Ansgar Belke, giáo sư kinh tế vĩ mô và là Giám đốc Viện Nghiên cứu kinh tế và kinh doanh thuộc Đại học Duisburg-Essen (Đức) vừa có bài trả lời phỏng vấn tạp chí Asia Times về kế hoạch phát hành trái phiếu đảm bảo bằng vàng của EU.
Theo ông, đây thật sự là điều cần thiết bởi cho tới nay, EU chưa có giải pháp hữu hiệu cho cuộc khủng hoảng đồng EUR. Các kế hoạch thắt lưng buộc bụng và tăng trưởng của các con nợ không đáp ứng được như mong đợi trong khi triển vọng nhận các khoản vay từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Cơ chế ổn định tài chính châu Âu (EFSF) và Cơ chế ổn định châu Âu (ESM) đang giảm dần. Hơn thế nữa, lãi suất trái phiếu đã giảm.
Do đó, EU đang dần hết các lựa chọn cũng như không còn nhiều thời gian. Khi phát hành trái phiếu đảm bảo bằng vàng, EU dĩ nhiên cân nhắc đến thực lực của các thành viên, nhất là các nước gặp khủng hoảng nợ công. Italia và Bồ Đào Nha có dự trữ vàng là 24% và 30%. Sử dụng một phần của số vàng dự trữ này để thế chấp vay nợ sẽ cho phép các nước này giảm chi phí vay đáng kể.
Ngoài ra, sử dụng dự trữ vàng của các ngân hàng trung ương quốc gia đảm bảo cho trái phiếu sẽ minh bạch hơn rất nhiều so với các loại cổ phiếu thông thường. Mặt khác, nó còn hấp dẫn hơn nhiều đối với các nhà đầu tư và quan trọng hơn là điều này dễ đạt sự đồng thuận của người dân eurozone và Nghị viện châu Âu. Nó cũng không dẫn đến việc mất kiểm soát dòng tiền từ Bắc vào Nam với những hậu quả khó lường. Trái phiếu dựa trên vàng không ảnh hưởng nhiều đến cán cân tài chính của EU. Hệ thống Ngân hàng Trung ương châu Âu có thể đưa ra các điều kiện khi phát hành trái phiếu đảm bảo bằng vàng để tránh tình trạng đầu cơ vàng.
Nhưng mọi thứ đều có rủi ro. Dù sao, khả năng Italia và Bồ Đào Nha mất vàng khi phát hành loại trái phiếu này cũng được xem là một hành động xử lý kỷ luật đối với các hành vi vi phạm chính sách tài chính của họ. Tuy nhiên, nhà kinh tế người Đức cho rằng thiệt hại sẽ nhỏ hơn so với phát hành trái phiếu thông thường. Trong lịch sử, những năm 1970, Đức từng cho Italia vay đảm bảo bằng vàng. Năm 1991, Ấn Độ cũng cho Ngân hàng Trung ương Nhật Bản vay các khoản đảm bảo bằng vàng. Trong năm 2008, Thụy Điển đồng loạt sử dụng vàng để nâng cao giá trị tiền mặt và cung cấp tính thanh khoản cho hệ thống ngân hàng Scandinavia. Khu vực đồng EUR nắm giữ 10.792 tấn vàng, trị giá khoảng 590 tỷ USD.
Như vậy, so với cuộc khủng hoảng đồng EUR, doanh số vàng đủ khả năng giải quyết vấn đề. Sử dụng vàng như tài sản thế chấp cho các vấn đề nợ sẽ giảm bớt áp lực ngắn hạn và tạo điều kiện thuận lợi cho tăng trưởng quay trở lại. Tuy nhiên, các nước như Hy Lạp, Ireland hay Tây Ban Nha sẽ không có đủ vàng dự trữ cho số nợ của mình nhưng chỉ thực hiện trái phiếu bảo đảm bằng vàng với một số nước như Italia hay Bồ Đào Nha cũng là cần thiết để ngăn khủng hoảng nợ công lan rộng.
Một vấn đề khác là tổ chức thực hiện. Ngân hàng trung ương các nước thành viên EU kiểm soát vàng rất chặt chẽ chứ không phải chính phủ, họ cũng chưa có cơ chế hợp tác về lĩnh vực, nhưng theo ông Belke, họ sẽ sớm vượt qua được.
Khánh Minh