Các tỉnh Nam bộ không chỉ là vùng trọng điểm sản xuất lúa gạo, thủy sản mà nơi đây còn là khu vực tập trung diện tích cây ăn trái khá lớn của cả nước, với hơn 408.000ha. Trong đó, Đông Nam bộ có 122.500ha và Tây Nam bộ 285.800ha.
Vai trò nổi bật - nông dân và thương lái
Với 2 sản phẩm chủ lực ở ĐBSCL, lúa gạo và thủy sản, vai trò hợp tác của doanh nghiệp (DN), thương lái được thấy rất rõ trong tiêu thụ sản phẩm của bà con nông dân. Nhưng với trái cây, 85% sản lượng đến với người tiêu dùng nhờ thương lái. Vai trò của DN trong lĩnh vực này khá mờ nhạt. Tất nhiên, nói như vậy không phải phủ nhận vai trò tích cực của một số công ty tổ chức sản xuất hay ký hợp đồng và thu mua sản phẩm trái cây trực tiếp với người dân để chế biến xuất khẩu. Có thể nói, điển hình trong đó là Công ty Vinamit với các loại sản phẩm trái cây và rau quả sấy khô xuất khẩu hàng đầu Việt Nam và cả khu vực Đông Nam Á. Theo Tiến sĩ Hoàng Quốc Tuấn, Giám đốc Trung tâm Quy hoạch nông nghiệp thuộc Phân viện Quy hoạch thiết kế nông nghiệp phía Nam, vai trò thương lái trong lĩnh vực này có thể nói khá đậm nét, nhờ đó hàng năm nhà vườn mới có thể tiêu thụ một lượng trái cây rất lớn, lên đến hàng trăm ngàn tấn.
Tiến sĩ Phạm Văn Dư, Cục phó Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) ghi nhận, nông dân trồng cây ăn trái vùng Nam bộ hiện nay có thể đáp ứng gần như mọi yêu cầu của thị trường. Nếu trước đây, mỗi loại trái cây chỉ có một mùa nhưng bây giờ bà con có thể trồng, cho ra trái quanh năm như sầu riêng và thanh long. Thậm chí còn có thể tạo ra những hình dạng độc đáo như bưởi hình hồ lô, dưa hấu vuông… vào dịp Tết Nguyên đán. Việc áp dụng kỹ thuật để tạo ra trái cây trái vụ của nông dân, trước đây chỉ là cục bộ, riêng lẻ nên một số nhỏ bà con khá lên nhờ bán được giá. Nhưng nay cần quy hoạch rải vụ cho toàn vùng để giá bán luôn ở mức hợp lý, hạn chế tình trạng được mùa rớt giá.
Sản xuất trái cây tại Việt Nam hiện nay nhỏ, manh mún nên hạn chế cơ giới hóa, trong khi lao động ngày càng khan hiếm. Việc quy hoạch, tổ chức sản xuất, nhất là theo tiêu chuẩn VietGAP đã bị hạn chế, thậm chí có nơi đã bỏ.
Bài học hay từ trái thanh long
Cục Trồng trọt nhận định, nhiều địa phương ít có thế mạnh trồng được nhiều loại cây ăn trái như Bình Thuận có trái thanh long, Kiên Giang có chuối, An Giang có xoài… được quy hoạch, tổ chức sản xuất, gắn với tiêu thụ và áp dụng khoa học kỹ thuật sản xuất một cách khá bài bản. Vai trò của DN thể hiện rõ nét như chuối ở Kiên Giang hay mít vùng Đông Nam bộ và Tây Nguyên được Vinamit bao tiêu để chế biến. Xoài ở An Giang được Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang đặt hàng… Nhờ vậy việc ứng dụng khoa học công nghệ vào trồng trọt để tạo ra sản phẩm đồng loạt theo yêu cầu chế biến của nhà máy trở nên tiện lợi hơn. Cách làm của Bình Thuận với trái thanh long có thể xem là bài học các địa phương cần tham khảo.
Vai trò của Nhà nước trong việc quy hoạch vùng sản xuất, tổ chức sản xuất và áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP được quản lý và bà con tuân thủ khá tốt. Bình Thuận chỉ quy hoạch trồng thanh long trên diện tích 20.000ha, hiện có 17.600ha. Và trong số này có 5.306ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Dự kiến, 2012 sẽ có thêm 2.000ha trồng theo tiêu chuẩn này. Năng suất bình quân khá cao - 40 tấn/ha/vụ. Vì vậy, dù chỉ chiếm khoảng 10% diện tích nông nghiệp nhưng trái thanh long lại chiếm 30% giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Bình Thuận đã lập ra ban chỉ đạo cấp tỉnh, huyện, xã. Đặt hàng nhà khoa học đề tài nghiên cứu và trong số 20 đề tài về khoa học có 10 đề tài liên quan đến trái thanh long. Mở rộng tổ tư vấn nên đã có 400 tổ nhóm được chứng nhận VietGAP, mỗi nhóm 20-30 hộ khoảng 40-50ha. Những nhóm này làm thay đổi tập quán, từ sản xuất nhỏ thành sản xuất nhóm, quy mô lớn hơn. Tỉnh Bình Thuận khẳng định, sản xuất theo VietGAP, giúp giảm phân bón, phun xịt thuốc bảo vệ thực vật nên chi phí sản xuất giảm hẳn, nhờ vậy lợi nhuận cao hơn và môi trường sống của bà con nông dân tốt hơn.
|
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng cho rằng các địa phương cần học cách làm của tỉnh Bình Thuận về quy hoạch, tổ chức sản xuất theo VietGAP và tiêu thụ để tạo thành một chuỗi giá trị, trong đó nên chú trọng đưa thương lái vào chuỗi giá trị. Nhờ thương lái, trái cây được tiêu thụ tốt, nhưng nhiều thương lái chỉ chú ý đến lợi nhuận nên việc đóng gói, bao bì vẫn chưa đáp ứng nhu cầu mới, cách làm vẫn còn như 20-30 năm về trước. Vì vậy, đưa thương lái vào chuỗi sản xuất cần gắn với việc đầu tư sơ chế, vận chuyển. Bộ NN-PTNT sẽ sớm công bố quy hoạch tổng thể cây ăn trái toàn vùng, nhưng yêu cầu các tỉnh cần có quy hoạch chi tiết đến từng xã, nếu có điều kiện thí điểm đến từng hộ.
ĐĂNG LÃM