Có thể nói, trong các ngành chế biến nông lâm thủy sản xuất khẩu như lúa gạo, cà phê, hồ tiêu, cao su…, rau quả là ngành gặp nhiều khó khăn nhất. Mặc dù Việt Nam trồng được nhiều loại rau quả nhiệt đới, ngon nổi tiếng như nhãn lồng Hưng Yên, vải thiều, sầu riêng sữa hạt lép, xoài cát Hòa Lộc, bưởi Năm Roi, bưởi da xanh, thanh long… với diện tích lớn, khoảng 1,4 triệu ha, nhưng đây là ngành mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) lo ngại, khó có thể đạt được kế hoạch đề ra do sức cạnh tranh yếu.
Điều đáng nói, rau quả Việt Nam thừa nhưng lại thiếu. Theo số liệu của Bộ NN-PTNT, trung bình diện tích vườn cây ăn trái chỉ là 0,69ha/hộ và hơn 91% nông hộ trồng nhiều loại cây trong cùng một vườn nên không đủ cung cấp cho các nhà máy chế biến trái cây. Đến mùa thu hoạch, rau quả tiêu thụ không hết, giá giảm nhưng nhà máy lại thiếu nguyên liệu chế biến, hầu như chỉ hoạt động khoảng 50% công suất, không ít nhà máy phải đóng cửa.
Ông Đới Xuân Quản, Cục phó Cục Chế biến thương mại nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN-PTNT), cho biết, việc sản xuất nhỏ lẻ, manh mún; thu hái, lựa chọn và bảo quản rau quả chủ yếu làm thủ công, tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch trái cây lên đến 20%-25% làm cho rau quả nội địa giảm khả năng cạnh tranh so với các nước. Các nhà máy không dám mua trái cây về chế biến vì không cạnh tranh được với các nước trong khu vực. Thời gian tới, diện tích cây ăn trái ở ĐBSCL có thể giảm nhiều ở các địa phương Cần Thơ, Cao Lãnh - Đồng Tháp, Mỹ Tho - Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh do chuyển diện tích sang đất đô thị, công nghiệp. Bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, đất trồng cây ăn trái tại các huyện ven biển của tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang sẽ bị xâm nhập mặn nên không ít nhà máy chế biến trái cây có thể đóng cửa vì thiếu nguyên liệu.
Nhiều người đã ví những thành tựu mà nông dân Việt Nam đạt được như gạo, cà phê, hồ tiêu, cao su, hạt điều, cá tra… như là một kỳ tích và nông nghiệp Việt Nam là một cường quốc thực sự khi là quốc gia đứng hàng đầu về xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản. Nhưng với ngành rau quả, có thể nói, đó lại là điểm yếu của “người khổng lồ chân đất”. Bản thân ngành hàng này vẫn loay hoay về quy hoạch, chủng loại, sản xuất và chế biến. Trên thế giới, rau quả là mặt hàng nông sản giao dịch lớn nhất, gần 103 tỷ USD/năm; lúa gạo, cao su, trà, cà phê không quá 10 tỷ USD/năm/loại; các mặt hàng nông sản khác như trà, điều nhân, hồ tiêu lại càng nhỏ hơn, khoảng 3 tỷ USD/năm.
Nếu so với giao dịch thị trường thế giới, kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam những năm qua chiếm khoảng 0,2%, con số quá nhỏ trong khi ngành rau Việt Nam còn có thể chiếm tỷ lệ cao hơn. Bản thân ngành nông nghiệp cũng có cơ cấu và chiến lược chưa tương xứng với nhu cầu thị trường thế giới khi chúng ta xác định lấy xuất khẩu để phát triển. Cây lúa vẫn còn “độc canh” với khoảng 7 triệu ha gieo trồng/năm (chiếm 74% diện tích đất nông nghiệp), trên 1 triệu ha cao su, trà, cà phê. Về mặt kinh tế và hiệu quả sử dụng đất, việc định vị cây trồng và quy hoạch sản xuất nông nghiệp như vậy là chưa hợp lý. Đến lúc phải tính toán lại lợi thế so sánh, lợi nhuận thật sự mang lại cho nông dân để định vị lại cây trồng chủ lực và có các bước đi phù hợp, không thể chạy theo số lượng.
Công Phiên