thế giới rất lớn. Sản lượng tiêu dùng toàn cầu còn rất thấp, bình quân từ 36- 38kg/người/năm. Đối với trong nước, tình hình trái cây “cung vẫn thấp hơn cầu”, từ đó cho thấy thị trường tiêu thụ trái cây trong nước và xuất khẩu thời gian tới rất lớn.
Vấn đề đặt ra là nhanh chóng xóa cách làm tự phát, chuyển sang hướng sản xuất hàng hóa tập trung. Tiến sĩ Nguyễn Minh Châu cho rằng: “Mỗi tỉnh nên chọn 1 hoặc 2 loại cây thế mạnh để xây dựng thành vùng sản xuất lớn từ 1.000ha trở lên. Khi đã chuyên canh quy mô thì việc đầu tư kỹ thuật, giống… sẽ thuận lợi. Từ đó tạo ra trái cây đồng đều, chất lượng cao”.
Theo xác định của Bộ NN-PTNT, vùng ĐBSCL có 9 cây đặc sản có khả năng cạnh tranh là: bưởi Năm Roi, bưởi da xanh, cam sành, xoài cát Hòa Lộc, sầu riêng Chín Hóa, sầu riêng Ri 6, măng cụt, thanh long và vú sữa Lò Rèn. Đây là những giống ngon nổi tiếng được người tiêu dùng ưa chuộng. Quy hoạch đến năm 2010, phát triển 9 cây đặc sản theo hướng cải tạo nâng chất lượng và trồng mới, tạo thành vùng sản xuất lớn gắn với thương hiệu.
Tập trung thực hiện đồng bộ cả 4 khâu “sản xuất, thu mua, chế biến - bảo quản và tiêu thụ”. Ba tỉnh: Tiền Giang, Vĩnh Long và Bến Tre đóng vai trò chính phát triển vùng chuyên canh cây đặc sản, bởi lợi thế về sinh thái, truyền thống, thương hiệu, hạ tầng… Đồng Tháp sẽ tập trung cho xoài cát Hòa Lộc, xoài cát Chu; Hậu Giang đầu tư cho bưởi Năm Roi Phú Hữu; Trà Vinh đẩy mạnh măng cụt Cầu Kè… Mục tiêu phấn đấu đạt giá trị từ 82 triệu đồng/ha/năm trở lên.
Bên cạnh đó, Bộ NN-PTNT phối hợp cùng Hiệp hội Trái cây Việt Nam và Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam thành lập “Ban điều hành chương trình liên kết sản xuất tiêu thụ trái cây an toàn sông Tiền” (GAP sông Tiền) gồm 6 tỉnh, thành ĐBSCL và TP Hồ Chí Minh.
Theo đó, tập trung nâng cao chất lượng, củng cố HTX trái cây, kỹ thuật, giống, đẩy mạnh bảo quản và chế biến sau thu hoạch… Ông Nguyễn Văn Dương, Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Tháp lạc quan: “Chúng tôi đang thực hiện 100 ha quýt hồng theo quy trình GAP, bước đầu cho kết quả tốt. Năng suất tăng, trái đẹp, chất lượng cao… bán được giá hơn 3.000 - 5.000đ/kg so sản xuất bình thường”.
Tại Vĩnh Long, Sở NN-PTNT vừa ký kết với METRO Cash &Carry Việt Nam thực hiện dự án trồng bưởi Năm Roi đạt chứng chỉ EurepGAP. Đây là hướng đi tích cực để nâng cao chất lượng trái bưởi và tìm đường xuất khẩu sang châu Âu. Tiến sĩ Nguyễn Minh Châu khẳng định: Trái cây sẽ đứng được trên thị trường và xuất khẩu với điều kiện tất cả cùng làm, cùng liên kết tạo nên sức mạnh. Chớ còn nói rồi buông xuôi thì trái cây không thể đi xa được.
HUỲNH PHƯỚC LỢI