Họ là những nữ TNXP thuộc Đoàn 559. Họ đã dành cả tuổi thanh xuân cho nhiệm vụ mở đường Trường Sơn huyền thoại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Khi trở về quê hương, mỗi người một hoàn cảnh, một nỗi niềm, có người đến nay vẫn đơn thân lẻ bóng. Rồi họ tìm đến với nhau, để nương tựa, sẻ chia khó khăn và đỡ đần nhau trong cuộc sống.
Ký ức một thời khói lửa
Từ TP Ninh Bình, đi hơn 20km xuôi về phía Đông là tới trang trại trồng nấm của cựu nữ TNXP Trường Sơn huyện Yên Khánh tỉnh Ninh Bình. Tại “văn phòng” làm việc, một ngôi nhà mái bằng cũ kỹ, mượn tạm của một nhà máy rượu bỏ không, chị Phạm Thị Cúc bồi hồi nhớ lại: “Tháng 10-1973, cùng với hàng trăm chị em ở huyện Yên Khánh, tôi làm đơn tình nguyện đi TNXP. Vào chiến trường, đơn vị tôi biên chế về Sư đoàn 473, thuộc Đoàn 559 (Bộ Tư lệnh Trường Sơn). Năm 1974, khi đang thu dọn sân bay Tà Cơn (Quảng Trị), tôi bị vướng mìn, bất tỉnh 3 ngày liền. Sau 4 tháng điều trị, lành vết thương, tôi lại trở về đơn vị...”. Chiến tranh kết thúc, chị Cúc trở lại miền Bắc. Tài sản duy nhất chị mang về là chiếc ba lô cũ kỹ, bên trong chứa kỷ vật chiến trường: chiếc võng, vỏ đạn, lược chải tóc, ca đựng nước, bát ăn cơm, đĩa đựng thức ăn... làm bằng vỏ đạn hoặc xác máy bay Mỹ.
Nghe nhắc lại chuyện Trường Sơn, hai chị Phạm Thị Thái và Đinh Thị Nhạc cũng chạy vào, cùng kể, như ôn lại một thời bão lửa. Chị Thái là lính công binh, nhập ngũ tháng 8-1973, ở Sư đoàn 472, Đoàn 559. Chị nổi tiếng với kỷ lục một ngày “giật” 23 quả bộc phá để lấy đá làm đường. Còn chị Nhạc, nhiều lần dũng cảm lao ra san lấp hố bom ngay sau khi máy bay địch đánh phá trọng điểm. Hết chiến tranh, trở về quê hương, cho đến nay, chị Nhạc đã 58 tuổi vẫn chưa một lần được làm vợ, làm mẹ... Hàng ngày, chị phải lăn lộn, bươn chải kiếm sống và để nuôi người cha già yếu! Di chứng của chiến tranh đã để lại trên cổ chị một cái u bướu.
Năm 1998, lần đầu gặp lại nhau, sau phút hàn huyên, chị Nhạc, chị Thái, chị Cúc nảy ra ý tưởng thành lập một ban liên lạc để tập hợp các chị em từng là TNXP Trường Sơn. Năm 1999, Ban liên lạc Hội nữ cựu TNXP huyện Yên Khánh (Ninh Bình) ra đời, ban đầu chỉ có 6-7 chị em. Nhưng thời gian ngắn đã quy tụ được 111 chị em, những người năm xưa từng là thiếu nữ mười tám, đôi mươi mở đường Trường Sơn huyền thoại, nay đã là những bà, những mẹ hoặc vẫn còn độc thân, đơn lẻ...
Thương hiệu nấm T và B
Khi số lượng cựu TNXP đông tới hàng trăm người, Ban liên lạc cần có quỹ để sinh hoạt. Các chị đưa ra sáng kiến, mỗi người đóng 30.000 đồng, để khi gặp nhau có chén trà, thanh kẹo. Buổi trưa, chị Cúc làm một bữa cơm, mời tất cả chị em ở lại, nhưng nhiều người không dám ở. Cơm dọn ra, các chị vẫn quay về. Chị Cúc đuổi theo hỏi han thì họ e ngại nói nhà quá nghèo, không có nổi 30.000 đồng đóng cho quỹ. Có lần, chị Bình, một cựu nữ TNXP, ở xã Khánh Hòa, cùng huyện, về sinh hoạt với Ban liên lạc, đã kéo chị Cúc ra một góc, tẩn mẩn lôi từ trong cạp quần ra một xấp bạc lẻ: “Đây là 30.000 đồng, tao đóng cho mày làm quỹ, để tao sinh hoạt với chị em!”.
Chị Cúc rơm rớm nước mắt: “Sau đó, tôi mới biết, đó là những đồng tiền đi cấy thuê, chị Bình giấu chồng con, mang lên đóng cho quỹ”. Chị em chúng tôi lại ôm nhau khóc. Lúc đó, chúng tôi bàn nhau, phải làm cái gì để vừa có chút tiền quỹ cho Ban liên lạc, vừa giúp nhau cải thiện cuộc sống.
Ban đầu, các chị nghĩ tới công việc quét rác, làm lao công. Họ lên UBND huyện Yên Khánh gặp lãnh đạo, xin được “thầu” quét rác ở chợ, hoặc dọn cỏ và vệ sinh trong trụ sở UBND huyện. Ông chủ tịch UBND huyện lúc đó không đồng ý, vì sợ ảnh hưởng tới uy tín của các chị, lẫn uy tín của lãnh đạo. Một hôm, ông gọi các chị lên, bảo: “Huyện đang có dự án phát triển nghề trồng nấm rơm. Các chị có thể tham gia để tạo thu nhập ”.
UBND huyện Yên Khánh giúp các chị mượn một khu đất rộng hơn 16ha ở triền đê xã Khánh Hồng. Từ đó, một trang trại nấm đã mọc lên, do chính tay những nữ TNXP năm xưa gây dựng. Hàng trăm chị em tập hợp lại, từ sáng tinh mơ đã đi ra bãi phát cỏ, dựng các túp lều, quây rơm trồng nấm. Cảnh miệt mài, vui say như đang trở lại những năm mở đường Trường Sơn huyền thoại, quên cả đói, khổ.
Nhưng niềm vui chưa tròn thì cái buồn ập đến. Nấm trồng không lên được. Tình cờ, GS Nguyễn Lân Dũng nghe tin và về tận nơi phổ biến kỹ thuật trồng nấm cho các chị. Rồi những mẻ nấm cứ đều đặn ra lò. Đầu tiên là nấm rơm, sau còn có cả nấm sò, nấm mỡ, nấm linh chi...
Năm 2004, để tiện bề kinh doanh, phát triển thị trường, Ban liên lạc đã quyết định thành lập Công ty cổ phần nấm rơm T và B (nghĩa là công ty trồng nấm của những chị em thương binh và bệnh binh). Từ năm 2004 đến nay, GS Nguyễn Lân Dũng vẫn tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật, giúp các chị trồng thêm nhiều loại cây đặc sản khác như ngô ngọt, đu đủ Đài Loan, cà chua nhót, khoai lang Nhật Bản... Năm 2008, Công ty cổ phần T và B nhận được giải thưởng vàng “Doanh nghiệp nổi tiếng thời mở cửa và hội nhập” (trong Chương trình Người lính với hội nhập lần thứ nhất) do Bộ Quốc phòng, Hội Cựu chiến binh Việt Nam tổ chức. Chị Phạm Thị Cúc còn được Đại tướng Võ Nguyên Giáp tặng bưu ảnh và lời chúc mừng…
VĂN PHÚC